Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ năm, ngày 16/05/2024

Báo chí văn nghệ: "Để đắc dụng phải nâng niu, bao bọc chứ không thể phó mặc..."

26/08/2014 10:43 SA

Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận những định hướng quan trọng cho sự phát triển của báo chí văn nghệ trong bối cảnh “thế giới phẳng”.
 
Cả nước hiện có trên 80 cơ quan báo chí văn học, nghệ thuật thuộc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội Văn học, nghệ thuật của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và báo chí văn nghệ của một số Bộ, ngành. Đến nay, ấn phẩm báo chí văn nghệ có số lượng phát hành trên dưới 10.000 bản/kỳ. Trên các kênh chương trình phát thanh, truyền hình được phát sóng quảng bá đều có các chương trình, chuyên mục văn nghệ, bao gồm các lĩnh vực văn học, sân khấu, điện ảnh, ca nhạc...
 
Năm qua, các đài phát thanh, truyền hình cả nước phát hành khoảng 380 chương trình, chuyên mục văn hóa, nghệ thuật trên sóng phát thanh, khoảng 170 chương trình, chuyên mục văn hóa, nghệ thuật trên sóng truyền hình. Thời lượng các chương trình chiếm tỷ lệ khá lớn, xu hướng xã hội hóa trong hoạt động sản xuất truyền hình, đặc biệt ở các chương trình giải trí, trò chơi truyền hình, chương trình ca nhạc, truyền hình thực tế... có bước phát triển mạnh, phát sóng trong giờ vàng thu hút đông đảo công chúng. Nhiều đài địa phương khai thác thế mạnh văn nghệ, giải trí thành công về doanh thu, có đài tỉnh thu hơn 1.500 tỉ/năm từ nguồn quảng cáo trong các chương trình phim truyện, ca nhạc.
 
Bám sát định hướng, phục vụ nhiệm vụ chính trị, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh, bảo vệ vững chắc toàn vẹn của lãnh thổ và hạnh phúc của nhân dân; tham gia phát triển nền văn hóa, văn học nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu tính nhân văn, báo chí văn nghệ cũng góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái, thù địch, các tiêu cực trong xã hội, nhất là luận điệu sai trái với đường lối văn nghệ của Đảng, không phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân; đấu tranh phê bình với các hiện tượng văn nghệ không lành mạnh.
 
“Để tăng lượng truy cập, thu hút quảng cáo, hầu hết các báo điện tử đã dùng chiêu trò từ chuyện phòng the đến các phim, các video giật gân, chuyện riêng của các nhân vật được đào sâu quá mức... Báo chí nhiều lúc đã từ bỏ vị trí, chức năng sang trọng của mình để làm mướn rẻ tiền, đi ngược với thuần phong mỹ tục của dân tộc”. (Trích tham luận của đại diện Báo Nhân Dân)
 
Với ưu thế và trách nhiệm, báo chí văn nghệ góp phần giữ gìn sự trong sáng và làm phong phú thêm tiếng Việt, tiếng các dân tộc thiểu số Việt Nam; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, vừa công bố, giới thiệu các tác phẩm mới đến công chúng, vừa góp phần bồi dưỡng, đào tạo tài năng văn nghệ, nhất là văn nghệ sĩ trẻ; cũng là nơi chọn lọc, công bố các tác phẩm mới và phản ánh hiện thực xã hội, công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước...
 
Tuy vậy, đối tượng công chúng rất đa dạng và ngày càng khó tính, thật không dễ dàng áp đặt các “món ăn” cho họ. Để tồn tại phát triển, chạy theo thị hiếu, thị trường, trong khi đại đa số các báo chí văn nghệ thực hiện đúng tôn chỉ mục đích thì vẫn còn không ít báo sa đà vào các thông tin tiêu cực trong xã hội; tùy tiện trong việc phản ánh tin tức. Một số chương trình văn hóa, văn nghệ của đài phát thanh và truyền hình có nội dung phản cảm.
 
