Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ sáu, ngày 17/05/2024

Bưu chính Việt Nam hướng tới kỷ niệm 5 năm thành lập

28/06/2012 21:50 CH
Lãnh đạo Tổng Công ty nhận các Quyết định bổ nhiệm cán bộ và ra mắt Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam

62 năm, Viễn thông và Bưu chính hạch toán chung trong khối phụ thuộc, 5 năm Bưu chính tách ra hạch toán độc lập, Bưu chính Việt Nam đã và đang khẳng định mình, từng bước trở thành một Ngành kinh tế, dịch vụ của đất nước. 5 năm là khoảng thời gian chưa dài đối với một ngành kinh tế, song kết quả đạt được là khá tích cực, khẳng định chủ trương đúng đắn và những bước đi thận trọng, phù hợp với thực tiễn. Điểm qua những việc mà Bưu chính Việt Nam đã làm cho chúng ta thấy được phần nào ý nghĩa của những nhận định trên.

Thứ nhất, 5 năm qua, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam tiếp tục tăng cường và giữ vững vai trò chủ lực đối với mạng lưới Bưu chính chuyển phát của đất nước. Mạng vận chuyển, hệ thống điểm phục vụ được duy trì hoạt động ổn định. Bên cạnh việc duy trì ổn định mạng lưới, Bưu chính vừa làm mới hệ thống mạng lưới và các dịch vụ của mình; tính toán xây dựng, củng cố mạng đường thư trong nước và các tuyến đường thư quốc tế. Mật độ điểm phục vụ được cân đối, sắp xếp lại từng bước theo đúng quy hoạch mạng lưới Bưu chính quốc gia, bảo đảm sự hiện diện hợp lý của Bưu chính Việt Nam trên khắp cả nước. Bán kính phục vụ bình quân 2,57km/điểm, và phục vụ đến 5.400 dân/điểm; 92% số xã trong cả nước có báo Đảng đến trong ngày. Tổng Công ty đang đẩy nhanh quá trình đầu tư các Trung tâm khai thác tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, hình thành các trung tâm "hậu cần" Logistic cho các năm tiếp theo.

Thứ hai, Sản xuất kinh doanh Bưu chính từng bước được mở rộng và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Từ chỗ chỉ cung cấp những dịch vụ truyền thống (Bưu phẩm, Bưu kiện, Phát hành báo chí, Chuyển tiền,...) và thiếu chủ động, nay Bưu chính Việt Nam đã có nhiều dịch vụ mới được chia thành nhóm dịch vụ: Tài chính Bưu chính, Bưu chính chuyển phát, Viễn thông CNTT. Công tác phát triển thị trường, chăm sóc khách hàng được chú trọng hơn; thị trường, khách hàng đã trở thành trọng tâm, thành động lực trong chiến lược phát triển của Doanh nghiệp. Các dịch vụ công của Chính phủ đã được Bưu chính Việt Nam tiếp cận và tổ chức thực hiện với hy vọng sẽ là những dịch vụ tiềm năng, mang lại nguồn thu lớn trong tương lai (Chi trả BHXH; Chuyển phát Hộ chiếu, visa, CMTND...).

Tổng Công ty đã bám sát chặt chẽ sự chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan quản lý, thiết lập và thực hiện lộ trình giảm dần chênh lệch thu - chi, cân bằng vào năm 2013 và có lãi vào các năm tiếp theo. Những con số đạt được là khá ấn tượng trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Chênh lệch thu chi không bao gồm trợ cấp công ích giảm nhanh thể hiện hiệu quả kinh doanh được nâng cao. Năm 2008 chênh lệch thu chi không bao gồm trợ cấp công ích là -1.286 tỷ đồng, năm 2009 giảm xuống còn -1.070 tỷ đồng, giảm lỗ 216 tỷ đồng, đạt mức giảm 16,5% so với năm 2008. Năm 2010 giảm xuống còn -941 tỷ đồng, giảm lỗ 129 tỷ đồng, đạt mức giảm 12,4% so với năm 2009. Năm 2011, giảm xuống -597 tỷ đồng, giảm lỗ 344 tỷ đồng, đạt mức giảm 36,5% so với năm 2010.

