Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ năm, ngày 02/05/2024

Báo chí Việt Nam cần ‘lột xác’ để hội nhập

23/06/2014 14:53 CH

Các phóng viên Việt Nam tác nghiệp tại một buổi Hội thảo quốc tế được tổ chức tại TP HCM tháng 4 năm 2014.

Trăm nỗi lo…
 
Đưa ra góc nhìn về sự phát triển của báo in, báo điện tử, truyền thông số hiện nay, nhà báo Hoài Nam (Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM - VOH) nhìn nhận: “Có thể nói, hiện nay, hàng ngày, hàng giờ và ngồi ở bất kỳ đâu đó, chúng ta đều có thể truy cập vào mạng toàn cầu để đọc báo, xem thông tin một cách dễ dàng,…mà không còn cảm giác phải chờ đợi, tìm đọc một tờ nhật báo như trước đây”.
 
Theo nhà báo Hoài Nam, rõ ràng kỷ nguyên số đang có tác động lớn đến báo chí Việt Nam thời hiện đại và nó đã “đánh” vào chính thực tế nhịp sống quay cuồng và bận rộn của người đọc. Tuy nhiên, tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ truyền thông cũng tạo ra nhiều hệ lụy đáng lo. “Các tờ nhật báo trong nước trước đây từng dẫn đầu về số lượng phát hành (tiara, circulation), vốn sống khỏe nhờ “đầu ra” mỗi ngày và lượng quảng cáo dồi dào, hiện đang phải ngậm ngùi, với tiara tụt hạng và tất nhiên quảng cáo cũng theo đó mà teo tóp dần”, đại diện của Đài VOH phản ánh.
 
Theo PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Chủ nhiệm khoa Báo Chí Trường ĐH KHXH&NV – Đại học Quốc gia Hà Nội), báo chí trong nước dường như đang thiên về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội, chạy theo thị hiếu tầm thường, trong khi không ít bài báo vô tình lại xâm phạm đến đời tư cá nhân, trái với quy định pháp luật và truyền thống văn hóa dân tộc…
 
“Chúng ta có nhiều tờ báo, nhà báo, nhưng chất lượng thông tin chưa tương xứng, còn chồng chéo về tôn chỉ, mục đích, nội dung, đối tượng phục vụ, dẫn đến báo chí khai thác thông tin thiếu chọn lọc, nội dung giật gân, câu khách, khiến chất lượng giảm, vấn đề đạo đức nghề nghiệp chưa được đặt ra nghiêm túc…”, bà Hương chia sẻ.

Cùng nghiên cứu về đạo đức nghề báo tại Việt Nam hiện nay, nhà nghiên cứu Trần Ngọc Hà, công tác tại Báo Pháp luật Việt Nam đưa ra đánh giá: thời gian gần đây, thậm chí có nhiều tờ báo lấy nguồn tin từ Facebook. Những phóng viên showbiz, văn hóa và cả nội chính đều xem đây là nguồn tin của mình. Riêng giới showbiz Việt hiếm có nghệ sĩ nào không có ít nhất một tài khoản Facebook…và cứ thế, nhà báo chỉ cần một kích chuột, chụp màn hình, cắt cúp là đã cho ra một sản phẩm báo chí ăn khách.
 
“Chúng tôi có khảo sát một chuyên mục dành cho giới trẻ của một tờ báo mạng lớn. Chuyên mục này có mục ishare có số lượng tin – bài sử dụng lại từ nguồn tin Facebook nhiều nhất…Thậm chí có bài, người viết phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tin này, không kiểm chứng, vội vàng khẳng định hàng loạt tên tuổi trong làng giải trí Việt. Hệ quả, nhiều bạn đọc được một phen “té ngửa” khi chỉ vài ngày sau xuất hiện bài đính chính thực chất những thông tin đó chỉ là giả mạo người nổi tiếng!?”, nhà nghiên cứu này đặt vấn đề.
 
Ngoài đạo đức nghề báo, nhiều nghiên cứu cũng cho rằng, nhiều cơ quan báo hiện nay tỏ ra “thoáng” trong dẫn lại các nguồn tin chưa đủ kiểm chứng, thông tin bịa đặt, sai sự thật, dẫn đến những hiểu lầm, sai lầm khi định hướng dư luận xã hội. Trong khi đó, không ít tin – bài đã tác động xấu đến danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân.
 
