Sự kiện nằm trong khuôn khổ Go Japan - chương trình hợp tác của FPT Software với các trường đại học (ĐH) hàng đầu như ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Phenikaa, ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, Đại học FPT,... nhằm mang đến cho sinh viên cơ hội tiếp cận với môi trường giáo dục và làm việc tiên tiến tại Nhật Bản.
Với mức học bổng lên đến 100%, hỗ trợ chi phí sinh hoạt và đi lại, sinh viên được tham gia chương trình đào tạo kéo dài 1,5 tháng tại Nhật Bản, bao gồm nâng cao trình độ Tiếng Nhật và thực tập dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia CNTT hàng đầu châu Á tại FPT Japan (chi nhánh FPT Software tại Nhật Bản).
Học bổng được thiết kế dành cho sinh viên các ngành công nghệ thông tin, khoa học máy tính, kỹ thuật phần mềm, điện tử viễn thông, tự động hóa và cơ điện tử, dự kiến tốt nghiệp vào năm 2024 hoặc 2025. Ứng viên nhận được học bổng là những cá nhân tài năng đáp ứng được các tiêu chí xét chọn dựa trên thành tích học tập tại trường, năng lực tiếng Nhật, đạt kết quả cao trong các cuộc thi học thuật và nghiên cứu khoa học, đồng thời phải trải qua 4 vòng xét tuyển gồm: Hồ sơ, năng lực tiếng Nhật, đánh giá kỹ năng chuyên môn và phỏng vấn trực tiếp với chuyên gia từ FPT Software.
Nói về tiềm năng của thị trường lao động tại Nhật Bản, ông Đỗ Văn Khắc - Phó Tổng Giám đốc FPT Software kiêm Tổng Giám đốc FPT Japan cho biết, Nhật Bản là thị trường trọng điểm của FPT Software. Trong tương lai, FPT Japan mong muốn lọt vào Top 10 các công ty IT tại Nhật Bản và đặt mục tiêu đạt 1 tỷ USD vào năm 2027. Để làm được điều này, chúng tôi cần một lực lượng lớn những tài năng công nghệ thông tin (IT) trẻ tại thị trường này, dự kiến tuyển mới 1.200 người riêng trong năm 2024.
FPT Japan cam kết đồng hành cùng các trường ĐH để tăng cường nhân sự IT thành thạo tiếng Nhật trong thời gian tới, bởi đây là tiêu chí tối quan trọng, đặt nền móng cho những ai muốn chinh phục sự nghiệp tại thị trường Nhật Bản.
Phát biểu tại sự kiện, PGS. TS. Huỳnh Đăng Chính - Phó Giám đốc ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, hiện tại chương trình đào tạo cho sinh viên tại ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng như nhiều trường ĐH khác đang thay đổi rất nhiều nhằm cải thiện chất lượng đầu ra cho sinh viên, cung cấp nguồn nhân lực then chốt cho sự phát triển của ngành CNTT không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới.
"Đặc biệt với sự hỗ trợ của FPT Software, tôi tin rằng sinh viên đã có nền tảng để phát triển đúng hướng, được trang bị những kỹ năng thực tiễn đáp ứng đúng nhu cầu tuyển dụng của thị trường hiện nay", ông Chính nói.
Là một trong các sinh viên xuất sắc nhất đạt được học bổng loại A, Nguyễn Bá Trung Hiếu - sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội chia sẻ: “Học bổng Go Japan của FPT Software như một cánh cửa mở ra cơ hội cho tôi trải nghiệm nền văn hóa mới, học hỏi những kiến thức mới và tiến gần hơn tới mục tiêu sự nghiệp của bản thân. Thành tích này trở thành nguồn động viên to lớn để tôi không ngừng cố gắng trong con đường học tập và phát triển, hướng tới trở thành một lập trình viên quốc tế".
Tại buổi Lễ trao học bổng, FPT Software cũng đã tổ chức trao biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược giữa FPT Japan Academy (trực thuộc FPT Software) và các trường ĐH đối tác, bao gồm ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Phenikaa. Bước tiến quan trọng này mở ra những cơ hội to lớn hơn trong đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường Nhật Bản, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của ngành CNTT Việt Nam.
Nhu cầu ủy thác phát triển phần mềm của Nhật Bản ước tính hơn 30 tỷ USD/ năm, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đạt 6 - 7% thị phần (số liệu IPA). Đứng trước những cơ hội lớn tại trường Nhật Bản, công ty có kế hoạch đầu tư mạnh mẽ những công nghệ mới nhất và xây dựng nguồn nhân lực có chuyên môn cao, am hiểu ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản. Trong đó, Go Japan là một trong các chương trình được tích cực triển khai từ tháng 3/2024.
Chương trình học bổng “Go Japan” là lời cam kết của FPT Software trong hành trình đào tạo và nuôi dưỡng các tài năng trẻ trong lĩnh vực công nghệ, không chỉ góp phần giúp Nhật Bản giải bài toán khát nhân sự CNTT mà còn mang đến nhiều cơ hội học tập, làm việc và sinh sống chất lượng cho nhiều kỹ sư CNTT Việt Nam./.