Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ năm, ngày 16/05/2024

Hiện tượng "giật tít câu view" trên báo: Non nghề hay ít văn hóa?

25/08/2014 11:54 SA

Nhà báo Đỗ Hương: "Khi ta làm việc có trách nhiệm, tử tế, chúng ta sẽ có bạn đọc"

Đó là những chia sẻ và bình luận của nhà báo Đỗ Hương - nguyên Trưởng văn phòng miền Nam báo Thể thao ngày nay.
 
Khi dư luận còn chưa hết bàng hoàng trước hiện tượng Bà Tưng và anh chàng “quần sịp vàng” Quân Kun với những hình ảnh khoe thân phản cảm, cùng những phát ngôn gây sốc thì mới đây trên cộng đồng mạng lại giấy lên một hiện tượng mới mang tên Lệ Rơi.
 
Từ một anh nông dân trồng ổi, chỉ sau cơn ngẫu hứng của mình giờ đây Lệ Rơi trở thành một cái tên “hot”, thành một hiện tượng nổi bật về sáng tạo và tài năng được nhiều người tìm kiếm. Cũng như Lệ Rơi, đoạn video đăng tải một cô gái đi phỏng vấn hồn nhiên ăn hết hai quả na sau đó còn đòi ăn nho đã trở thành đề tài được dư luận đem ra bàn tán.
 
Nói về chuyện các báo đăng tải những bài viết này đứng trên góc độ người làm báo, nhà báo Đỗ Hương cảm thấy giật mình về trách nhiệm và tư duy, tư tưởng, văn hóa của người làm báo hôm nay và của Ban biên tập các tờ báo online đó.
“Tôi đã nghĩ, có phải họ mượn lời độc giả để đưa định kiến cá nhân ra xã hội không? Hay chỉ là đưa vấn đề ý kiến cá nhân thuộc lĩnh vực rất nhạy cảm, dễ xảy ra xung đột, để gây diễn đàn tranh cãi, gây chú ý dư luận như một hình thức quảng cáo tờ báo, kiểu như tạo scandal để nổi tiếng? Có phải họ biết trước hậu quả nên để bài viết ở trang bạn đọc thì sẽ tránh được điều tiếng hay phê bình của Ban tư tưởng mà vẫn gây được số đông những ý kiến trái chiều chú ý? Và họ tránh được tiếng ác vì chỉ là tâm sự bạn đọc?”.
 
Rõ ràng, sau sự thóa mạ và định kiến cá nhân một ai đó mà tên tuổi tờ báo được nhiều người nhớ và biết đến như “giấc mơ”, mà nếu những tờ báo đó không có những vụ này thì hầu như bạn đọc không biết đến thậm chí ngay cả người từng biết những trang báo này có thể cũng quên rằng nó vẫn đang tồn tại.
 
Nhà báo nhấn mạnh: “Cách gây scandal tạo chú ý này quá hiệu quả. Nhưng thiếu tính nhân văn, và người viết bài này ít văn hóa đã đành nhưng người phụ trách trang báo nếu nghĩ là trang bạn đọc thì cứ đưa lên rộng đường dư luận, để gây tranh cãi phản biện thì là non nghề, không có tầm nhìn bao quát, đúng sai và không định lượng được hậu quả của việc dễ dãi nhằm tạo dư luận có tác hại đến mức nào, nhất là nghề cầm cân định hướng đạo đức số đông, thông qua thông tin và tư tưởng của tờ báo. Chung quy là thiếu tâm, ít văn hóa, thiếu hiểu biết về nghề mà chỉ nghĩ đến mục đích là sao cho nổi tiếng, từ đó tên tuổi tờ báo được nhớ và... có tiền quảng cáo”.
 
Nguyên Viện trưởng Viện triết học, nguyên Tổng biên tập tạp chí Triết học, Giáo sư Lê Thi có cái nhìn biện chứng khi cho rằng giải trí của thanh niên ngày xưa chỉ có tờ báo, cao hơn là đi xem phim còn ngày nay thanh niên có nhiều thú vui khác nữa. Cho nên các tờ báo lợi dụng tâm lý đó của độc giả để khai thác tối đa, làm thế nào có thể thu hút thế hệ trẻ.

“Mỗi một giai đoạn đều có trách nhiệm riêng của nó. Nếu như trước kia, trước khi cầm bút các nhà báo chỉ nghĩ đến vấn đề làm sao làm cho đất nước được bình yên, nhân dân được quan tâm, làm sao cố gắng tăng gia sản xuất để cuộc sống của người dân đỡ khốn khó. Các tờ báo ngày đó cũng có phần giải trí nhưng rất nhẹ nhàng.Còn bây giờ, một số tờ báo lại quan tâm chủ yếu là làm sao thu hút được độc giả nhất là giới trẻ. Do đó họ cho đăng tải các bài viết, các tiết mục được giới trẻ quan tâm chính vì thế mà mục tiêu chính trị của một số tờ bị xem nhẹ”.
 
Nguyên Viện trưởng cho rằng: “Để ngăn chặn tình trạng trên nhà báo phải nhớ rằng bài báo của mình khi viết ra nó không chỉ có giá trị nhất thời mà nó còn là tư liệu để giáo dục thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Cho nên đã làm báo phải viết những bài có giá trị lâu dài và có ích cho xã hội chứ không chỉ đáp ứng yêu cầu nhất thời của một bộ phận giới trẻ hiện nay”.
 
Nhà báo Đỗ Hương nhắn nhủ những người làm báo hôm nay nên chú ý đến đạo đức nghề nghiệp. Có tâm, có đức không chỉ với mình mà với cả ngòi bút và với nhân dân với bạn đọc. Hãy học nhìn, học nói, học viết và học trách nhiệm với xã hội mỗi khi nhìn nhận đánh giá và viết bất cứ một đề tài nào. Hãy nghĩ đến hậu quả sau mỗi chữ mình viết ra và hành động.
 
“Nghề nào cũng là làm việc ăn lương nhưng đừng vì tiền mà mất nhân cách và làm đảo lộn giá trị sống tốt đẹp mà con người đang hướng tới. Nghề báo cũng vậy, hãy viết như viết cho người thân của mình và điều đó cần một quan điểm rõ ràng và một tầm nhìn có đạo đức và bao quát. Khi ta làm việc có trách nhiệm, tử tế, chúng ta sẽ có bạn đọc và sẽ được tin yêu. Hãy trân trọng nghề bằng thái độ nghiêm túc nhất đề trả ơn người cho chúng ta học chữ và chứng tỏ chúng ta là người có văn hóa dẫn đường”, nguyên Trưởng văn phòng miền Nam báo Thể thao ngày nay chia sẻ.