Ngày 22/3, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị Triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2024.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Xuất bản điện tử là điểm sáng ngành sách
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành trình bày 5 thành tựu lớn trong ngành xuất bản cũng như thách thức đặt ra trong thời gian tới.
Thứ nhất, kinh tế xuất bản tăng. Năm 2023, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 37.487 xuất bản phẩm (giảm 1,4%) với 536.179.131 bản (giảm 10,5%). Tổng doanh thu toàn ngành đạt 4.105,350 tỷ đồng (tăng 5%); Nộp ngân sách 383,484 tỷ đồng (tăng 8,5%); Lợi nhuận (sau thuế) đạt 455,510 tỷ đồng (tăng 8,4%).
Những con số này cho thấy các NXB đã chủ động trong việc giữ vững ổn định sản xuất kinh doanh và nghiên cứu, triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất bản nói chung, xuất bản điện tử nói riêng.
Thứ hai, các đầu sách có lượng phát hành lớn tăng lên. Một số đầu sách thu hút được nhiều bạn đọc, được tái bản nhiều lần dưới dạng in truyền thống hoặc phát hành điện tử với số lượng lớn, như: Hạt giống tâm hồn, Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi và vui sống, Hành trình về phương Đông, Nhà Giả Kim, Hiểu và trái tim - nghệ thuật sống hạnh phúc, Cây cam ngọt của tôi, Nghĩ giàu và làm giàu, Lược sử loài người... Một số đầu sách nói có lượt nghe lên đến trên 1 triệu. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng sách lậu, sách vô bổ. Sách vô bổ được làm ngày càng tinh vi hơn.
Thứ ba, loại sách ngắn (sách tinh gọn, tóm tắt) tiếp tục được nhiều NXB quan tâm thực hiện, tiêu biểu là: Bộ sách Thường thức chính trị của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, bộ sách 1001 cách làm ăn của NXB Nông Nghiệp, bộ sách Vang vọng lời nước non của NXB Thông tin và Truyền thông… Điều này tạo ra làn gió mới trong công tác xuất bản sách.
Thứ tư, việc ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong ngành được đẩy mạnh. Đến ngày 31/12/2023, đã có 24 NXB được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản xuất bản phẩm điện tử (tăng 26,3%), góp phần đưa tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử/tổng số xuất bản phẩm đạt 15,3% và vượt chỉ tiêu đề ra 12%.
Tuy nhiên, đầu tư về cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng xu hướng xuất bản điện tử trong các nhà xuất bản nhìn chung còn hạn chế. Mặc dù đã có 4 nền tảng xuất bản điện tử dùng chung và đang triển khai nền tảng thứ 5 nhưng việc ứng dụng công nghệ tích hợp, đưa AI vào hỗ trợ quy trình xuất bản triển khai chậm, kết quả chưa rõ nét. Mặt khác, mảng sách điện tử mới chỉ phát triển mạnh ở thị trường sách nói và một số NXB khối đại học xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử chưa thực sự có bước tiến mạnh về doanh thu.
Thứ năm, truyền thông xuất bản năm 2023 được đẩy mạnh. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo các cơ quan báo chí có lượng độc giả lớn tuyên truyền giới thiệu sách.
"Với việc triển khai chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, có thể nói báo chí đã vào cuộc rất tích cực, tạo ra được sự quan tâm của xã hội và rõ ràng văn hóa đọc có sự chuyển biến. Tuy nhiên, một số đơn vị xuất bản chưa coi trọng truyền thông sách, chưa ý niệm được việc truyền thông là một phần của xuất bản", ông Nguyễn Nguyên nhận xét.
Tại Hội nghị, ông Phan Xuân Thủy - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, toàn ngành xuất bản không ngừng nỗ lực, cố gắng, tiếp tục phát huy truyền thống, có những bước phát triển, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, duy trì ổn định hiệu quả sản xuất kinh doanh đối với xuất bản phẩm; công tác chỉ đạo, quản lý xuất bản đạt được những kết quả nổi bật trong năm 2023 và nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác xuất bản vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Đó là tình trạng yếu kém ở một số NXB dẫn đến vẫn còn những xuất bản phẩm có chất lượng thấp, nội dung vi phạm về tư tưởng chính trị đến mức cơ quan quản lý phải ban hành văn bản nhắc nhở, xử lý; còn bất cập trong mô hình hoạt động của đơn vị xuất bản; tình trạng buông lỏng quy trình xuất bản sách liên kết; nguy cơ tụt hậu về công nghệ ở một số nhà xuất bản...
"Những hạn chế, thách thức đều đã được nhận diện, đã được phản ánh nhiều lần, chỉ ra từ lâu nhưng việc giải quyết, khắc phục vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong đợi", ông Thuỷ khẳng định.
