Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ hai, ngày 29/04/2024

Phát triển thị trường trung tâm dữ liệu

24/12/2023 22:22 CH

21012024-duy39.jpg

Ảnh minh họa

Trung tâm dữ liệu là cơ sở hạ tầng vật lý (tòa nhà, hệ thống cáp, tủ lắp đặt máy...), chứa hệ thống máy tính cộng với các thiết bị phụ trợ. Trung tâm lưu trữ, trao đổi và quản lý dữ liệu của một hoặc nhiều tổ chức, cá nhân không liên quan. Hiện có hai loại trung tâm dữ liệu chính: trung tâm dữ liệu doanh nghiệp được xây dựng và sở hữu bởi một doanh nghiệp để sử dụng nội bộ và của khách hàng. Sau đó, có các trung tâm dữ liệu dịch vụ cung cấp dịch vụ lưu trữ và tính toán dữ liệu cho nhiều doanh nghiệp và người dùng.
 
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có gần 30 trung tâm dữ liệu (DC - Data Center), miền bắc chiếm hơn 46%, miền nam chiếm hơn 35% và miền trung chiếm hơn 18%. Tỷ lệ này có sự chênh lệch bởi các DC lớn tập trung chính ở các bộ, ngành khu vực phía bắc. Tính từ năm 2010 đến nay, công suất tiêu thụ điện của các DC Việt Nam đã tăng gấp ba lần. Những doanh nghiệp lớn trong nước đã ra mắt DC tiêu chuẩn quốc tế có thể kể đến là VNG, Viettel, CMC... Ngoài ra, các doanh nghiệp thuộc tập đoàn nước ngoài cũng quan tâm tới thị trường DC tại Việt Nam, như Công ty CP phân phối công nghệ Quang Dũng (thuộc Tập đoàn GREENFEED Việt Nam) và Công ty NTT Global Data Centers (thuộc Tập đoàn NTT Nhật Bản) liên doanh xây dựng DC đạt chuẩn Tier III tại TP Hồ Chí Minh.
 
Việt Nam đang được đánh giá là thị trường dễ phát triển các DC vì mục tiêu chuyển đổi số của đất nước và nhu cầu về lưu trữ và xử lý dữ liệu ở cả trong và ngoài nước đang tăng lên đáng kể. Theo cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hoạt động của DC được coi là cung cấp “dịch vụ xử lý dữ liệu (CPC 843)” và “dịch vụ cơ sở dữ liệu (CPC 844)”. Các dịch vụ này được phân loại là “máy tính và các dịch vụ liên quan” được hoàn toàn mở cửa cho đầu tư nước ngoài.
 
Dịch vụ trung tâm dữ liệu DC bao gồm dịch vụ công nghệ thông tin, phần mềm hoặc dịch vụ liên quan đến máy tính. Các dịch vụ này được cung cấp tới người dùng thông qua mạng viễn thông (chủ yếu là internet). Hoạt động của DC không được phân loại là dịch vụ viễn thông theo Luật Viễn thông. Nghĩa là, một công ty cung cấp dịch vụ DC không bắt buộc phải có giấy phép viễn thông để vận hành trung tâm dữ liệu. Đây là một yếu tố quan trọng đối với những doanh nghiệp muốn đầu tư vào DC vì giấy phép viễn thông có thể bị hạn chế. Hơn nữa, pháp luật Việt Nam không áp đặt các hạn chế cụ thể đối với việc đầu tư vào DC. Việt Nam cũng chưa áp đặt điều kiện gia nhập thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu.
 
Nhà cung cấp dịch vụ DC sẽ chỉ cần giấy phép viễn thông nếu hoạt động của trung tâm dữ liệu liên quan đến việc cung cấp dịch vụ viễn thông cho khách hàng. Trong mối liên hệ này, các đặc điểm công nghệ khác nhau liên quan đến cách thức vận hành các dịch vụ, chẳng hạn như phương thức truyền dẫn, phạm vi liên lạc, hình thức thanh toán dịch vụ... sẽ có liên quan trong việc đánh giá xem có bất kỳ hình thức dịch vụ viễn thông nào có liên quan hay không. Bởi vì có thể có những dịch vụ mà trung tâm dữ liệu cung cấp, có thể được coi là dịch vụ viễn thông và do luật pháp không quy định chi tiết về bất kỳ dịch vụ viễn thông cụ thể nào mà trung tâm dữ liệu có thể cung cấp, nên theo thông lệ, trong quá trình cấp phép, phải tham khảo ý kiến của cơ quan có thẩm quyền một cách chi tiết, hợp lý về hoạt động kinh doanh dự định của DC và tìm hiểu các hoạt động đó có cần giấy phép viễn thông hay không.
 
