Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ năm, ngày 16/05/2024

Nạn “kích view” và cái giá phải trả, nhìn từ góc độ pháp luật

19/08/2014 11:09 SA
Thời gian gần đây, trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các trang báo mạng, giải pháp các "câu view" đã được nhiều Ban Biên tập sử dụng một cách triệt để. Tuy nhiên, trong "cơn say view", nhiều trang báo mạng đã và đang vượt qua giới hạn pháp luật và đạo đức. PV Infonet có cuộc trò chuyện với Luật sư Phạm Công Út, Giám đốc Công ty Phạm Nghiêm (Đoàn Luật sư TP.HCM) về vấn đề này.
 
Thưa luật sư, ông có nhận thấy hiện tượng "kích vew" bằng mọi giá ở báo chí gần đây, đang trở thành xu hướng không?
 
Quả thật, gần đây loại hình báo mạng tại Việt Nam đang trên đà phát triển vượt bậc, cộng với sự kết nối với trang mạng Facebook nên sức lan tỏa của các bài báo với những tin giật gân sẽ rất mạnh, nhờ vào việc người đọc ấn phím “Thích” hoặc “Chia sẻ” từ bài báo trên mạng lên trang facebook cá nhân của mình.
 
Chính vì sự tương hỗ giữa báo mạng và trang mạng Facebook đó tạo thành “giá trị ảo” cho “người tung tin” trên các tờ báo mạng. Do đó, có không ít phóng viên trẻ, hoặc tờ báo mạng mới ra muốn mau chóng có tên tuổi trong làng báo chí, họ đã dùng những cách đưa tin nhằm “kích view” từ bạn đọc bằng mọi giá. 

Kể cả vi phạm quy định của pháp luật như xâm phạm đời tư, phân biệt vùng miền, xâm phạm quyền hình ảnh cá nhân, vi phạm thuần phong mỹ tục, thậm chí phân biệt vùng miền, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc..... họ cũng không ngần ngại?
Đúng vậy! Một phần do say sưa với đề tài mà họ đang tìm hiểu, muốn đưa lên báo, muốn khai thác ở những yếu tố mà nhiều bạn đọc thường hay tò mò về những nhân vật của công chúng… Cũng không loại trừ việc nhà báo dùng cảm tính cá nhân để đứng trên đỉnh núi mà phê phán cả một vùng miền với cách viết miệt thị…
 
Nhưng họ không hiểu, hoặc hiểu chưa tới những quy định của pháp luật về Bộ luật Dân sự, luật Báo chí, Bộ luật Hình sự và nhất là Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản nhằm bảo vệ quyền về hình ảnh, danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức, bảo vệ khối đại đoàn kết dân tộc, bí mật an ninh quốc gia…vv…
 
Chính vì họ không hiểu hoặc hiểu chưa tới đó nên sự kiện báo mạng Trí Thức Trẻ bị xử phạt đến 207 triệu đồng và buộc đình bản 03 tháng là một sự cảnh báo cho những tờ báo mạng, và các phóng viên tự đánh đổi giá trị uy tín thật của mình bằng “giá trị ảo” thông qua cách “câu like, kích view” ồ ạt như hiện nay.

Đáng nói hơn, có báo còn lợi dụng cái gọi là "dư luận phản ứng" để đăng lại ảnh sex từ Facebook cá nhân. Luật sư nghĩ sao?
 
Báo chí được quyền đi lấy tin tức từ nhiều nguồn và phải chịu trách nhiệm về độ chính xác, trung thực của thông tin mà mình đưa lên nhưng phải phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân.
 
Báo chí có thể viết bài đánh giá về phản ứng của dư luận về hiện tượng nào đó, nhưng không được tự ý đăng ảnh nhạy cảm của người khác khi không được phép của họ. Mặt khác, Facebook là một trang mạng có tính vừa thật, vừa ảo lẫn lộn nên không thể xem đó là nguồn cung cấp thông tin trung thực. Vì người ta vẫn thường so sánh: “Một nửa của cái bánh mì vẫn là cái bánh mì, nhưng một nửa sự thật không còn là sự thật.”
 
