Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ hai, ngày 29/04/2024

Bảo đảm an ninh mạng

10/07/2014 16:24 CH

Ảnh minh họa.

Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 7-7 vừa qua đã khẳng định, công tác bảo đảm an ninh thông tin đang đặt ra nhiều thách thức. Theo thống kê trong 6 tháng qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phải điều phối 250 sự cố trang tin lừa đảo, 315 cuộc tấn công thay đổi giao diện, 147 sự cố về phát tán mã độc; cảnh báo xử lý 2.117 lượt địa chỉ IP của cơ quan Nhà nước bị nhiễm mã độc và ngăn chặn 49 trang tin có nội dung vi phạm pháp luật, chống phá Đảng và Nhà nước. Nhận định của một số chuyên gia lĩnh vực an ninh mạng cho thấy, hoạt động tội phạm liên quan đến an ninh mạng thời gian gần đây diễn biến phức tạp, nhất là khi các đối tượng phạm tội sử dụng thiết bị công nghệ cao đột nhập vào hệ thống máy tính để đánh cắp thông tin, dữ liệu.

Nguy hiểm hơn, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia còn đầu tư đặt tổng đài máy chủ tại nước ngoài để hoạt động hết sức tinh vi, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, đấu tranh triệt phá. Một số tổ chức, cá nhân có tư tưởng thù địch, phản động cũng lợi dụng mạng thông tin để tuyên truyền chống phá, reo rắc tư tưởng phản động, truyền bá văn hóa phẩm độc hại. Vụ việc Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng (có trụ sở tại Hà Nội) cài phần mềm nghe lén hơn 14 nghìn thuê bao điện thoại di động vừa bị cơ quan chức năng phát hiện thêm một lời cảnh báo tình hình mất an toàn, an ninh thông tin. Đáng chú ý là nhiều vụ án liên quan đến lĩnh vực an ninh mạng có sự tham gia của các đối tượng người nước ngoài.
 
Những năm qua, nước ta đã tích cực tham gia Diễn đàn An ninh mạng khu vực ASEAN. Điều này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đến vấn đề phối hợp mang tầm khu vực và quốc tế trong phòng, chống tội phạm và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng một cách hiệu quả, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải nỗ lực, tiên phong trong việc tham mưu cho Chính phủ và trực tiếp nghiên cứu, tổ chức quản lý, kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những "lỗ hổng". Trong đó, với chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, ngành Thông tin và Truyền thông cần đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; có biện pháp hỗ trợ các bộ, ngành Trung ương và địa phương ngăn chặn, xử lý kịp thời những nguy cơ tấn công từ bên ngoài qua mạng Internet, bảo đảm an ninh quốc gia; tăng cường theo dõi, thu thập thông tin và cảnh báo sớm về an toàn thông tin trên mạng internet, mạng viễn thông; đào tạo, tập huấn cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin các cơ sở, địa phương về giải pháp tăng cường khả năng an toàn, an ninh thông tin trong quản lý hệ thống mạng và nâng cao khả năng bảo mật.
 
Về lâu dài, vấn đề bảo đảm an ninh mạng cần có sự vào cuộc quyết liệt từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp cho đến từng tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Trước hết cần rà soát hệ thống văn bản pháp luật để ban hành, bổ sung những chế tài, quy định, hướng dẫn nhằm tạo hành lang pháp lý cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực an ninh mạng và bảo mật thông tin.