Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ hai, ngày 29/04/2024

Cho những mùa vàng bội thu!

19/06/2014 11:59 SA

Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia nhận xét, đánh giá về Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VIII tại buổi họp báo.

Một mùa giải bội thu

Giải báo chí Quốc gia lần thứ VIII thu hút 1.665 tác phẩm của các tác giả ở các cơ quan báo chí trong nước dự thi. Đây là năm có số lượng tác phẩm dự thi cao nhất kể từ mùa Giải đầu tiên (năm 2006) đến nay. Số lượng đơn vị báo chí tham dự Giải và số lượng tác phẩm của cộng tác viên đều tăng. Số lượng giải A đạt được năm nay cũng cao nhất từ trước đến nay. Lần đầu tiên, Hội đồng Giải BCQG xác định được 8 tác phẩm xuất sắc trong 11 loại giải để trao giải A. Trước đây, số lượng cao nhất cũng chỉ dừng lại ở con số 3-4. Đây là những tác phẩm xuất sắc nhất xét về vấn đề, chủ đề, nội dung phản ánh, kỹ thuật trình bày. Đó là những tác phẩm viết về chính trị, kinh tế, chủ quyền biển đảo, những vấn đề lớn và nóng, có cách trình bày súc tích, hấp dẫn và có sức thuyết phục. Kết quả tổng thể của giải phản ánh tương đối xác thực tình hình báo chí năm 2013. Theo đó, các cơ quan báo chí, các nhà báo đã nỗ lực hết mình, đi, tìm tòi, phát hiện, phản ánh mọi khía cạnh của cuộc sống, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tập trung vào tuyên truyền, cổ cũ thực hiện chủ trương và đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, phanh phui và phê phán các hiện tượng tiêu cực, chống tham nhũng, chống các luận điệu sai trái thù địch, thực hiện chức năng phản biện xã hội, là diễn đàn của nhân dân. Nhiều tác phẩm dự Giải có tính phát hiện vấn đề, có tầm ảnh hưởng xã hội và được thể hiện một cách chuyên nghiệp, hấp dẫn, thu hút bạn đọc. Về cơ bản, đội ngũ báo chí đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần vào thành công chung trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

GBCQG năm nay có nhiều nét mới, trong đó đáng chú ý là sự hiện diện của nhiều tác phẩm viết về gương người tốt, việc tốt, điển hình, tiên tiến, những anh hùng theo đúng nghĩa trong lao động, sản xuất và cuộc sống. Nổi bật là những tác phẩm như Chương trình “Thư xuân gửi biển đảo” (báo Sài Gòn Giải phóng), “Lô Phú Bảo - Chiếc cầu Trường Sa” (Đài PTTH Ninh Thuận); “Bùi Như Nỉ - Chàng sinh viên mê năng lượng mặt trời” (Báo Tuổi Trẻ;) “Alăng Bhuốt- Chân dung một anh hùng” (Trung tâm Truyền hình Quân khu 5); “Ông hai Chung” (Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ); “Chuyện của tôi” (Đài PTTH Hà Tĩnh). Tác phẩm “Người ngoài Đảng xin thành lập Chi bộ” (báo Hải Dương) cũng là phát hiện độc đáo…

Giải năm nay ghi nhận một hiện tượng tích cực, thể hiện tính đa dạng, đa phương tiện và hiệu quả của một cơ quan báo chí. Đó là Đài Tiếng nói Việt Nam. Liên Chi hội của Đài đã gửi tác phẩm dự thi cả 4 loại hình báo chí và đạt kỷ lục về số lượng tác phẩm lọt vào vòng chung khảo: 15 tác phẩm, chưa kể 2 tác phẩm khác của Cơ quan đại diện khu vực, đứng tên Hội Nhà báo tỉnh. Đơn vị này đã giành được 2 giải A (báo nói), 2 giải B (báo in, báo điện tử), 2 giải C (báo nói, báo điện tử) và 1 giải Khuyến khích (báo nói). Một tác phẩm khác của Đài ở khu vực đoạt giải B. Đây là thành tích cao rất đáng trân trọng. Các đơn vị thông tin chủ lực, các cơ quan báo chí lớn tiếp tục khẳng định “vị thế Trung ương” do lĩnh vực hoạt động được phân công và năng lực chuyên môn truyền thống. Đó là Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, các cơ quan báo chí của các bộ, ngành như Công an, Đoàn Thanh niên, Mặt trận v.v... Trong giải năm nay, báo Nhân Dân và Đài Truyền hình Việt Nam, mỗi đơn vị đoạt 2 giải A và một số giải B, C. Thông tấn xã năm nay là đơn vị cũng có nhiều tác phẩm vào chung khảo, có chất lượng đồng đều.

