Nhiều nhà xuất bản “kêu cứu” về tình trạng sách giả: Cuộc chiến không cân sức

Thứ năm, 02/07/2020 - 16:47

Vừa qua, đại diện NXB Kim Đồng đã gửi một thông điệp khẩn thiết đến các cơ quan báo chí - truyền thông, đề nghị lên tiếng về tình trạng "sách giả giết chết sách thật" sau khi phát hiện hàng chục đầu sách của mình bị làm giả bán tràn lan trên mạng...

20200702-Nam-9.jpg
Bộ sách rởm "Kính vạn hoa" gắn mác NXB Kim Đồng rao bán trên mạng có chất lượng in ấn kém.
 
Thời gian gần đây, thông qua các trang thương mại điện tử, sách giả được giao dịch với số lượng lớn và không thể kiểm soát về chất lượng, đã khiến không chỉ NXB Kim Đồng mà nhiều đơn vị làm xuất bản rơi vào cảnh lao đao, khốn khó.
 
Gia tăng mạnh sách lậu - sách giả qua giao dịch điện tử
 
Từ đầu năm 2020, do tình hình dịch bệnh COVID-19 cận hạn chế tiếp xúc, nên giao dịch thương mại điện tử gia tăng mạnh, đặc biệt là đối với mặt hàng sách. Với việc giãn cách xã hội, trẻ em được nghỉ học hoàn toàn trong hơn 3 tháng đã khiến nhiều bậc phụ huynh có thời gian chăm lo đời sống tinh thần cho con và cho chính mình. Đây là cơ hội cho chính các NXB nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, thách thức khi các trang giao dịch thương mại điện tử, trong đó có các trang Facebook đã thường xuyên lấy hình ảnh sách thật của các NXB để đăng bán với chiêu thức giảm giá để thu hút, chèo kéo người tiêu dùng.
 
Sau đó, khi khách hàng đặt mua, hoàn thành việc thanh toán, đến khi nhận hàng thì sản phẩm họ nhận được lại khác xa lời quảng cáo "một trời một vực". Nhiều khách hàng đã kêu trời vì bị "dỗ ngọt" trước những lời quảng cáo - giảm giá có cánh mà đã bị lừa khi nhận về món hàng là những cuốn sách với chất lượng giấy kém, chữ nhòe mờ, nhiều lỗi chính tả, bìa và gáy nhăn nhúm, ruột sách được cắt xén thủ công lem nhem, xộc xệch...
 
Đại diện NXB Kim Đồng cho biết, bộ sách văn học kinh điển của "Kính vạn hoa" của tác giả Nguyễn Nhật Ánh do NXB Kim Đồng ấn hành đã trở thành thương hiệu từ nhiều năm nay được rao bán trên các trang mạng, nhưng khi người mua nhận hàng thì ngoài các lỗi kể trên, còn phát hiện các cuốn sách có kích cỡ không đồng nhất, quyển thấp quyển cao nếu xếp trên cùng một mặt phẳng.
 
Những cuốn sách khác của Kim Đồng như “90% Trẻ thông minh nhờ cách trò chuyện đúng đắn của cha mẹ” trong Tủ sách “Làm cha mẹ”, các bộ truyện tranh "Doraemon", "Thám tử lừng danh Conan"… cũng gặp phải tình trạng tương tự.
 
Sự phát triển của internet và cùng với đó là môi trường thương mại điện tử ngày càng nở rộ như một tiện ích, đã khiến vấn nạn sách lậu - sách giả này càng trở nên nhức nhối hơn cách giao dịch truyền thống xưa kia. Nếu trước đây, sách giả - sách lậu trà trộn với sách thật, bày bán tại các cửa hàng, sạp báo nhỏ lẻ hoặc xa trung tâm, vùng sâu vùng xa, thì hiện nay sách giả - sách lậu được bán công khai, cung cấp trên toàn quốc qua hệ thống bán lẻ online rất khó kiểm soát. Người bán sách lậu chủ yếu sử dụng tài khoản ảo trên các mạng xã hội để bán sách giả, sách in lậu với mức giá các nhà xuất bản chân chính không thể cạnh tranh nổi.
 
Với sách của NXB Kim Đồng, đã có nhiều cuốn sách bị đơn vị này phát hiện người bán ngang nhiên sử dụng hình ảnh sách thật của mình để quảng cáo, lừa người mua hàng. Người mua cũng nhẹ dạ cả tin, nhìn ảnh sách thật và bị hấp dẫn bởi chiết khấu quá cao, giá bán rẻ mà đăng kí mua để nhận được lại là sản phẩm giả, kém chất lượng.
 
Tuy nhiên, vẫn có những trang bán hàng giả với giá rất sát với giá của sách thật để lừa người tiêu dùng. Cũng có những trang bán sách giả với kỹ thuật in ấn tiên tiến, khó phát hiện. Vì thế, các khách hàng mua online nên thật sự thận trọng, chỉ lựa chọn những trang bán hàng uy tín hoặc đặt sản phẩm từ chính các NXB để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, tránh mất tiền thật mà lại mua cái bực tức vào thân...
 
Qua đây, cũng có thể thấy, về chiến lược lâu dài, các NXB muốn tồn tại, "cạnh tranh" được cũng phải tập trung phát triển mạng lưới bán hàng trực tuyến hoặc liên kết chặt chẽ với các đối tác, các kênh bán hàng, giao dịch điện tử để phù hợp với xu thế của thời đại, tránh việc mất đi một lượng khách hàng online đang ngày càng mở rộng như hiện nay.
 
