Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ bảy, ngày 18/05/2024

Nghe lén và những hậu quả pháp lý: Công khai bán thiết bị, phần mềm nghe lén

01/07/2014 15:17 CH

Kiểm soát lẫn nhau dẫn tới hậu quả khó lường.

Không phải tầm cỡ như các cơ quan tình báo, cơ quan cảnh sát quốc gia mới trang bị được cho nhân viên của mình thiết bị nghe lén mà ngay ở Việt Nam tại các chợ, trên các trang mạng cũng ê hề các chủng loại thiết bị và phần mềm giám sát, nghe lén chỉ với vài triệu, thậm chí là vài trăm nghìn đồng. Và điều đáng kinh sợ là bất cứ ai chỉ cần có tiền cũng có thể mua thiết bị và phần mềm nghe lén.

Từ nhu cầu kiểm soát người thân

Trong cuộc sống hối hả hiện nay, nhiều người lo sợ chồng hoặc vợ có thể bị "say nắng” và phát sinh những tình cảm ngoài luồng nên luôn nghĩ mọi cách làm sao để kiểm soát. Chính từ nhu cầu bức thiết đó mà các "nhà sản xuất” đã cho ra đời nhiều thiết bị theo dõi, nghe lén hết sức tinh vi.

Chỉ riêng chuyện gắn thiết bị định vị và thiết bị nghe lén người thân cũng đã không ít chuyện dở khóc, dở cười. Anh Hòa, bảo vệ một công ty tư nhân kể: Một ngày giữa tháng 4-2014, anh về nhà với gương mặt buồn bã thông báo với vợ chiếc xe SH mới cứng đã bị kẻ giam cuỗm mất. Chị Ngân (vợ anh) vội vàng vào phòng rồi sau đó đi thẳng ra đồn công an. Chỉ vài tiếng sau, anh Hòa hết sức mừng rỡ khi nhận được thông báo của công an là chiếc xe máy SH của anh đã được tìm thấy. Hóa ra chiếc xe máy của anh đã bị vợ gắn "chíp” định vị để theo dõi.

Hay như trường hợp anh Long, nhân viên maketing của một công ty TNHH, do đặc thù nghề nghiệp phải thường xuyên đi công tác trong khi cô vợ trẻ ở nhà một mình. Anh Long quyết tâm mua thiết bị nghe lén để theo dõi vợ. Một buổi trưa, điện thoại của anh đổ chuông (số gọi đến chính là sim anh lắp ở thiết bị nghe lén), anh hồi hộp mở ra nghe thì thấy một giọng đàn ông đang ân cần hỏi thăm vợ mình. Không nén được tức giận, anh đập tan cái điện thoại, bỏ chuyến công tác quay về nhà để "dạy vợ”. Té ra, hôm đó vợ anh ốm ở nhà nên mọi người ở cơ quan đến thăm. Đương nhiên khi sếp đang nói thì làm gì có ai dám chen lời, vậy nên anh chỉ nghe thấy giọng ông ta và vợ mình.
Khuyến cáo cách tránh bị nghe lén điện thoại

Đại tá Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng PC50 Công an TP Hà Nội, đơn vị vừa phát hiện vụ hơn 14.000 thuê bao di động bị cài đặt phần mềm nghe lén Ptracker khuyến cáo: Người dân không nên vào các trang web lạ, trò chơi, các trang mạng với lời quảng cáo hấp dẫn, hot, bởi các đối tượng xấu luôn tìm cách cài đặt mã độc nghe lén hoặc chụp lén thông qua các loại trò chơi hay hoặc nội dung quảng cáo hấp dẫn đó, nhằm đánh cắp thông tin cá nhân. Để phòng ngừa bị cài đặt các thiết bị nghe lén, Đại tá Lê Hồng Sơn khuyến cáo người dân không nên vào các trang web lạ, trò chơi, các trang mạng với lời quảng cáo hấp dẫn, hot.
Các đối tượng xấu luôn tìm cách cài đặt mã độc nghe lén hoặc chụp lén thông qua các loại trò chơi hay hoặc nội dung quảng cáo hấp dẫn đó, nhằm đánh cắp thông tin cá nhân. Nếu mua điện thoại di động, thì tốt nhất nên mua ở các hãng có uy tín trên thị trường hoặc cần thiết nhờ người có hiểu biết công nghệ thông tin kiểm soát các phần truy cập vào máy. Ông Sơn chia sẻ, người dùng điện thoại trước hết phải tự bảo vệ mình, bằng cách không cho người lạ tùy tiện mượn mà không kiểm soát được việc cài đặt các phần mềm vào máy. Cách nhận biết điện thoại bị dính phần mềm cài đặt nghe lén, dễ thấy nhất là sụt pin nhanh, cước phí tăng đột biến và một số biểu hiện khác.
Đến "nở rộ” thiết bị theo dõi, nghe lén