Các cơ quan báo chí địa phương cũng tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, đã có những đơn vị liên tục giành được giải cao như Bình Thuận, Nghệ An, Đồng Nai, báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ…, xóa đi tâm lý tự ti, cho rằng các cơ quan báo chí lớn có nhiều ưu thế, thường chiếm hết giải thưởng. Trong hai giải gần đây, báo chí địa phương tỏ ra “ngang ngửa” với báo chí Trung ương về nhiều phương diện, chất lượng được nâng cao. Theo số liệu thống kê của Ban Thư ký giải năm nay, có tới 33 trong 58 hội địa phương dự thi có từ 1 đến 4 tác phẩm lọt vào chung khảo. Trong 8 giải A thì HNB Nghệ An và báo Thanh Niên, mỗi đơn vị giành 1 giải. Đài Truyền hình Bình Thuận năm ngoái được giải A, năm nay tiếp tục giành giải B. Trong tổng số 27 giải B thì 11 giải thuộc về HNB tỉnh, thành phố, số còn lại thuộc về các báo ngành, đoàn thể. Trong 41 giải C, đa phần thuộc về các báo ngành, các HNB địa phương.

Hoàn thiện để giữ thương hiệu

Mùa giải năm nay được đánh giá là một mùa giải bội thu ngoài mong đợi với 8 giải A cho những tác phẩm xuất sắc, những ngòi bút xuất sắc. Tuy nhiên, giống như những năm trước, Hội đồng vẫn chờ đợi, mong muốn có những tác phẩm xuất sắc hơn nữa, có tính phát hiện sắc sảo hơn, sâu sắc hơn trong lý giải và mới mẻ hơn trong cách thể hiện. Hội đồng GBCQG cũng đã nhận thấy những bất cập, yếu kém cần khắc phục, từ khâu hướng dẫn dự thi của Hội đồng Giải đến khâu tuyển chọn từ cơ sở và khâu chấm cuối cùng, để nâng cao chất lượng giải. Hướng dẫn của Thường trực Hội đồng giải cần cụ thể hơn, rõ ràng hơn. Về phía mình, các cấp hội phải thực hiện đúng hướng dẫn để không bỏ lọt, sót những tác phẩm hay, phân loại chính xác tác phẩm gửi dự thi. Một vấn đề khác, là các cấp hội không quan tâm đến thể loại tin, chỉ chọn bài dài, có khi ghép 6 - 10 tác phẩm đăng rải rác thành chùm. Một số báo điện tử thì ỷ vào lợi thế của phương tiện, không hạn chế về số trang, chọn những tác phẩm dài 20 - 30 trang. Khâu chấm sơ khảo ở Trung ương cũng yêu cầu cần được cải tiến, theo hướng tăng cường chất lượng, chọn những thành viên giỏi, sâu về chuyên môn. Hội đồng sơ khảo đã và đang được cải tiến, nhưng có một thực tế khó khăn, bất cập khó tránh là số lượng tác phẩm dự thi rất nhiều, lên tới 400 tác phẩm báo in, 100 tác phẩm báo hình/ một tiểu ban.

Ảnh báo chí vẫn là khâu yếu kém nhiều năm nay, liên tục không có giải A, thậm chí có năm không có cả đến giải B. Có lẽ đây là hậu quả của quan điểm dùng ảnh làm minh họa cho bài viết, chứ không làm tác phẩm báo chí riêng rẽ. Mấy năm nay mảng tin quốc tế cũng rất hiếm trong tác phẩm được tuyển chọn dự thi, do vậy không có giải. Thể loại bình luận, xã luận cũng có rất ít tác phẩm hay. Chất lượng các tác phẩm phát thanh của Đài địa phương chưa cao.

Giải báo chí Quốc gia đã trở thành thương hiệu, được mong đợi hàng năm vào dịp kỷ niệm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam. Hội Nhà báo đã hoàn thành quá trình xây dựng và chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng GBCQG để Giải có chất lượng hơn, uy tín hơn, để tôn vinh đúng, đủ những tác giả, tác phẩm báo chí thực sự xuất sắc, có hiệu quả xã hội cao.