Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Chủ nhật, ngày 19/05/2024

Nhiều doanh nghiệp viễn thông xử lý dây cáp cháy, hỏng kiểu đối phó

14/07/2014 12:49 CH

"Rừng" dây cáp gây mất an toanfnhuw thế này còn xuất hiện rất phổ biến tại Hà Nội. (Ảnh: Internet)


Như thông tin ICTnews đã phản ánh, từ ngày 20/6 - 8/7 vừa qua, thành phố Hà Nội đã tiến hành cải tạo, sắp xếp lại các đường dây, cáp đi nổi tại hơn 10 tuyến phố trên địa bàn nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị.
 
Tuy nhiên, trong quá trình diễn ra hoạt động nói trên, một số doanh nghiệp viễn thông, Internet đã phản ứng về việc bị cắt cả cáp đã được đưa vào khuyên, xà, treo biển theo đúng yêu cầu, gây gián đoạn dịch vụ của hàng nghìn khách hàng (như tại phố Đào Duy Anh, Cát Linh).
 
Liên quan đến vấn đề này, tại buổi làm việc do Sở TT&TT Hà Nội tổ chức ngày 11/7, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Chiếu sáng và Thiết bị đô thị Hà Nội đã chia sẻ với những bức xúc của các doanh nghiệp, tuy nhiên ông Tuấn cho rằng "cần làm sáng tỏ một số vấn đề liên quan".
 
Ông Tuấn giải thích, theo đúng cam kết với các doanh nghiệp viễn thông, Internet, truyền hình cáp…, công ty sẽ treo dây văng, khuyên và các doanh nghiệp sẽ rà soát, lựa chọn cáp còn dùng được để treo vào. Sau đó, đơn vị chức năng sẽ tiến hành cắt loại bỏ những dây nằm ngoài khuyên. Tuy nhiên, khi thực hiện, ngoài một số đơn vị chấp hành tốt thì có không ít doanh nghiệp làm theo kiểu đối phó.
 
“Lấy ví dụ cụ thể tại tuyến phố Nguyễn Công Trứ, nếu như vào ngày chúng tôi đi khảo sát chỉ thấy có vài sợi cáp được treo vào khuyên, thì ngay hôm sau số lượng cáp được treo vào đó đã lớn hơn rất nhiều, lẫn lộn cả cáp còn dùng được cũng như cáp đã hỏng, cháy”, ông Tuấn nói, đồng thời cho hay trước thực tế đó liên ngành thanh tra và đơn vị triển khai đã thống nhất buộc phải tháo ra để loại thải cáp hỏng.
 
Tại nhiều tuyến phố khác như Cát Linh, Đào Duy Anh, sau khi cắt loại đã giảm được tới khoảng 2/3 cáp không có tác dụng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn trao đổi thêm, quan điểm của cơ quan chức năng là không muốn cắt rời cáp của doanh nghiệp gây ảnh hưởng cung cấp dịch vụ, mà chỉ hạ xuống chân cột để doanh nghiệp lựa chọn lại. Tuy nhiên, do nhiều tuyến phải qua đường, vướng cây nên vẫn phải cắt ngoài mong muốn.
 
Đồng quan điểm, ông Trần Trọng Hiếu, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật và công trình ngầm, Sở Xây dựng Hà Nội cũng lên tiếng cho biết nhiều doanh nghiệp viễn thông chưa chủ động trong vấn đề hợp tác cùng cơ quan chức năng loại thải cáp không còn tác dụng.
 
Lượng dây cáp cháy hỏng có tuyến chiếm tới 70-80%. Tại tuyến đường như Cát Linh, cơ quan chức năng phải dùng đến 30 chuyến xe tải nhỏ chở cáp đi xử lý theo dạng chất thải công nghiệp.
 
Theo ông Hiếu, Sở Xây dựng và đơn vị liên quan đã họp tới 2 lần với các doanh nghiệp, có những thông báo triển khai rất cụ thể. Trong khi những đơn vị như Lữ đoàn 25, công an Hà Nội… thực hiện nghiêm túc thì một số doanh nghiệp không phối hợp chặt chẽ. Khi bắt đầu triển khai thì mới có mặt, có doanh nghiệp phải gọi điện mới chịu đến.
 
“Các doanh nghiệp viễn thông cần thấy được trách nhiệm của mình, phải hiểu rõ ngoài việc treo cáp thừa với số lượng lớn sẽ gây mất mỹ quan, nguy hiểm tính mạng người dân tham gia giao thông. Các doanh nghiệp cũng phải có ý thức đảm bảo an sinh xã hội chứ không chỉ riêng mục đích kinh doanh”, ông Hiếu thẳng thắn.
 
Dù vậy tại buổi làm việc, các cơ quan chức năng cũng thống nhất sau đợt cải tạo, sắp xếp các đường dây, cáp thông tin tại hơn 10 tuyến phố vừa qua, thành phố sẽ rút kinh nghiệm khi triển khai giai đoạn tiếp theo, cơ quan chức năng sẽ lên kế hoạch dài hơi hơn để các doanh nghiệp viễn thông, Internet, truyền hình cáp có nhiều thời gian chuẩn bị.