Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ tư, ngày 15/05/2024

Hà Nội, TP.HCM và Cần Thơ xin lùi thời hạn tắt sóng truyền hình analog

10/07/2014 15:34 CH
Ba thành phố sẽ thực hiện số hóa truyền hình đầu tiên là Hà Nội, TP.HCM và Cần Thơ đã chính thức có văn bản đề nghị Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình xem xét cho các địa phương này lùi thời hạn tắt sóng tương tự (analog). Theo kế hoạch của Đề án, 3 thành phố này (cùng với Đà Nẵng và Hải Phòng) sẽ thực hiện tắt sóng analog trước ngày 31/12/2015. Nhưng Hà Nội và TP.HCM đề nghị được ngừng phát sóng truyền hình analog cùng với các tỉnh lân cận thuộc nhóm 2 (trước ngày 31/12/2016). Riêng Cần Thơ xin lùi thời hạn tắt sóng analog cùng với nhóm 3 (trước ngày 31/12/2018).
 
Việc lùi thời hạn tắt sóng analog này liên quan đến khả năng sẽ bị chồng lấn sóng truyền hình tương tự và số tại 5 tỉnh, thành phố triển khai số hóa trong giai đoạn I với các tỉnh lân cận. Việc chồng lấn sóng sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác thương mại của các đài truyền hình đã dừng phát sóng analog.
 
Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã phát hiện ra tình trạng chồng lấn sóng truyền hình analog từ các tỉnh lân cận vào 5 thành phố kể trên sau khi các thành phố này tắt sóng analog từ 31/12/2015.  Ông Trần Quang Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền dẫn Phát sóng của VTV cho biết, VTV đã phát hiện ra việc chồng lấn sóng tương tự và số và đã báo cáo lên Bộ TT&TT. Ông Hưng cho rằng, theo lộ trình số hóa thì 5 tỉnh, thành phố lớn sẽ dừng sóng tương tự từ ngày 31/12/2015,  khi đó sóng truyền hình tương tự tại các tỉnh, thành lân cận thuộc nhóm 2 chắc chắn sẽ tràn sóng vào các tỉnh đã số hóa thuộc nhóm 1, đây là vấn đề mà VTV cũng như các đài PT-TH địa phương không thể kiểm soát được. Nếu 5 tỉnh, thành phố thuộc nhóm 1 dừng sóng truyền hình analog, các tỉnh lân cận vẫn phát sóng analog, chắc chắn sẽ xảy ra chồng lấn sóng tràn vào các tỉnh, thành phố này.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014 của Bộ TT&TT hôm 7/7/2014, bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội đã nhắc lại đề nghị này của Hà Nội và kiến nghị Bộ TT&TT sớm có văn bản trả lời.
 
Tuy nhiên, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho rằng, để thay đổi kế hoạch của Đề án số hóa truyền hình cần phải có nghiên cứu và đánh giá kỹ về tác động của việc chồng lấn sóng. Do đó, phải chờ kết quả báo cáo đánh giá của VTV và cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình, khi đó mới có thể trả lời 3 thành phố kể trên có được lùi thời hạn tắt sóng truyền hình analog như đề xuất hay không.
 
Liên quan đến kiến nghị này, hồi đầu năm 2014, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son chỉ đạo, các thành viên Ban chỉ đạo cần nghiên cứu kỹ hơn nữa việc  cho ngừng phát sóng analog ở các tỉnh nhóm 1 cùng với nhóm 2. Nếu cần thiết sẽ thực hiện phương án cho các tỉnh thuộc nhóm 1 phát sóng song cả tương tự và số cùng với thời điểm tắt sóng analog của nhóm 2 (chênh lệch nhau 1 năm). Việc kéo dài thêm 1 năm này để đảm bảo người dân không bị gián đoạn quyền được xem các chương trình truyền hình thiết yếu.
 
Hiện nay, tỉnh An Giang cũng đề nghị kéo dài thời gian phát sóng truyền hình tương tự kênh ATV2 đến năm 2020, vì đồng bào dân tộc Khmer còn nhiều khó khăn, chưa đủ điều kiện chuyển đổi thiết bị thu hình. Đài Phát thanh Truyền hình An Giang cũng đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc tại tỉnh này để thực hiện chuyển đổi sang truyền hình số.

Trong khi đó, một số tỉnh miền núi như Hòa Bình, Hà Giang lại đề nghị Bộ TT&TT cho phép các tỉnh này triển khai số hóa truyền hình sớm hơn so với lộ trình của Chính phủ.