Nhà báo Nguyễn Văn Phúc Cường (Hội Nhà báo tỉnh Tiền Giang) dẫn lại một số trường hợp cụ thể mà ông theo dõi: “Một bài học lớn nhất và khó quên nhất đã xảy ra tại Tiền Giang cách đây chưa lâu bởi một phóng viên thường trú đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, là vụ “Cha chồng dính chặt nàng dâu” đã gây xôn xao dư luận trong cả nước, khiến nhiều người bất bình. Khi thông tin ban đầu được đưa lên báo mạng thì ngay lập tức các báo khác đã dựa trên thông tin này để tiếp tục tưởng tượng, vẽ vời thêm các “tình huống lạ”. Sau đó, nội dung nguồn tin từ một chuyện phiếm của một người có chức sắc trong ngành y tiếp tục được nhào nặn thành tin nóng, được các báo nhanh chóng thông tin trên cả nước. Hệ lụy của thông tin bịa đặt này, ai cũng vỡ lẽ sau đó, nhưng trở thành vết thương khá sâu trong làng báo”.
Tiến sĩ Trương Thị Kiên (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đưa ra góc nhìn: trong guồng quay của kỷ nguyên số, không thể ngăn cản báo chí khai thác thông tin từ mạng xã hội. Nhưng phải vừa tận dụng được các nguồn tin này, vừa phải tránh tình trạng xâm phạm đời tư cá nhân, tình trạng copy – paste thông tin, tình trạng đưa tin lá cải, thông tin chưa kiểm chứng,…Đó là những thách thức không nhỏ đối với nền báo chí Việt Nam hiện nay.
 
 
Đổi mới - Yêu cầu cấp thiết
 
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM) từng là cây bút phóng sự kỳ cựu của Báo Tuổi Trẻ, Lao Động, nay tham gia công tác giảng dạy về báo chí đưa ra gợi ý: chẳng hạn với báo điện tử, xu hướng phát triển đa phương tiện đang là một tất yếu, nhà báo tác nghiệp trong lĩnh vực báo điện tử cũng cần trang bị thêm kiến thức về báo in, phát thanh, truyền hình, ảnh báo chí và các phần mềm hỗ trợ biên tập.
 
Cùng cho rằng nhu cầu đổi mới là cấp thiết, Nhà báo La Thị Hoàn, Báo Điện tử Vietnamnet cho rằng: xu hướng hiện nay là phải cấu trúc lại mô hình tòa soạn từ truyền thống sang mô hình hội tụ, vốn đang thịnh hành tại nhiều nước phát triển. Mô hình này đòi hỏi phải thực hiện một loạt các cách tân táo bạo: từ thay đổi lại tư duy làm báo, cấu trúc lại văn phong tòa soạn, đầu tư trang thiết bị, máy móc đến thay đổi cách đưa tin, đào tạo lại đội ngũ phóng viên…”.
 
Theo bà Hoàn, hiện nay xu thế cấu trúc tại tòa soạn đang được một số tờ báo, như Tuổi trẻ, VnExpress, hay Vietnamnet thử nghiệm, nhưng chưa thật hoàn thiện.
 
Theo PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam), nhiều chuyên gia quốc tế đã chỉ ra xu hướng truyền thông mới, báo mạng điện tử sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới, trong khi báo in tại Việt Nam sẽ suy giảm đáng kể, và không chỉ riêng tại Việt Nam mà xu hướng này đang diễn ra trên thế giới. Theo bà Hằng, mặc dù chưa có con số chính xác để khẳng định nhận định nêu trên, nhưng rõ ràng không mấy ai trong giới trẻ hiện nay tiêu thụ sản phẩm truyền thông truyền thống, có nghĩa là mua báo in để đọc, hoặc ngồi trước TV để xem truyền hình. “Họ tìm tất cả những thứ đó trên máy tính bảng, điện thoại di động hoặc máy tính xách tay. Họ cũng đọc nhiều thông tin từ mạng xã hội và báo mạng điện tử”, nhà nghiên cứu này chia sẻ.
 
