Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ tư, ngày 15/05/2024

Văn hóa trong truyền thông hiện đại

12/08/2014 13:22 CH

Khai thác đờ tư của các sao là biểu hiện thiếu văn hóa của truyền thông (Ảnh minh họa: Báo Người lao động)

PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng: Không một nền văn hóa của quốc gia nào trên trái đất này lại không được truyền thông qua nền báo chí truyền thông của chính mình. Và như thế, nhiệm vụ xuyên suốt của nền báo chí hiện đại Việt Nam, từ khi ra đời, đương nhiên phải truyền thông về nền văn hóa Việt, với tất cả các sinh hoạt văn hóa của người Việt trong lịch sử dựng nước và giữ nước, dựa trên hai mối quan hệ lớn nhất về ứng xử văn hóa: đó là ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, nhằm tạo lập hai loại giá trị trong lịch sử tồn tại của mình: giá trị văn hóa vật chất và tinh thần.
 
Trong ứng xử với môi trường tự nhiên, từ cái ăn, cái mặc, cái ở, đi lại... vốn tạo lập giá trị văn hóa vật chất cho sự phát triển xã hội hiện đại, đã và đang hiện diện những thói hư tật xấu cần phê phán và loại bỏ khỏi hành trang phát triển của người Việt. Rồi cách ứng xử văn hóa với môi trường xã hội, bắt đầu từ ứng xử trong tế bào nhỏ nhất của xã hội là gia đình, cho đến ngoài xã hội, tất thảy đều đang có những chuyện cần rút kinh nghiệm sửa đổi và điều chỉnh. Do đó, đổi mới tư duy hiện đại mới giải quyết được bi kịch về văn hóa trong sự phát triển của văn hóa Việt.

Sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là Internet đã ảnh hưởng rất lớn đến các phương tiện truyền thông đại chúng và cùng với đó là văn hóa truyền thông đại chúng. Ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Với khối lượng thông tin khổng lồ được chuyển tải từng giây, từng phút qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng internet, qua điện thoại thông minh smartfone, con người có thể tiếp cận thông tin về mọi lĩnh vực, ở bất kỳ nơi nào. Chính vì thế dường như con người không còn đủ khả năng kiểm soát nguồn thông tin đó. Một trong những nguy cơ xuất phát từ đây là người ta có thể lợi dụng tiện ích đó để truyền bá những thông tin theo mưu đồ riêng, hoặc có thể cũng vì vô tình, truyền bá những thông tin độc hại cho xã hội. Đó là những thông tin sai sự thật; Thông tin về những mặt trái của xã hội, tạo nên một hình ảnh méo mó về đất nước, con người; Những loại thông tin giật gân, câu khách về mọi sự kiện nhỏ nhặt nhất liên quan tới tình, tiền, tù tội, khai thác đời tư của các “sao”, đánh trúng vào thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng cũng là một biểu hiện sai trái, thiếu văn hóa của thông tin, vì nó đi ngược lại thuần phong mỹ tục của con người Việt Nam, những điều tốt đẹp mà báo chí cần phổ biến theo chức năng giáo dục của mình.
 
Hơn nữa, sự ra đời truyền thông đa phương tiện, truyền thông xã hội, tòa soạn hội tụ, sự xuất hiện của báo chí điện tử đã và đang tạo ra một loạt xu hướng phát triển mới của báo chí hiện đại. Tất cả những xu hướng đó là kết quả của hội tụ truyền thông và các phương tiện truyền thông mới đó tương tác mạnh mẽ với các phương tiện truyền thông truyền thống, làm nảy sinh nhiều vấn đề cần được nghiên cứu thấu đáo. Một trong những vấn đề thu hút nhiều người quan tâm nhất hiện nay là trong môi trường truyền thông mới, làm thế nào để các nhà báo hiểu về văn hóa truyền thông, từ đó truyền thông một cách có văn hóa.
 
Trong thời đại bùng nổ thông tin và truyền thông số như hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu nhấn mạnh tới khái niệm công nghiệp văn hoá là phương thức mới xuất hiện trong truyền thông giai đoạn này. PGS, TS Phạm Thái Việt, Khoa Truyền thông và văn hoá đối ngoại, Học viện Ngoại giao cho rằng: Cần nhìn nhận khách quan về công nghiệp văn hoá, đây là một dạng sản xuất đặc biệt có chức năng cả về văn hoá và kinh tế. Nếu quan niệm lĩnh vực văn hóa chủ yếu để phục vụ chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho con người thì chưa đầy đủ. Văn hóa còn là một nguồn lực, một động lực để phát triển kinh tế. Việc gắn kết giữa văn hóa và kinh tế đang là một xu thế được quan tâm để hướng tới phát triển kinh tế nhân văn, phát triển kinh tế dựa trên cơ sở khơi dậy các nguồn lực văn hóa của dân tộc và phục vụ cho việc nâng cao chất lượng cuộc sống của con người và bảo vệ môi trường sinh thái.
 
Theo PGS, TS Phạm Thái Việt, để phát triển văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu truyền thông đại chúng hiện nay, trước hết các nhà lãnh đạo, quản lý phải thay đổi nhận thức, xác định văn hoá là ngành sản xuất có khả năng tạo ra các sản phẩm tinh thần đồng thời cũng mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, từ đó mới tạo ra sự chuyển biến trong định hướng, cũng như các chính sách quản lý phát triển văn hoá.

Các cơ quan có liên quan cần sớm có quy hoạch lại công nghiệp văn hoá, xác định những lĩnh vực mũi nhọn cần ưu tiên đầu tư, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển một cách có kế hoạch, chủ động và có những bước đi phù hợp, nhất là việc tạo ra hành lang pháp lý và chính sách hỗ trợ. Nhận thức đúng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng với cơ sở vật chất kỹ thuật thực sự là những khâu mang tính quyết định trong quá trình phát triển công nghiệp văn hoá.
 
Còn theo PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái, phát triển văn hóa trong thời kỳ hội nhập phải bắt đầu bằng cách đổi mới tư duy, ngay từ lĩnh vực giáo dục. Đây là nhiệm vụ lớn nhất mà giới truyền thông Việt phải đảm đương. Đó là phải truyền thông về sự phát triển văn hóa Việt trên cơ sở hiểu được bi kịch của sự phát triển, chỉ khi ấy mới có văn hóa thực sự trong truyền thông./.