Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Chủ nhật, ngày 05/05/2024

Bưu điện Văn hóa xã: Đổi mới để tồn tại và phát triể

16/05/2012 15:04 CH

Từng được coi là mô hình nổi bật cách đây hơn 10 năm, đến nay Bưu Điện Văn hóa xã (BĐVHX) đang dần mất đi lợi thế trong việc đáp ứng nhu cầu Bưu chính - Viễn thông của người dân nông thôn, vùng sâu và vùng xa. Hơn bao giờ hết, BĐVHX đang đứng trước nhu cầu đổi mới để tồn tại, để làm sao có thể “tự bước đi trên đôi chân mình” trong vòng 5-10 năm tới.

Phải chăng BĐVHX đã lạc hậu…(?)

Ra đời năm 1998, là một trong những mô hình tiên phong trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX của Đảng Cộng sản Việt Nam, mô hình điểm BĐVHX từng được coi là “điểm sáng” ở nông thôn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa khi đáp ứng các nhu cầu cơ bản về dịch vụ bưu chính, viễn thông như chuyển phát thư từ, báo chí, đặt báo, điện thoại công cộng,…phục vụ được đông đảo người dân nơi đây. Ngoài các dịch vụ BCVT cơ bản, người dân còn có thể đọc sách, báo miễn phí, tiếp cận với các thông tin tri thức, nâng cao dân trí, góp phần phát triển kinh tế để từng bước xóa đói giảm nghèo.

Trước năm 1998, khi chưa có hệ thống điểm BĐVHX, cả nước chỉ có 3.000 bưu cục, chủ yếu tập trung ở thành thị và khu đông dân cư. Với việc xây dựng hơn 8.000 điểm BĐVHX, số lượng điểm bưu cục phục vụ đã lên tới hơn 18.000 điểm, trải rộng trên toàn quốc, rút ngắn diện tích phục vụ bình quân xuống 17,5km/điểm, để người dân có thể tiếp cận dịch vụ BCVT dễ dàng hơn.

Với vai trò là doanh nghiệp được Chính phủ lựa chọn thực hiện duy trì, quản lý mạng bưu chính công cộng, Bưu chính Việt Nam luôn chú trọng triển khai các giải pháp để nâng cao khả năng đáp ứng của các điểm BĐVHX với nhu cầu tiếp cận thông tin tiên tiến của người dân nông thôn, vùng sâu vùng xa. Theo thời gian,  hệ thống BĐVHX đã cung cấp thêm một số dịch vụ mới như dịch vụ chuyển tiền, thu cước điện thoại, truy cập Internet,…để phù hợp với nhu cầu thực tế khi kinh tế nông thôn ngày càng phát triển.

Trước năm 2008, chi phí đầu tư của điểm BĐVHX được tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trang trải, vận dụng từ các nguồn khác, kể cả bằng quỹ của mình. Những gánh nặng về chi phí được giảm đi đáng kể. Sau năm 2008, Bưu chính và Viễn thông chia tách, điểm BĐVHX do Bưu chính quản lý. So với giai đoạn đầu khi điểm BĐVHX là kênh để người dân sử dụng dịch vụ viễn thông thì nay vai trò của mô hình này phần nào đang bị lu mờ dần. Hiện tại, phần lớn các điểm BĐVHX trên toàn quốc đang trong tình trạng hoạt động cầm cự, người dân đến thưa thớt và cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng.  Theo thống kê của Tổng Công ty, trong số hơn 8.000 điểm BĐVHX trên cả nước, chỉ có 1.611 điểm cho doanh thu lớn hơn hoặc đủ bù chi phí, còn lại là không đủ bù chi. Mỗi năm, chi phí bù lỗ cho hoạt động của các điểm BĐVHX ước tính khoảng 200 - 300 tỷ đồng.

Tuy không thể phủ nhận những đóng góp quan trọng của hệ thống BĐVHX vào sự phát triển kinh tế nông thôn trong 13 năm qua, nhưng khi khoa học công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực thông tin và truyền thông phát triển, thì nhu cầu của người dân đối với các dịch vụ bưu chính viễn thông cơ bản cũng thay đổi, và một số điểm BĐVHX đã dần trở nên kém hiệu quả và bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế cần phải có sự đổi mới.

… và cần “cú hích” để phát triển

Tại Hội nghị toàn quốc về điểm BĐVHX tháng 1/2012, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông – Nguyễn Bắc Son đánh giá cao vai trò, nỗ lực của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, của Tổng Công ty Bưu chính trong việc quản lý, điều hành hệ thống điểm BĐVHX góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân nông thôn hơn 13 năm qua. Song Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng, cần triển khai nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống điểm BĐVHX, để hệ thống BĐVHX tiếp tục là điểm tựa đưa thông tin và truyền thông về nông thôn.

Xác định việc nâng cao hiệu quả hoạt động điểm BĐVHX là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung các nguồn lực tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về hoạt động kinh doanh và phục vụ, Bưu chính Việt Nam, doanh nghiệp được Chính phủ chỉ định thực hiện duy trì, quản lý mạng bưu chính công cộng (trong đó có hệ thống điểm BĐVHX), đã đưa ra dự thảo kế hoạch triển khai với một loạt các nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và đổi mới điểm BĐVHX.

Cụ thể, Tổng Công ty sẽ tập trung rà soát, quy hoạch lại hệ thống điểm BĐVHX phân loại theo các nhóm để có phương pháp quản lý, kinh doanh phù hợp, và từng bước nâng cấp cơ sở vật chất của toàn hệ thống đảm bảo điều kiện hoạt động. Trước mắt, Tổng Công ty sẽ ưu tiên các điểm được lựa chọn triển khai các dự án, các chương trình mục tiêu quốc gia của Đảng, Nhà nước và chiến lược phát triển kinh doanh của Tổng Công ty; tiếp tục đẩy mạnh các dịch vụ hiện có, kết hợp với việc từng bước đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phù hợp với từng địa bàn và lộ trình kinh doanh của Tổng Công ty.

Tổng Công ty sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả dự án Nâng cao khả năng sử dụng máy tính truy nhập Internet công cộng do Quỹ BMGF tài trợ tại 1.000 điểm BĐVHX thuộc 40 tỉnh, dự án tăng cường đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo thông qua hệ thống điểm BĐVHX tại 21 tỉnh năm 2011 và 27 tỉnh năm 2012. Tùy theo từng thời điểm, từng giai đoạn, Tổng Công ty sẽ có văn bản chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện đảm bảo đồng bộ và hiệu quả.

Đồng thời, Tổng Công ty cũng nghiên cứu và thực hiện các chế độ chính sách và điều kiện đãi ngộ, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người lao động làm việc tại BĐVHX, phát động các phong trào thi đua hướng về điểm BĐVHX và nhân viên điểm BĐVHX để khuyến khích, động viên, tạo động lực cho nhân viên điểm BĐVHX.

Với mô hình mang ý nghĩa nhân văn này, trong điều kiện của Bưu chính hiện nay, chỉ một dự án BMGF tuy quy mô khá lớn song sẽ chưa đủ so với những đòi hỏi của xã hội. Sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội Việt Nam khu vực nông thôn hơn lúc nào hết đang rất cần sự đồng sức, đồng lòng của toàn xã hội. Ngày 20/12/2010, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2331/QĐ-TTg về việc ban hành danh mục các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011 và Quyết định số 196/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán chi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011, trong đó có dự án lớn như xây dựng nông thôn mới. Đây là dự án quan trọng với 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Bằng những việc làm thiết thực, Bộ Thông tin Truyền thông, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam đã và đang cần sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, đoàn thể để đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu của Chương trình.