Thứ ba, Lần đầu tiên việc tách bạch giữa kinh doanh và phục vụ công ích trong lĩnh vực cũng đã được thực hiện. Quyết định 65 của Thủ tướng Chính phủ về cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, các Thông tư hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính đã từng bước tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp. Quyết định đã định hình cơ chế và lộ trình trợ cấp cho Tổng Công ty, với mục tiêu vừa hỗ trợ cho Tổng Công ty trong giai đoạn đầu thành lập vừa thúc đẩy tạo động lực cho Tổng Công ty tự vươn lên, đứng vững và phát triển. Quyết định 65 đã Quy định danh mục dịch vụ bưu chính công ích; Quy định về quy mô, kích cỡ mạng bưu chính công cộng; Quy định cơ chế tài chính của Nhà nước hỗ trợ cho hoạt động cung ứng dịch vụ bưu chính công ích. Quyết định 65 thể hiện ý nghĩa rất tích cực, một mặt giúp phân định rõ được hoạt động công ích và kinh doanh để rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với hoạt động công ích, mặt khác đã tạo điều kiện cho Bưu chính Việt Nam có cơ hội ổn định hoạt động trong giai đoạn đầu sau khi chia tách.

Thứ tư, Tổ chức bộ máy các cấp được sắp xếp lại, gọn nhẹ, năng động và hiệu quả hơn. Hệ thống quy chế, cơ chế, văn bản quản lý nội bộ từng bước được hoàn thiện trên tất cả các lĩnh vực. Công tác chỉ đạo, điều hành có nhiều đổi mới, sát sao với thực tế, mạch lạc và hiệu quả hơn. Việc không duy trì mô hình Bưu Điện thành phố, thị xã, thống nhất tổ chức các phòng thuộc Bưu Điện tỉnh giúp cho doanh nghiệp gắn với thị trường, khách hàng chặt chẽ, linh động hơn. Tính toán, cơ cấu lại Bưu Điện tuyến huyện, từng bước xóa khâu trung gian hành chính cấp huyện trong hoạt động của doanh nghiệp, rút kinh nghiệm để tinh gọn lại hành chính cấp tỉnh, thành phố trong tương lai khi hội tụ đủ điều kiện. Tháng 7/2010, thực hiện sắp xếp lại lao động trên toàn mạng lưới giảm 5.108 người, tổng số lao động còn 42.777 người, trong đó lao động lao động hợp đồng không xác định thời hạn là 23.925 người. Việc cơ cấu lại mạng lưới, sắp xếp lại tổ chức, tính toán lại số lượng lao động trên mạng lưới, đồng bộ với việc mở rộng SXKD đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong việc chuyển Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu Điện và Dịch vụ Tiết kiệm Bưu Điện sang Ngân hàng TMCP Liên Việt và đổi tên thành Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt đã làm thay đổi cơ bản theo hướng tích cực để dịch vụ phát triển; chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2012, các dịch vụ đại lý cho NH Liên Việt đã tăng 221% so với cùng kỳ năm 2011.

Thứ năm, Đã quan tâm và chú trọng hơn tới việc ứng dụng CNTT, nghiên cứu phát triển hệ thống các phần mềm hỗ trợ quản lý và phát triển các dịch vụ. Số lượng các điểm phục vụ được online hóa ngày càng nhiều, là cơ sở để tập trung phát triển các dịch vụ trực tuyến, các dịch vụ đòi hỏi tốc độ xử lý nhanh. Các chương trình ứng dụng quản lý dịch vụ Bưu phẩm, Bưu kiện, Chuyển tiền, Phát hành báo chí, Tiết kiệm Bưu Điện, báo cáo nhanh... góp phần quan trọng trong việc mở rộng thị trường, thúc đẩy phát triển các dịch vụ.