Mặt khác, báo chí còn xoáy vào những điều "khiếm khuyết", "hồn nhiên" của cá nhân để "câu view", không ngần ngại xúc phạm cá nhân. Ý kiến của luật sư thế nào?
 
Có những bài viết dù trung thực hay chỉ nhằm phục vụ cho mục đích nào đó thì người viết cần giữ thái độ của “người đưa tin”, đừng biến mình thành “kẻ tung tin”.
 
Điều đó có thể sẽ gặp những vấn đề rắc rối về mặt pháp lý. Nhất là với những người của công chúng thường chịu không ít những cái nhìn săm soi của một vài “nhà báo” chuyên đề tài phục vụ tính tò mò từ không ít các fan hâm mộ của các nhân vật ấy.

Xin luật sư cho biết hậu quả của những lần báo chí "kích vew" đối với xã hội sẽ như thế nào?
 
Thứ nhất, hậu quả là sự tổn thương của người ở vùng miền hoặc chạm đến lòng tự tôn của một dân tộc nếu có bài viết mang tính miệt thị họ trên một tờ báo nào đó. Hậu quả sẽ là khôn lường, chúng ta không thể tưởng tượng được. Tôi nhớ, chỉ 1 tin ngắn của nhà báo đã có thể gây ra vụ xung đột sắc tộc khiến cả ngàn người chết. Bài học này đã có ở báo chí nước ngoài.
 
Còn nếu là hình ảnh xấu, xúc phạm nhân phẩm, đăng ảnh phòng the riêng tư của cá nhân sẽ làm người bị đưa thông tin hình ảnh đó không chịu nổi chấn thương về mặt tâm lý khi bị lên án bởi một lượng đám đông phỉ nhổ mình mà khó có cơ hội trình bày ý kiến một cách tương xứng với bài báo mang tính xúc phạm ấy. Hậu quả cho bản thân người đó, gia đình của người đó là rất lớn.
 
Thứ hai, những hình thức đưa tin vô tội vạ như thế nếu không bị trừng phạt đích đáng bằng pháp luật thì một số trang tin, báo mạng sẽ khiến cả xã hội chạy theo xu hướng thị hiếu tầm thường của bộ phận thiểu số.
 
 Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn có viết một câu chí lý: “Dư luận chẳng là ai cả, nhưng nó có thể giết chết sự nghiệp một người nào đó mà không phải chịu trách nhiệm”.
 
Từ quan điểm riêng của mình, luật sư có thể lý giải vì sao có hiện tượng này?

Báo giấy truyền thống ngày nay đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ xu thế phát triển như vũ bão của loại hình báo mạng. Để được thứ hạng cao theo tiêu chí trong các bảng xếp hạng, được nhiều bạn đọc quan tâm hòng đạt được các hợp đồng quảng cáo, các báo mạng mới ra có lẽ đã phải nổ lực để đưa thông tin nhanh nhất, dư luận quan tâm nhất, nóng nhất đến với bạn đọc.
 
Cộng với sự tương tác giữa báo mạng với trang mạng Facebook, mà ở trang mạng Facebook ấy, mỗi cá nhân không khác một “Người tung tin” với cảm nhận, với hình ảnh, clip… mà họ có thể đưa lên ngay trên mạng sau cú nhấp chuột.
Nhất là trang mạng ấy có sức mạnh lan tỏa rất nhanh tới hàng triệu người sử dụng, nên việc có hiện tượng có những tờ báo bị “xỏ mũi” từ các thông tin lượm lặt trên các trang cá nhân, hoặc cố tình đăng những thông tin “hot” để “câu view”… đôi khi trở thành thảm họa không chỉ dành cho tờ báo bị kiện cáo hoặc bị trừng phạt, mà có khi đó cũng là thảm họa cho ngành báo chí chân chính trong nước.
 
Xin cảm ơn luật sư!