Sách giả - Sách thật: Cuộc chiến dài hơi
 
Chắc hẳn nhiều người còn nhớ, vào tháng 6-2019, First News -Trí Việt đã từng tổ chức một cuộc họp báo để “kêu cứu” với giới truyền thông và công khai cung cấp những bằng chứng tiêu thụ sách giả của các trang bán hàng trực tuyến như Lazada, Shopee, Sendo từng được dư luận rất quan tâm ủng hộ. Các đơn vị có vi phạm đã phải gỡ bỏ sách, xin lỗi đối với First News -Trí Việt. Sự mạnh mẽ "chỉ mặt đặt tên" này của First News -Trí Việt cũng khiến việc bán sách của các trang mạng uy tín cần được cân nhắc, tính toán kỹ hơn.
 
Thế nhưng, với sự phát triển cũng như các tiện ích giao dịch từ Facebook, hồi đầu tháng 3-2019 vừa qua, công ty First News - Trí Việt cùng Alpha Books đã hợp tác công bố danh sách 32 trang mạng xã hội chuyên trưng bày, quảng cáo sách thật của các đơn vị xuất bản nhưng lại bán sách giả, sách in lậu kém chất lượng, có nhiều sai sót với số lượng lớn trong nhiều năm qua.
 
Theo danh sách First News -Trí Việt cùng Alpha Books đã công bố trước đây, thì có đến 32 trang mạng (chủ yếu là các trang facebook) chuyên bán sách lậu, sách giả có tên như sau: ACADY - Sách giao tiếp & kỹ năng sống, Cách nghĩ để thành công, Deepix - Tủ sách thành công 4.0, DONGDA - Đọc sách sống phong cách, Hiệu sách tiếng Hàn, Hiệu sách mùa Hạ, Hiệu sách Mặt Trời, Kho sách, Kho sách của bạn, Khu vườn mọt sách, Navy Books - Sách hay Hà Nội, Nhà sách Tuổi trẻ Books, Mọt sách Hà Nội, Sách hay mỗi ngày, Sách cũ Sài thành, Tổng kho Sách, Sách xưa Hà Nội, Tủ sách tinh hoa...
 
Ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc First News -Trí Việt cho biết: "Để có được những tổng kết chính xác về tên tuổi cũng như có bằng chứng xác thực về hành vi gian lận của các trang bán hàng này, tôi và các cộng sự đã phải kiên trì việc đặt mua các đầu sách của chính mình được rao bán trong suốt nhiều tháng trời, sau đó công bố công khai với giới truyền thông cũng như gửi bản "danh sách đen" này đến với các cơ quan chức năng để phối hợp đấu tranh với tệ nạn sách lậu - sách giả hoành hành công khai trên internet trong suốt một thời gian dài mà chưa có cơ chế phối hợp để xử lý triệt để".
 
Trao đổi về vấn đề này, chị Giáng Ngọc - người có thâm niên gắn bó với NXB Kim Đồng cho biết: "Sách lậu đang làm tổn hại đến quyền lợi chính đáng của các tác giả chân chính - những người đã bằng tài năng, kiến thức, kinh nghiệm sống của mình cống hiến trọn đời cho niềm đam mê đọc sách của nhân loại - thế nhưng lại không hề được hưởng nhuận bút.
 
Sách lậu gặm nhấm, mài mòn sức lực từng biên tập viên, từng họa sĩ minh họa, chế bản, trình bày, người phụ trách in ấn. Một cuốn sách, biên tập viên nhiều khi mất cả 10 năm theo đuổi, các họa sĩ lên phác thảo trình bày hoàn thiện hàng năm trời, được chế bản công phu, gia công in ấn cầu kỳ, bỗng biến thành một cuốn sách lậu - một sản phẩm thứ cấp bìa xộc xệch, màu phai lạt, được in chữ mờ chữ tỏ. Sách văn chương thì đứt mạch cảm xúc; sách kiến thức, giáo dục thì mất chữ, mất dòng... Đó là những điều khiến người làm sách chuyên nghiệp như chúng tôi cảm thấy rất đau lòng!".
 
Suốt mấy chục năm qua, cuộc chiến sách thật - sách giả chưa bao giờ kết thúc mà dường như đã trở thành một cuộc chiến không cân sức khi “người ngay” lại phải sợ kẻ gian và những kẻ làm sách giả - sách lậu ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi hơn, được hỗ trợ nhiều hơn bởi kỹ thuật, công nghệ, internet...
 
Hàng chục đơn vị làm xuất bản danh tiếng thường xuyên có sách bị làm giả, bị in lậu như NXB Trẻ, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, NXB Thời đại, NXB Kim Đồng, NXB Văn học, NXB Phụ nữ, NXB Văn hóa Thông tin Công ty CP Văn hóa và truyền thông Nhã Nam... thường xuyên phải đối mặt và canh cánh với nỗi lo, sách vừa ra thị trường thì các đầu nậu đã "hớt tay trên"để in lậu với số lượng lớn kiếm lời, ăn chặn công sức, tiền bạc của những đơn vị làm ăn chân chính.
 
Xem ra, với cách xử lý hành vi in lậu - làm giả sách như hiện nay (vẫn chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính), thì chắc hẳn nhiều kẻ in lậu sẵn sàng chịu nộp phạt để tái diễn hành vi đó. Bởi thế, cần những biện pháp thật sự mạnh tay hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, hành vi này cần phải được xử lý theo Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, Điều 192 - "Tội sản xuất, buôn bán hàng giả", có thể bị ngồi tù, bị phạt tiền hoặc cấm hành nghề vĩnh viễn thì mới có tính chất răn đe...
 
Nguyệt Hà ( vnca.cand.com.vn )

Giới thiệu doanh nghiệp

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