Chuyên mục Văn hóa-văn nghệ của nhiều báo điện tử còn thiếu tính định hướng trong việc hình thành nhân cách, thẩm mỹ, thói quen, lối sống của thế hệ trẻ, chủ yếu đi sâu vào đời tư của các diễn viên, ca sĩ, người nổi tiếng. Các đại biểu tham dự Hội nghị tán đồng với ý kiến trong tham luận của Báo Nhân Dân khi cho rằng: “Báo chí đã nhiều lúc từ bỏ vị trí, chức năng sang trọng của mình để làm mướn rẻ tiền, đi ngược với thuần phong mỹ tục của dân tộc”.
 
Nhà văn Khuất Quang Thụy, Tổng biên tập Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, báo chí văn nghệ đối mặt với nhiều thách thức của thị trường trong thời đại truyền thông đa phương tiện. Về tổng thể, đại đa số các ấn phẩm báo chí văn nghệ đều có kỳ hạn phát hành hạn chế.
 
Do sự eo hẹp về kinh phí, một số cơ quan báo chí “lực bất tòng tâm” không đủ để triển khai hoạt động đảm bảo yêu cầu tối thiểu về chất lượng và số lượng. Báo chí trong tình trạng đó phải “liệu cơm gắp mắm” để tồn tại cầm chừng với số trang quá mỏng hoặc gộp nhiều tháng/1kỳ... “Báo chí văn nghệ nếu muốn đắc dụng thì phải nâng niu, bao bọc chứ không thể phó mặc cho sự đời”, nhà văn Khuất Quang Thuỵ nói.
 
Theo lãnh đạo Báo Cần Thơ, báo chí văn nghệ đang “đói nhân tài”. Vì mang nghiệp văn nghệ nên phải giữ nếp nhà, giữ định hướng, vì thế yếu kém sức cạnh tranh với chợ đời... Thực tế trong tòa soạn vẫn còn một bộ phận phóng viên, biên tập viên chưa nhận thức đầy đủ vai trò quan trọng của văn học, văn nghệ đối với đời sống con người và xã hội nên còn xem đây là những trang mục “hoa lá cành”.
 
 Báo chí văn nghệ nếu muốn đắc dụng thì phải nâng niu, bao bọc chứ không thể phó mặc cho sự đời. (Nhà văn Khuất Quang Thụy) 
 
Chính vì suy nghĩ vậy nên ít phóng viên chọn lựa mảng văn học, văn nghệ ngay từ buổi đầu khởi nghiệp. Các Đài truyền hình cũng thừa nhận: Truyền hình cạnh tranh với nhiều phương tiện giải trí hiện đại và cạnh tranh với chính các đồng nghiệp trong hệ thống truyền hình. Bài toán đặt ra là đang phải là sự kết hợp hài hòa giữa tính định hướng, tính chính thống và tính hấp dẫn để phục vụ thu hút người xem một cách hiệu quả nhất.
 
Ông Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TƯ cho biết: Để phát triển báo chí văn nghệ, cần coi trọng việc bồi dưỡng đường lối, quan điểm, các giá trị văn hóa-văn nghệ trong cán bộ, nhân dân; khơi dậy lòng tự hào, ý thức sáng tạo của đội ngũ làm văn hóa, văn học, nghệ thuật; đề cao trách nhiệm xã hội gắn với trách nhiệm của người nghệ sĩ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa, văn học, nghệ thuật nước nhà.
 
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ khẳng định: Trước nguy cơ “xâm lăng văn hóa” với những sản phẩm văn hóa, văn học nước ngoài độc hại đang có chiều hướng gia tăng cần đầu tư có chiều sâu: nhân lực, đội ngũ cộng tác viên và kinh phí, thù lao nhuận bút tương xứng.
 
Báo chí văn nghệ cần tôn trọng, phát huy dân chủ, tự do tư tưởng trong hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật theo đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; hoàn thiện khung pháp lý đối với việc tài trợ, đặt hàng và khuyến khích sáng tác trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
 
Các cơ quan báo chí cũng cần xây dựng, củng cố đội ngũ, cán bộ, phóng viên, biên tập viên có kiến thức về văn học, nghệ thuật; quan tâm nâng cao chất lượng, nội dung các ấn phẩm, chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, bảo đảm thông tin chính xác, phổ biến kịp thời các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát triển văn học, nghệ thuật…