Thứ sáu, Sự hỗ trợ của Tập đoàn, các đơn vị của Tập đoàn đối với Tổng Công ty thời gian qua là đặc biệt quan trọng và thể hiện trên tất cả các lĩnh vực. Đó là việc hỗ trợ phát triển các dịch vụ viễn thông, thu cước viễn thông, kinh doanh thẻ, hỗ trợ quỹ khen thưởng, đào tạo cán bộ, bồi dưỡng nguồn nhân lực... Quá trình phân chia đất đai, tài sản cũng đã và đang được các đơn vị cả Bưu chính và Viễn thông hoàn thiện, tận dụng cơ sở hạ tầng của nhau, tạo điều kiện hỗ trợ cho nhau cùng phát triển. Bên cạnh đó, Tổng Công ty đã mở rộng hợp tác với nhiều tổ chức, nhiều doanh nghiệp, bạn hàng, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới; số lượng gần 50 bản cam kết, thỏa thuận hợp tác trong 5 năm qua, là thể hiện sinh động của quá trình liên kết và mở rộng hợp tác của Bưu chính Việt Nam.

Thứ bảy, Cùng với việc duy trì ổn định việc làm và thu nhập của người lao động là việc tổ chức rộng rãi các cuộc vận động, các phong trào thi đua trong CNVC, tạo không khí phấn khởi trong lao động sản xuất. Hội nghị điển hình tiên tiến lần thứ Nhất đã tuyên dương các điển hình tiên tiến. Đã có nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng các phần thưởng cao quý (Huân chương Lao động, Bằng khen Chính phủ, Chiến sỹ thi đua toàn quốc...). Các hoạt động truyền thống, uống nước nhớ nguồn, chính sách xã hội được các đơn vị duy trì, quan tâm, chăm lo thể hiện truyền thống nghĩa tình, tương thân, tương ái của đội ngũ Bưu chính.

Thứ tám, Tổ chức Đảng các cấp từng bước lớn mạnh, giữ vai trò quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức mọi hoạt động, các Nghị quyết của Đảng ủy Tổng Công ty kịp thời và hiệu quả hơn. Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến hành thường xuyên, liên tục có ý nghĩa sâu sắc, động viên đội ngũ vượt qua khó khăn. Đồng hành cùng Chuyên môn, Công đoàn Tổng Công ty thông qua những chương trình hành động, những cuộc vận động, những phong trào thi đua đã khơi dậy ý chí, lòng nhiệt tình của toàn thể đội ngũ, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị.

5 năm Bưu chính tách ra hạch toán độc lập là 5 năm môi trường kinh tế cả trong nước và quốc tế có những diễn biến phức tạp, khó lường. Suy thoái, khủng hoảng, lạm phát, phá sản... là những ngôn từ hàng ngày được các phương tiện thông tin đại chúng dẫn giải về hệ thống doanh nghiệp, ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Thị trường Bưu chính chuyển phát cạnh tranh mạnh, các cam kết mở cửa thị trường Bưu chính bắt đầu có hiệu lực, sự xuất hiện của các Tập đoàn Bưu chính của thế giới ở thị trường Việt Nam ngày càng nhiều. Phấn đấu duy trì ổn định mạng lưới, phát triển các dịch vụ mới, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; cải tiến, đổi mới tổ chức quản lý, sắp xếp lại lao động; mở rộng hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp, bạn hàng; nâng cao hiệu quả của điều hành sản xuất kinh doanh... Bưu chính Việt Nam đã và đang phấn đấu tự đổi mới mình, sức cạnh tranh của Bưu chính Việt Nam ngày một nâng cao, vai trò chủ lực của Tổng Công ty trong lĩnh vực Bưu chính nước nhà ngày càng được thể hiện. "Gửi cả niềm tin" - là mục tiêu, là giá trị cốt lõi mà Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam đã, đang và sẽ hướng tới để xây dựng doanh nghiệp ngày một lớn mạnh.

http://www.vnpost.vn/Tint%E1%BB%A9c/ArticleDetail/tabid/70/CateId/4/ItemId/786/Default.aspx