Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Chủ nhật, ngày 05/05/2024

Báo điện tử sẽ khó tồn tại nếu chậm tiếp cận độc giả di động

14/05/2014 14:47 CH

Ngày càng nhiều phóng viên các báo điện tử tại Việt Nam tác nghiệp qua Mobile

Tại hội thảo “Smartphone với truyền thông hiện đại” do Thông tấn xã Việt Nam cùng Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 14/5 tại Hà Nội, ông Bae Myung Bok, Ban Bình luận thời sự nhật báo Chungang (Hàn Quốc) cho hay: Ngành truyền thông và báo chí, truyền hình, Internet đang chịu những ảnh hưởng mang tính cách mạng đến từ các phương tiện di động. Trong đó, sự phát triển của smartphone đã đẩy phương tiện truyền thống như báo giấy vào khủng hoảng nghiêm trọng.
 
Tại Hàn Quốc, số người đọc trên báo mạng tăng nhanh, kể cả giới trẻ và dân văn phòng từ 40-50 tuổi, nhất là từ năm 2009 khi smartphone trở nên phổ biến.
 
“Các toà báo tại Hàn Quốc đang bị đánh một cú rất mạnh bởi nguy cơ nếu việc sản xuất, phân phối nội dung tin tức, cơ cấu lợi nhuận… không được thay đổi quyết liệt trong thời đại “người di động” thì khả năng tồn tại rất khó khăn”, ông Bae Myung Bok bày tỏ.
 
Đồng quan điểm, bà Kwon Tae Sun, Tổng Biên tập báo điện tử Huffington Post Korea (HPK) cho rằng, tại Hàn Quốc, trung bình số người xem tin tức bằng smartphone chiếm 40%, số người xem bằng máy tính là 60%, tuy nhiên xu hướng chuyển dịch sang mobile ngày càng tăng. Trong đó, riêng với HPK, tỷ lệ đọc qua mobile là 70%.
 
Bà Kwon Tae Sun chia sẻ, trước xu hướng này, các tin bài của HPK đang ngày càng được tối ưu hoá trên môi trường mobile. Ngoài ra, HPK cũng “để ý” tới đối tượng độc giả trẻ, dùng chính mạng xã hội để lan truyền thông tin, xây dựng cơ chế tương tác với độc giả qua Facebook, Twitter.
 
Còn tại Việt Nam, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo điện tử Vietnam Plus nhận định dân số Việt Nam hiện có hơn 91 triệu nhưng trong đó đã có tới 31 triệu người dùng Internet (đứng thứ 18 thế giới) và 19 triệu người sử dụng Internet mobile; Năm 2013, Việt Nam có khoảng 17 triệu điện thoại được bán ra. Những con số đó cho thấy tiềm năng của smartphone và đối tượng độc giả tiếp cận tin tức thông qua thiết bị di động sẽ ngày càng bùng nổ tại Việt Nam.
 
 
Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi tại hội thảo, ông Đỗ Lê Thăng, đại diện báo Dân Việt cho rằng, ở các mức độ khác nhau, hiện nhiều toà soạn báo tại Việt Nam cũng đã nhận thức được sự thay đổi và đang đi tìm cho mình một vị thế đối với bạn đọc thông qua thiết bị di động (hiện báo Dân Việt hiện cũng có lượng bạn đọc trên mobile chiếm khoảng 30% và cũng đem lại khoảng 30% doanh thu quảng cáo – PV). Ông Thăng cho rằng, với thực tế giá của thiết bị smartphone ngày càng giảm, môi trường Internet băng rộng tại Việt Nam phát triển và đối tượng độc giả qua smartphone gia tăng, đang thúc đẩy sự thay đổi nhanh chóng của các cơ quan báo chí tại Việt Nam.
 
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Duy Truyền, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam nhấn mạnh, xã hội đang chuyển dần sang giai đoạn truyền thông mobile và báo chí cũng phải chuyển biến cho phù hợp với đối tượng sử dụng, tiếp cận thông tin theo phương thức mới. Các phương tiện di động, nhất là smartphone đang trở thành công cụ phổ biến, nhất là giới trẻ. Vì thế, các cơ quan báo chí, người làm báo nếu không chú trọng vào đổi mới phương thức và nội dung cung cấp cho mobile, báo chí sẽ khó có thể tiếp cận với đối tượng độc giả hiện nay, nhất là độc giả trẻ.