Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ năm, ngày 16/05/2024

Báo giấy và báo mạng: Chung một mục đích

20/06/2014 15:09 CH

(Ảnh minh họa: Internet)

Có thể nói rằng, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, thì chất lượng cuộc sống của con người ngày càng được nâng cao, cả về vật chất lẫn tinh thần. Đó là một thực tế tất yếu, bởi vì xét cho cùng, tất cả những tiến bộ đó đều nhằm mục đích cải thiện đời sống của mọi người trên tất cả các lĩnh vực. Và việc nhu cầu tiếp cận thông tin của xã hội cũng vì thế mà đã, đang và sẽ được thay đổi một cách mạnh mẽ, cũng là điều hiển nhiên.
 
Và, khi đã nói đến việc cũng cấp, truyền tải thông tin, thì chắc chắn rằng lĩnh vực báo chí sẽ là cái tên được nhắc đến đầu tiên. Cũng như thế, nếu nói đến lĩnh vực này, thì “báo giấy” (báo được in ra bằng giấy) cũng hoàn toàn xứng đáng được đề cập đến như một “trưởng lão khả kính”. Sở dĩ như vậy, bởi vì đây chính là loại hình đầu tiên của báo chí khi nó xuất hiện. Người ta đã ghi nhận rằng, những tờ báo giấy chính thức đầu tiên trên thế giới đã có mặt vào giữa thế kỷ XVI, sau khi người ta phát minh ra máy in.
 
 
Cũng từ đó, báo giấy đã dần trở thành một “món ăn tinh thần” khó mà thiếu được trong đời sống của con người trên khắp thế giới. Hơn thế nữa, đọc báo đã trở thành một nét văn hóa rất đẹp tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
 
Tuy nhiên, vai trò thống lĩnh trong lĩnh vực báo chí của báo giấy đã có sự suy giảm đáng kể từ khi có các loại hình truyền thông khác. Đó là việc người ta phát minh ra radio truyền thanh vào đầu thế kỷ XIX và gần như ngay lập tức, một “nhân vật” mới cũng ra đời, ấy là “báo nói”. Cũng tương tự như thế là sự xuất hiện của kỹ thuật truyền hình và “báo hình”. Nhưng phải nói rằng, “cuộc cách mạng” thật sự chỉ diễn ra vào cuối thế kỷ XX với sự khai sinh của hệ thống mạng viễn thông toàn cầu internet. Đó là một bước ngoặt lớn của khoa học công nghệ cao, một trong những phát minh đáng chú ý nhất trong lịch sử nhân loại nói chung, và của lĩnh vực truyền thông nói riêng với một khái niệm mới là “báo mạng”.
Và cho đến bây giờ, thì người ta đã trở nên rất quen thuộc với loại hình báo chí này, và cũng có thể khẳng định,
báo mạng đang phát triển với một tốc độ vũ bão. Ngay từ khi ra đời, báo mạng đã tỏ rõ những ưu thế không thể chối bỏ của mình, phù hợp với nhịp sống hiện đại và mang một sắc thái hoàn toàn mới lạ, từ hình thức đến nội dung. Và quan trọng là, nó đã đáp ứng được những thay đổi mạnh mẽ trong yêu cầu tiếp cận thông tin của công chúng.
 
Bây giờ, với một nền tảng công nghệ và thiết bị hiện đại, người ta có thể truy cập vào các trang báo mạng mọi lúc, mọi nơi một cách vô cùng thuận tiện. Bạn có thể bắt gặp các chàng trai, cô gái, hay thậm chí cả những người đứng tuổi đang chăm chú xem các tin tức trên điện thoại di động hay máy tính bảng hoặc máy tính xách tay nhỏ gọn ở bất cứ đâu. Nhiều người (nhất là giới trẻ) đã hình thành thói quen lướt mạng hàng ngày, thậm chí hàng giờ để cập nhật thông tin, thay vì ra sạp báo xem và mua một vài tờ báo giấy.
 
