Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ hai, ngày 06/05/2024

DN Việt chỉ chiếm gần 10% kim ngạch xuất khẩu công nghiệp điện tử

07/07/2014 14:21 CH

SamSung VN hiện có 60 nhà cung cấp linh kiện thì trong đó chỉ có 5 doanh nghiệp VN, còn lại tới 45 của Hàn Quốc, 10 doanh nghiệp từ quốc gia khác. (Ảnh: Nguyên Đức).

Doanh nghiệp FDI ngày càng lấn lướt
 
Tại hội thảo “Thúc đẩy cung cấp nội địa trong công nghiệp điện tử tại Việt Nam” do Bộ Công thương cùng Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) tổ chức ngày 3/7, đại diện VEIA nhấn mạnh: Những năm gần đây, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đang có những bước đột phá mạnh trong cơ cấu ngành công nghiệp cả nước. Thống kê về kim ngạch xuất khẩu trong những năm gần đây cho thấy, nếu như năm 2010 chỉ đạt 3,4 tỷ USD, 2011 là 6,9 tỷ USD thì sang năm 2012 lên tới 20,5 tỷ USD và năm 2013 là 32,1 tỷ USD.
 
Năm 2013, riêng giá trị xuất khẩu về điện thoại di động, thiết bị phụ cho điện thoại di động đã đạt 21,5 tỷ USD.
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, dù công nghiệp điện tử Việt Nam phát triển rất mạnh nhưng thực chất là do đóng góp của doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài).
 
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu lớn như vậy nhưng công nghiệp điện tử Việt Nam không có giá trị gia tăng lớn, tỷ trọng công nghiệp điện tử đóng góp vào GDP cả nước không tương xứng với tỷ trọng của ngành điện tử trong kim ngạch xuất khẩu.
 
Ông Lưu Hoàng Long, Chủ tịch VEIA đưa ra con số thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội cho thấy, các doanh nghiệp FDI tuy chỉ chiếm khoảng 1/3 trong tổng số doanh nghiệp điện tử Việt Nam nhưng lại sở hữu nhiều công nghệ cao, chiếm trên 80% thị trường trong nước và trên 90% kim ngạch xuất khẩu.
 
Có thể kể đến Samsung (cùng loạt doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ trợ như Orientech Vina, KSD Vina, Morips Vina…), Canon, Nokia, LG…

Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia phân tích: Các doanh nghiệp FDI cùng doanh nghiệp làm sản phẩm phụ trong chuỗi cung ứng của họ đầu tư vào Việt Nam chủ yếu sử dụng lợi thế nhân công giá rẻ và ưu đãi đầu tư của Chính phủ Việt Nam (đặc biệt nhà đầu tư như Samsung có rất nhiều ưu đãi), giá trị gia tăng của Việt Nam nằm chủ yếu tại khâu sử dụng nhân công, năng lượng.
 
Loay hoay tìm giải pháp

Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng muốn tăng giá trị gia tăng và thông qua đó là tăng GDP của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp điện tử thì không thể tăng giá trị nhân công lên nhiều (sẽ gây mất lợi thế cạnh tranh ban đầu), mà phải tăng từ việc cung cấp linh kiện cho chính các nhà sản xuất FDI nêu trên.
 
Ông Lưu Hoàng Long nhấn mạnh, đây là một trong những biện pháp cần thiết và có lợi cho cả nhà sản xuất thiết bị đầu cuối và nhà cung cấp linh kiện tại Việt Nam.
 
Nhưng đến thời điểm hiện nay công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn chưa phát triển được như mong muốn, hầu như chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà sản xuất gốc.
 
Tại hội thảo, một thông tin gây chú ý đó là Samsung Electronics Việt Nam hiện có 60 nhà cung ứng linh kiện thì trong đó có 45 nhà cung cấp của Hàn Quốc, 5 của Việt Nam và 10 là từ quốc gia khác.
 
Trong khi đó, hiện nay một thực tế đáng buồn là rất ít doanh nghiệp Việt Nam cung cấp được linh kiện và dịch vụ cho doanh nghiệp FDI ngay tại Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp trong công nghiệp phụ trợ ngành điện tử là của nước ngoài nằm trong chuỗi cung ứng sẵn có của nhà sản xuất thiết bị.
 
Doanh nghiệp Việt Nam vẫn hạn chế khi tham gia vào công nghiệp hỗ trợ, chủ yếu do chưa có kinh nghiệm cung ứng cho nhà sản xuất lớn, chưa có hệ thống marketing tiếp cận được khách hàng, thiếu về vốn và yếu về công nghệ.

Ông Vũ Dương Ngọc Duy, Tổng Giám đốc Viettronics Tân Bình cho rằng, Chính phủ cần có các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư. Cần chọn lọc được công nghệ hỗ trợ phù hợp với trình độ công nghệ, vừa với sức đầu tư của doanh nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ về đầu ra của sản phẩm với chính sách ưu đãi về thuế, cơ sở hạ tầng.
 
Ngoài ra, phải cân đối được chính sách bảo hộ các linh kiện sản xuất được trong nước và linh kiện nhập, để việc tổ chức lắp ráp sản phẩm cuối trong nước vẫn còn hấp dẫn, có giá thành tốt hơn nhập từ nước ngoài.
 
Còn ông Hoàng Minh Trí, Tổng Giám đốc công ty 4P (doanh nghiệp chuyên lắp ráp và thiết kế vi mạch điện tử, hiện là đối tác của Canon, LG…) thì cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đến một số nhân tố chính để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng đó là cần đổi mới, đầu tư thỏa đáng cho công nghệ thích hợp, đảm bảo dịch vụ tốt, nâng cao chất lượng, xây dựng được giá cạnh tranh, thực hiện giao hàng đúng hẹ…
 
Trong đó, doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực sản xuất, năng lực quản trị (như ISO, 5S, 6 Sixgma…) đáp ứng phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp nước ngoài đưa ra, duy trì mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng và có hành động kịp thời khi khách hàng yêu cầu, xây dựng chương trình hợp tác với khách hàng để liên tục cải tiến thay vì chỉ biết sản xuất và bán sản phẩm..

Cũng theo các chuyên gia tại hội thảo, để làm được việc tăng cường cung cấp nội địa linh kiện cho các nhà sản xuất thiết bị, Việt Nam phải xây dựng được ngành công nghiệp hỗ trợ mạnh, cạnh tranh được về chất lượng và giá cả với các nhà cung cấp đến từ Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia khác.
 
Bởi nếu tạo ra được lợi thế về công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam sẽ còn thu hút được nhiều hơn đầu tư nước ngoài.