Lượn qua "chợ trời” (phố Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), tôi được những người bán hàng chào mời đon đả và khẳng định muốn mua bất cứ thứ gì cũng có. Giả như một người chồng đang đau khổ oằn oại vì vợ có dấu hiệu ngoại tình, tôi hỏi có bán thiết thiết bị định vị để lắp vào điện thoại hoặc xe của vợ không? Bà bán hàng có khuôn mặt "phúc hậu” cười ngất: "Ôi dào, tưởng gì, đương nhiên là có. Thế chú chỉ muốn định vị hay còn muốn biết cô ấy đang làm gì, nói chuyện với ai nữa?”. Thấy tôi tỏ ra ngớ ngẩn, bà bán hàng lại cười khùng khục: "Nếu muốn biết cô ấy đang nói chuyện với ai thì mua thiết bị nghe trộm có gắn sim, nó sẽ tự kích hoạt gọi đến số điện thoại của chú để "thông báo” việc gì đang diễn xung quanh cố ấy...”. Tôi chỉ còn biết há mồm, trợn mắt.

Không chỉ ở "chợ trời” Hà Nội, mà ở các chợ khác trên toàn quốc, nhất là các chợ gần cửa khẩu như Tân Thanh, Đông Kinh (Lạng Sơn)... cũng bán nhan nhản thiết bị theo dõi giám sát và nghe lén. Chỉ cần lên mạng seach google cụm từ "thiết bị nghe trộm” thì có hàng triệu kết quả quảng cáo bán thiết bị theo dõi, nghe lén với đủ các chủng loại đa dạng về mẫu mã và giá tiền. Thông thường các thiết bị theo dõi, định vị và nghe lén có giá giao động khoảng từ 1,5-7 triệu đồng.

Điều đáng nói là một vài năm trở lại đây, trước nhu cầu ngày càng nhiều của người tiêu dùng, không dừng lại ở thiết bị định vị, nghe lén nữa, mà các công ty phần mềm đã phát triển các loại phần mềm cài đặt vào điện thoại di động để nghe lén, ăn cắp các dữ liệu trên điện thoại của khổ chủ. Giá của các loại phần phần mềm nghe lén giao động từ vài trăm nghìn đến hàng vài chục triệu đồng tùy theo phần mềm nghe lén cho loại máy nào, đến thuê hay mua trọn gói... (nếu mua bản quyền phần mềm có thể lên tới 60 triệu đồng/ phần mềm).
Như vậy là dù Hiến pháp đã hiến định việc mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thư tín (Điều 21 Hiến pháp 2013), Bộ luật Hình sự cũng đã quy định tội xâm phạm thư tín của người khác ở Điều 125, song các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương lại không có cơ chế kiểm soát việc mua bán và sử dụng các thiết bị và phần mềm theo dõi, nghe lén. Từ đó dẫn đến việc chỉ cần thích thì ai cũng có thể mua thiết bị và phần mềm theo dõi, nghe lén người khác. Và theo đó là hệ quả: Đời tư cá nhân, tổ chức đã bị xâm hại nghiêm trọng.