Ngành xuất bản cần đổi mới, tư duy lại về cách làm sách
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, những khó khăn của ngành xuất bản chỉ nói lên một điều: "Ngành xuất bản cần đổi mới, cần tư duy lại về cách làm sách".
Theo Bộ trưởng, ngành xuất bản đang thai nghén tái sinh để có hình hài tốt hơn, đây là giai đoạn "đầy đau đớn nhưng cần phải thích nghi với môi trường thay đổi".
Bộ trưởng dẫn câu nói của nhà tự nhiên học Charles Darwin: "Kẻ tồn tại không phải kẻ mạnh nhất. Kẻ tồn tại cũng không phải thông minh nhất. Giống loài tồn tại là thích nghi". Lẽ đó, Bộ trưởng khẳng định, ngành xuất bản cần thích nghi với cuộc cách mạng công nghệ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, khi có một cuộc cách mạng công nghệ mới sẽ tạo ra những doanh nghiệp mới, sử dụng công nghệ mới tạo ra những sản phẩm thay thế. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra chuyển đổi số, tạo ra không gian mạng. Trong ngành xuất bản tự nhiên xuất hiện loạt doanh nghiệp mới, chủ yếu là doanh nghiệp công nghệ số, chưa từng làm xuất bản nhưng lại có sản phẩm thay thế xuất bản và chủ yếu trên không gian mạng.
"Vậy chúng ta sẽ ứng phó như thế nào? Bị lấy mất thì giành lại là lẽ tự nhiên. Nhưng giành lại phải có công nghệ. Mà công nghệ ngành xuất bản lại không thể bằng các công ty công nghệ khác", Bộ trưởng băn khoăn.
Vì thế, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng ngành xuất bản cần phải hoạt động đồng thời ở cả hai không gian: cũ và mới.
"Không gian cũ với sự trợ giúp của công nghệ mới sẽ nâng cao chất lượng và năng suất lao động. Không gian mới sẽ giúp cho xuất bản mở rộng thị trường và phát triển trong dài hạn. Xuất bản liên quan tới 3 lĩnh vực: Văn hoá - Chính trị - Kinh tế. Thấm nhuần ba điều này, xuất bản sẽ thành công", người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định.
Bộ trưởng cho rằng, đổi mới sáng tạo là câu chuyện chính của ngành xuất bản, phải nghĩ rộng ra, mạnh dạn thử sai để tìm ra hướng phù hợp cho từng NXB. Khi đó "mỗi NXB cần có bản sắc riêng".
"Xuất bản phải tìm đến những cách đọc khác nhau để tạo ra sản phẩm phù hợp. Độc giả ở đâu chúng ta phải tới đó, độc giả ở trên các nền tảng chúng ta phải tới các nền tảng số đó", Bộ trưởng hiến kế cho ngành xuất bản.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đổi mới sáng tạo trong xuất bản sẽ tạo ra tương lai của ngành xuất bản.
"Mỗi NXB phải có thương hiệu riêng để không lẫn vào nhau. Tìm ra điểm khác biệt của mình thì các NXB sẽ tìm ra mô hình kinh doanh riêng", Bộ trưởng nêu.
Tuy nhiên, kinh doanh cần giới thiệu và quảng bá, những nhà xuất bản còn khó khăn thì không đủ tiềm lực để làm điều này. Vì thế, Bộ trưởng khẳng định sẽ nhờ các nhà mạng viễn thông Việt Nam giúp ngành xuất bản bằng cách mỗi tuần một tin nhắn miễn phí tới người dân về sách.
"Hành động này có thể nhỏ nhưng với sách lại quá lớn. Vì nhắn 4 tin/tháng tới 100 triệu người Việt, chi phí không dưới 60 tỷ đồng. Các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam có thể hỗ trợ phần này", Bộ trưởng khẳng định.
Về khó khăn trong việc chọn bản thảo, Bộ trưởng nêu vấn đề tồn tại hiện nay là nhiều nhà xuất bản chọn cách làm là mua bản quyền sách best seller ở nước ngoài về Việt Nam, in và phát hành. Tuy nhiên, best seller ở nước ngoài chưa chắc đã bán được ở thị trường Việt Nam. Chính vì thế, các đơn vị xuất bản cần nghiên cứu thị trường, đọc nhiều bản thảo để phù hợp với thị trường Việt Nam và đôi khi, cái phù hợp thì tiền bản quyền lại rất rẻ.
"Cứ chọn best seller rồi về in ấn phát hành có nghĩa là chúng ta đang không làm thị trường, đang chọn việc dễ. Việc khó hơn là nghiên cứu, tìm hiểu, đánh giá nhu cầu của độc giả. Chúng ta phải chọn việc khó mới thành công", Bộ trưởng khẳng định.