Nhân lực công nghệ thông tin: Thiếu hụt trầm trọng!

Thứ tư, 08/07/2020 - 15:24

Cách mạng công nghệ 4.0; Chuyển đổi số; mục tiêu phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số theo Chỉ thị của Thủ tướng cộng thêm với đại dịch Covid-19 làm thay đổi phương thức quản trị, kinh doanh thì vấn đề nguồn nhân lực công nghệ thông tin sẽ tiếp tục "nóng" trong thời gian tới.

20200708-Nam-1.jpg
Tập đoàn VNPT là một trong số ít những doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin có lợi thế về thu hút nhân lực IT
 
Theo khảo sát của Forbes trong năm 2019, nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin (IT) tăng 56% và dự kiến sẽ thiếu hụt trầm trọng khoảng 90.000 nhân lực IT vào năm 2021. Cuối năm 2019, mọi dự báo cho thấy nhu cầu tuyển dụng CNTT sẽ tiếp tục tăng mạnh vào 2020.
 
Trên thực tế, sau những tháng đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã không chỉ chứng minh cho dự báo này mà còn đẩy nhu cầu về nhân lực CNTT lên cao hơn nhiều lần.
 
Ngoại trừ đột biến về nhu cầu do đại dịch COVID-19 thì các lý do chính dẫn đến tăng trưởng nóng với nhân sự CNTT có thể kể đến như: Việt Nam đã gây được sự chú ý khiến cho các công ty công nghệ lớn trên thế giới tìm đến để thuê và xây dựng đội ngũ phát triển sản phẩm; làn sóng khởi nghiệp sáng tạo Make In Vietnam trong lĩnh vực công nghệ ngày càng mạnh và đặc biệt là “vận hội lớn” chuyển đổi số như lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
 
Hiện tại, thị trường IT tại Việt Nam rất cần các nhân lực IT chất lượng cao, nhưng lượng cung luôn ít hơn cầu. Nhưng đó mới chỉ là về số lượng, trong khi “chất lượng nguồn nhân lực mới là vấn đề sống còn” – cũng theo lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
 
“Chiếc chìa khóa duy nhất để giải quyết vấn đề nan giải này chính là nằm ở đào tạo. Hiện tại, các trung tâm đào tạo tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp về nhân sự. Chỉ có 30% trong số 50,000 sinh viên CNTT đáp ứng yêu cầu chuyên môn của doanh nghiệp.” - Báo cáo Báo cáo thị trường IT 2020 của TopDev nêu rõ.
 
Theo đó, chương trình đào tạo không đúng trọng tâm doanh nghiệp cần Sinh viên ra trường không có kỹ năng thực hành, thiếu kỹ năng trong công việc (làm việc nhóm, quản lý thời gian, giao tiếp,...) Giao tiếp và sử dụng tiếng Anh chưa thành thạo; Công nghệ thay đổi quá nhanh, khó xây dựng chương trình đào tạo trong nhà trường… là những nguyên nhân đáng chú  ý dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực IT.
 
Tuy nhiên, còn có một nguyên nhân sâu xa nữa, đó là sự thiếu ổn định trong thị trường lao động của lĩnh vực này.
 
Theo PGS.TS. Trần Thị Thái Hà, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), qua khảo sát và trao đổi với các doanh nghiệp sử dụng nhân lực CNTT, nhóm nghiên cứu đề tài “Phát triển nguồn nhân lực CNTT” nhận thấy bất cập chung ở đa số các doanh nghiệp CNTT ở Việt Nam là hoạt động quy mô nhỏ và vừa.
 
Đặc biệt, phần lớn các doanh nghiệp này đang gia công theo nhu cầu của nước ngoài, còn tỷ lệ sản phẩm CNTT phục vụ cho nền kinh tế Việt Nam vẫn rất ít. Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy, có đến 90% doanh nghiệp CNTT ở Việt Nam đang gia công cho đối tác ở nước ngoài. Như vậy, có một rủi ro lớn cho nhân lực CNTT Việt Nam, đó là chỉ cần một hoặc một vài đối tác nước ngoài lớn ngừng thuê thì lập tức hàng nghìn lao động có thể mất việc.
 
Điều này dẫn đến một thực tế, đó là nhiều người sẽ đắn đo khi lựa chọn một ngành học vất vả, đòi hỏi độ sáng tạo cao, thời gian học lâu hơn các ngành kinh tế…, mức lương tuy khá nhưng sự ổn định lại không chắc chắn…
 
Cùng lý do này, việc hoạch định chính sách, lên kế hoạch đào tạo cũng sẽ khó sát với nhu cầu của thị trường.
 
Ngược lại, với sự phát triển nóng, việc giữ chân những người giỏi cũng là vấn đề “đau đầu” của các doanh nghiệp.
 
Theo khảo sát, 70% “dân” IT sẵn sàng thay đổi nơi làm việc với mức lương chỉ tăng khoảng 15% nếu ở đó họ nhận được nhiều giá trị hơn (Được đào tạo bài bản & phát triển kỹ năng chuyên sâu; Môi trường Văn hóa công ty phù hợp; Dự án và công nghệ thử thách và thú vị; Quy trình quản lý công việc/ dự án tốt Trang thiết bị chất lượng, cơ sở vật chất hỗ trợ đầy đủ; Giờ làm việc linh động; Quy trình, chính sách công ty rõ ràng, minh bạch…)
 
Như vậy, chỉ những tập đoàn lớn về công nghệ thông tin với nhiều điều kiện hơn hẳn những doanh nghiệp vừa và nhỏ kể cả về thu nhập, môi trường làm việc hay sự ổn định, đặc biệt là cơ hội được đào tạo lại một cách bài bản thì việc tuyển chọn và giữ chân những nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực IT mới có vẻ “dễ thở” hơn.
Tuy nhiên, với mục tiêu phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam theo Chỉ thị 01/CT-TTg được Thủ tướng đặt ra hồi đầu năm 2020, nguồn nhân lực công nghệ thông tin sẽ vẫn tiếp tục là một vấn đề nóng trong thời gian tới.
 
12 loại hình dịch vụ IT sẽ phát triển mạnh
Theo báo cáo IT của TopDev, năm 2020, Việt Nam cần hơn 400.000 nhân lực ngành IT và sẽ tăng lên đến 500.000 vào năm 2021. Năm 2020 sẽ là năm phát triển mạnh mẽ của 12 loại hình dịch vụ IT nổi bật, gồm thương mại điện tử (E-Commerce), công nghệ tài chính (Fintech), gọi xe/thức ăn, xuất bản phần mềm, truyền thông trực tuyến và nội dung số, du lịch trực tuyến, vận chuyển hàng hóa, dịch vụ gia công/thuê ngoài (BPO), High-tech (AI/ML, IoT, Blockchain…), phần mềm dạng dịch vụ (SAAS), công nghệ giáo dục (Edtech), dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tuyến (Healthcare).
 
Xuân Hưng (Vnmedia)

Giới thiệu doanh nghiệp

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