Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ hai, ngày 29/04/2024

Chính thức chuyển quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước MobiFone, PTIT

10/07/2014 15:14 CH

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng tiếp nhận bàn giao Công ty thông tin di động, học viện CNBCVT từ Chủ tịc HĐTV VNPT Phạm Long Trận. (Ảnh: Ngọc Ninh)

Đến dự có Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, các Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, Nguyễn Minh Hồng và các đại biểu Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, lãnh đạo Tổng cục Bưu điện, Bộ BCVT, Bộ TT&TT qua các thời kỳ.

Theo biên bản bàn giao, Hội đồng thành viên Tập đoàn thành viên VNPT bàn giao và Bộ TT&TT tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước VMS, Học viện công nghệ BCVT từ 1/7/2014.
 
Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT bàn giao nguyên trạng cơ cấu tổ chức, lao động, tài chính, tài sản theo số liệu kế toán được Tập đoàn phê duyệt hết ngày 30/6/2014. VMS và Học viện công nghệ BCVT kế thừa các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ các hợp đồng kinh tế và hoạt động kinh doanh của hai đơn vị  theo quyết định của pháp luật. Công ty VMS kế thừa bao gồm cả vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khác.
 
Cũng theo biên bản, Bộ TT&TT đồng ý với đề xuất của Tập đoàn VNPT và trình cấp có thẩm quyền về việc Tập đoàn sở hữu 20% cổ phần của công ty VMS khi chuyển giao về Bộ và thực hiện cổ phần hóa.
 
Ông Phạm Long Trận, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tập đoàn VNPT phát biểu cho biết trải qua một thời gian dài từ khi thành lập, lớn lên, phát triển cùng ngành Bưu điện, Tổng công ty BCVT Việt Nam, nay là Tập đoàn VNPT, tập thể lãnh đạo người lao động VMS, Học viện công nghệ BCVT đã đoàn kết vượt lên mọi khó khăn, bám sát mọi sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo ngành Bưu điện, Tập đoàn VNPT qua các thời kỳ, các cơ quan hữu quan khai thác các nguồn lực nội tại từ đơn vị để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Đến hôm nay dù còn nhiều việc phải tiếp tục thực hiện song tập thể lãnh đạo Tập đoàn, của hai đơn vị cùng toàn thể người lao động có thể tự hào với các kết quả đã đạt được. Từ những ngày đầu khởi nghiệp với điều kiện hết sức khó khăn về cơ sở vật chất, mạng lưới nghèo nàn, thiếu thốn về đội ngũ lao động, cán bộ, giảng viên. Song bằng cơ chế và chính sách linh hoạt, tương thân tương ái trong Ngành, trong Tập đoàn, đến nay hai đơn vị đã trưởng thành và phát triển mạnh mẽ hoàn thành nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh hàng năm được cấp trên giao, và đều là các đơn vị đóng góp lớn về tỷ trọng doanh thu, lợi nhuận, về đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển khoa học kỹ thuật công nghệ cao của Tập đoàn, đã tạo được niềm tin và chuẩn bị toàn diện các điều kiện để tách ra hoạt động độc lập dưới mái nhà chung của Bộ TT&TT.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu cho biết ngày hôm nay là một mốc lịch sử quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đáng tự hào của Tập đoàn VNPT, Công ty Thông tin di động VMS và Học viện Công nghệ BCVT.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết Bộ TT&TT đánh giá cao sự đóng góp của ba đơn vị cho đất nước, cho ngành TT&TT trong cả chặng đường phát triển vừa qua, đặc biệt là đóng góp của cả ba đơn vị trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, quy hoạch thị trường Viễn thông, một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong nhiệm kỳ 2011 - 2016.
 
“Tập đoàn VNPT đã đóng góp vai trò quan trọng trong suốt quá trình xây dựng và phát triển VMS và Học viện Công nghệ BCVT, tạo điều kiện cho hai đơn vị trưởng thành, lớn mạnh và có sự phát triển vượt bậc. Thành tựu phát triển của hai đơn vị đã được Đảng, Nhà nước đánh giá cao với việc phong tặng danh hiệu Anh hùng cao quý trong thời kỳ đổi mới và hôm nay thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với việc bàn giao hai đơn vị về Bộ, Tập đoàn VNPT đã cống hiến cho xã hội một mạng viễn thông di động độc lập với một thương hiệu lớn MobiFone và một cơ sở đào tạo lớn, Học viện Công nghệ BCVT có uy tín cao trong đào tạo nguồn nhân lực trong ngành CNTT”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định.
 
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng đã thông báo tình hình hoạt động và kết quả của hai đơn vị VMS và Học viện công nghệ BCVT:
 
Công ty Thông tin di động VMS với số lượng lao động 5.192 người nhưng có hệ thống kênh phân phối trực tiếp 122 showroom và có hệ thống các cửa hàng chính thức tại 163 cửa hàng tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt có quy mô vốn điều lệ trong thời điểm hiện tại 12.600 tỷ đồng và các chỉ tiêu kế hoạch năm 2014 với doanh thu trên 36.000 tỷ đồng và lợi nhuận là 7.300 tỷ đồng. Đây là những con số đáng ấn tượng với quy mô của một công ty. Có thể nói VMS là một đơn vị kinh doanh luôn đạt hiệu quả nhất trong Tập đoàn VNPT. Tách ra khỏi VNPT, VMS có sứ mệnh để trở thành 1 trong 4 tập đoàn, tổng công ty viễn thông mạnh theo tinh thần quyết định số 32 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển viễn thông Việt Nam đến năm 2020, tạo ra cơ sở cho sự phát triển thị trường viễn thông cạnh tranh và bền vững.
 
Học viện Công nghệ BCVT đã phát triển từ một đơn vị nhiều năm được VNPT cấp bù với số lượng 817 cán bộ và giảng viên, người lao động có trên 85% là trình độ đại học và trên đại học, trong đó có 16 giáo sư và phó giáo sư, 73 tiến sĩ, 288 thạc sĩ. Từ năm 2013, đã trở thành đơn vị có lợi nhuận và kế hoạch nguồn thu năm 2014 là 263 tỷ đồng. Có thể nói, Học viện không những là một trong những cơ sở đào tạo có uy tín trong hệ thống các trường đại học của Việt Nam mà còn là cơ sở đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực viễn thông, CNTT chất lượng cao cho VNPT nói riêng, cho ngành TT&TT, cho đất nước và xã hội nói chung.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu trở thành một đơn vị thuộc Bộ, vị thế của Học viện được nâng cao và Học viện có thêm nhiều thuận lợi để xây dựng trở thành một trong những trường đào tạo trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực ICT và góp phần cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội thông tin, nền kinh tế tri thức như Nghị quyết 36 ngày 1/7/2014 vừa qua của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế đã xác định.