Hiện tại, ngoài những tiêu chuẩn kỹ thuật như xây dựng, yêu cầu về hạ tầng, chống sét, phòng, chống cháy nổ... vấn đề mà các doanh nghiệp đầu tư vào DC rất quan tâm là Luật An ninh mạng, giấy phép cho thuê không gian lưu trữ (rack - tủ lắp đặt các máy chủ) và cách tính phí điện năng tiêu thụ...
 
Về Luật An ninh mạng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ liên quan đến mạng viễn thông, internet, dịch vụ giá trị gia tăng trên không gian mạng của Việt Nam và thu thập, phân tích hoặc xử lý thông tin và dữ liệu riêng tư, dữ liệu liên quan đến mối quan hệ của người dùng hoặc dữ liệu được tạo ra bởi người dùng ở Việt Nam, phải lưu trữ thông tin, dữ liệu đó ở Việt Nam trong một khoảng thời gian cụ thể. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu phải tuân thủ Luật An ninh mạng vì hoạt động của doanh nghiệp đó liên quan đến việc thu thập và lưu trữ thông tin/dữ liệu riêng tư.
 
Tiếp theo, luật pháp không quy định rõ liệu một DC có được phép cho khách hàng thuê chỗ trống hay không (trong trường hợp khách muốn thuê chỗ để đặt máy chủ của riêng họ). Đây sẽ là một vấn đề cần giải quyết nếu việc thuê không gian lưu trữ được cung cấp như một dịch vụ độc lập và được tính phí riêng. Tuy nhiên, DC có thể cấu trúc việc cho thuê không gian lưu trữ như một hình thức sử dụng mặt bằng trong trung tâm dữ liệu để khách hàng sử dụng làm không gian vận hành.
 
Hoạt động của trung tâm dữ liệu tiêu thụ lượng điện đáng kể để chạy máy chủ và làm mát... Nếu có việc tính phí sử dụng điện riêng cho khách hàng thì về lý thuyết, doanh nghiệp phải được cấp phép “bán lại” điện trên cơ sở bán lẻ. Do điện là mặt hàng thiết yếu và thuộc sự quản lý độc quyền của Nhà nước nên quyền “bán lẻ” điện chỉ được trao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Khó có khả năng cơ quan chức năng sẽ cấp cho một doanh nghiệp kinh doanh DC quyền “bán lẻ” điện. Ngoài ra, có thể cơ cấu chi phí điện như một thành phần của phí dịch vụ đối với các dịch vụ trung tâm dữ liệu cung cấp cho khách hàng. Nghĩa là, khách hàng sẽ không bị tính phí riêng cho lượng điện năng tiêu thụ.
 
Cuối cùng, trong dự thảo về Luật Viễn thông có một số dịch vụ mới, bao gồm cả dịch vụ DC, được đề xuất đưa vào luật. Nếu vậy, yêu cầu cấp phép có thể thay đổi. Dự thảo mới sẽ thay đổi khuôn khổ hiện hành đối với hoạt động kinh doanh DC, như hình thức đầu tư, tỷ lệ vốn nước ngoài, giấy phép viễn thông... Và việc phát triển trung tâm dữ liệu đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục điều chỉnh khung pháp lý rõ ràng và thuận lợi cho các nhà đầu tư, chứ không phải chỉ dành cho hoạt động kinh doanh DC mà còn các lĩnh vực liên quan khác như bất động sản, tiêu thụ điện, an ninh mạng, thông tin dữ liệu cá nhân... Việc đưa hoạt động kinh doanh trung tâm dữ liệu vào phạm vi quy định của Luật Viễn thông sẽ tạo ra thêm nhiều vấn đề phải giải quyết nếu muốn phát triển thị trường DC.
 
Tiệp Nguyễn (Nguồn nhandan.vn)