Sở dĩ như thế, là vì báo mạng tự thân nó mang những ưu việt đặc biệt: thông tin rất nhanh, thể loại vô cùng phong phú, đa dạng. Và với nhịp sống công nghiệp hối hả trong các đô thị hiện đại, thì dường như điều này tỏ ra phù hợp, nên ngày càng chiếm được cảm tình của đông đảo bạn đọc và được chào đón nhiệt tình.
 
Và đó cũng là một xu hướng tất yếu mang tính toàn cầu. Và chính vì thế, người ta bắt đầu đề cập đến sự “cáo chung” của báo giấy trong một thời gian không xa. Chúng ta hẳn còn nhớ những “cái chết” của một số tờ báo in lừng lẫy trên thế giới trong thời gian vừa qua, mà sự đóng cửa của tờ News of the World ở Anh vào tháng 7/2011, chấm dứt 168 năm tồn tại của một tờ báo “ăn khách” nhất xứ sở sương mù là một ví dụ ấn tượng.
 
Lại nữa, có thể nhắc tiếp đến ở đây sự suy thoái của một trong những tờ báo in lớn, lâu đời và uy tín nhất nước Mỹ là “Bưu điện Washington”. Tờ báo này đã được bán lại cho tỷ phú Jeff Bezos (ông chủ của trang mạng bán lẻ trực tuyến sừng sỏ Amazon.com) vào tháng 8/2013. Chính tỷ phú này sau đó cũng đã đưa ra tuyên bố với thông điệp có thể chẳng bao lâu nữa, “Bưu điện Washington” sẽ không còn ra phiên bản báo giấy. Chưa hết, Bezos còn ví von rằng có thể báo giấy sẽ không “chết hẳn”, nhưng sẽ là một thứ gì đó “xa xỉ, lạ lùng” trong tương lai, như kiểu bây giờ bạn bắt gặp ai đó đi ngựa trong thành phố chẳng hạn! Cùng ý tưởng này, ông Francis Gurry-Tổng giám đốc Tổ chức  sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cũng từng nhận xét rằng thời đại của báo giấy có thể sẽ kết thúc vào năm 2040.
 
Những nhận định được cho là có phần cực đoan trên, ở một khía cạnh nào đó, cũng cho thấy những khó khăn vô cùng lớn để có thể tồn tại của báo giấy trong kỷ nguyên “kỹ thuật số” hiện nay.
 
Thế nhưng, cho đến bây giờ, báo giấy vẫn đang hiện diện trong đời sống như một minh chứng cho sức sống của một giá trị văn hóa. Còn rất nhiều người vẫn giữ cho mình thói quen cầm một tờ báo mới in và thưởng thức thông tin, cũng như những cảm giác riêng có rất đặc biệt mà báo mạng không thể có. Đó là cái cảm giác được “sống chậm”, được nghiền ngẫm và suy tưởng để nhìn chính mình rõ hơn. Thêm vào đó, trước những thông tin ào ạt và nhiều khi thiếu chọn lọc, cũng như độ chính xác (một mặt trái của ưu điểm “nhanh”) trên những trang báo mạng, thì một tờ báo giấy có uy tín sẽ là lựa chọn của những người đọc thông thái.
 
Và thực tế cũng cho thấy, rõ ràng đang có sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa báo giấy và báo mạng, mà nhiều người vẫn gọi là “cuộc chiến”, nhưng có lẽ nên gọi là “cuộc đua” thì đúng hơn. Với những thế riêng có của mình, cả 2 loại hình báo chí này đều đem đến cho độc giả những lựa chọn phù hợp. Tất cả đều đang hướng về một cái đích là phục vụ bạn đọc một cách hoàn hảo và văn minh nhất có thể. Vấn đề cơ bản ở đây là dù có đi theo đường nào, thì cũng phải liên tục đổi mới từ tư duy đến hành động, đáp ứng những nhu cầu thông tin ngày càng cao và khắt khe hơn. Đó cũng là trách nhiệm xã hội của những người làm báo, và để làm được điều này, thì tâm huyết, tài năng và tri thức, cùng một nền tảng văn hóa vững chắc là những gì không thể thiếu!