Nghiên cứu mới đây của tổ chức “WE ARE SOCIAL” đưa ra các con số “biết nói”: 1/3 dân số Việt Nam sử dụng internet (hơn 30 triệu dân), trong đó có 95% người sử dụng internet của Việt Nam vào thăm dò các trang thông tin; hơn 8,5 triệu người sử dụng mạng xã hội và 127 triệu đăng ký thuê bao ĐTDĐ. Chắc chắn con số trên còn tăng lên đáng kể theo thời gian. Thực tế trên đặt ra yêu cầu đổi mới thiết thực cả về nội dung và hình thức hoạt động dù phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Đổi mới từ nhà trường đến tòa soạn
 
Theo thạc sĩ Nguyễn Sơn Minh, giảng viên khoa Báo chí và Truyền thông (ĐH Quốc gia Hà Nội), trên thế giới hiện áp dụng khá phổ biến các sơ đồ tư duy trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Lĩnh vực truyền thông đại chúng, tại Việt Nam gần đây cũng đã nhắc nhiều đến phương pháp này.
 
Lấy báo điện tử làm ví dụ, thạc sĩ Nguyễn Minh Sơn chia sẻ: báo điện tử được phát triển trên nền tảng công nghệ World Wide Web (viết tắt là www), chứ không phải công nghệ website như nhiều người gọi tắt. Từ các dữ liệu (text, hình ảnh, âm thanh, bảng biểu, đồ thị, symbol, icon…) có thể liên kết theo chủ đề, nhân vật, địa danh,…và được hiển thị nhanh chóng theo nhu cầu tiếp nhận thông tin của người truy cập.
 
“Mỗi từ khóa thông tin đều có thể kết nối với nhau, và là công cụ phát triển ý tưởng cho nhà báo trong quá trình tiếp cận các sự kiện, xâu chuỗi mối liên hệ các chi tiết trong từng diễn biến của sự kiện. Người làm báo cũng có thể dựa trên nền tảng này để phát triển thông tin về sự kiện theo chiều rộng và chiều sâu nhằm cung cấp cho bạn đọc thông tin về sự kiện, nhân vật, hiện tượng,…một cách toàn diện và sâu sắc”, thạc sĩ Nguyễn Sơn Minh góp ý.
 
Tuy nhiên, để nhà báo tác nghiệp theo sơ đồ tư duy không hề đơn giản. Các nghiên cứu nhìn nhận: một sơ đồ tư duy được chiết xuất từ những gì bộ não con người thu thập được trước đó. Bởi vậy, không thể có một sơ đồ tư duy mạch lạc và phong phú về sự kiện nếu trước đó nhà báo không có hiểu biết cụ thể về sự kiện, nhân vật hay vấn đề. Để khắc phục hạn chế này, nhất là trong xu hướng phát triển của các loại hình báo chí đa phương tiện, sinh viên ngành báo cần được trang bị thêm kiến thức về cả báo in, phát thanh, truyền hình, ảnh báo chí đến các phần mềm hỗ trợ biên tập.
 
Ở một góc nhìn khác, Nhà báo Nguyễn Thúy Hoa (Báo Điện tử VOV) cho rằng, đổi mới về tư duy học và làm báo thông qua mạng xã hội cũng là cách mà báo chí thế giới đã áp dụng từ lâu, nhưng đối với Việt Nam, vẫn còn tương đối mới mẻ. “Truyền thông xã hội (bao gồm mạng xã hội) là nơi mà mọi người đều có thể nói chuyện với nhau. Đó là nơi diễn ra sự tương tác, chia sẻ về những chủ đề mà người ta có cùng sự quan tâm….Nếu mạng xã hội cuốn hút mọi người như vậy thì tại sao không sử dụng phương tiện đó vào việc giáo dục đào tạo nói chung, trong đó có đào tạo nghề báo !?”, nhà báo này đặt vấn đề.
 
Kết nối truyền thông và mạng xã hội
 
Theo nghiên cứu của Socialbakers & SocialTimes.Me vừa được công bố tại Hội thảo Toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam lần thứ 18 diễn ra tại TP.HCM, khảo sát đến tháng 8/2013 tại Việt Nam, đã có 19,6 triệu người dùng Facebook (chiếm 21,42% dân số) và chiếm tới 71,4% người sử dụng internet.
 
Thậm chí, nhà báo Lê Quốc Minh (Tổng biên tập Báo điện tử TTXVN – Vietnamplus) cho rằng, ngày nay việc sử dụng mạng xã hội để làm báo là điều bắt buộc, không thể không làm. Nhiều ý kiến cũng thừa nhận: Không ít nhà báo giữ các vị trí chủ chốt trong các cơ quan báo chí hiện nay đều tham gia vào mạng xã hội và sử dụng mạng như một công cụ để bàn về việc làm báo, với mục đích là cung cấp, trao đổi các thông tin về nghề nghiệp và “nhặt sạn” ở các báo để cùng rút kinh nghiệm.