Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ ba, ngày 07/05/2024

Ý kiến chuyên gia về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi): Cần quy định rõ phạm vi điều chỉnh dịch vụ không phải là dịch vụ viễn thông

12/12/2023 21:40 CH

21012024-duy38.jpg

Ảnh minh họa

Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) cùng các doanh nghiệp, hiệp hội và các chuyên gia, nhà khoa học. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Phương Tuấn điều hành Hội thảo.
 
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Thắng - Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) nhấn mạnh: Luật Viễn thông được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2010, có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế nói chung và ngành viễn thông nói riêng, đánh dấu bước phát triển mới của pháp luật về viễn thông ở nước ta, đặc biệt là trước xu thế toàn cầu hóa. Sau hơn 12 năm áp dụng, Luật Viễn thông và các văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia thị trường.
 
Mạng lưới cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông hiện đại, chất lượng dịch vụ viễn thông được hoàn thiện và nâng cao, phát triển thị trường viễn thông đa dạng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
 
Ông Nguyễn Hồng Thắng, cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Viễn thông đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp cần được điều chỉnh để giải quyết các vấn đề vướng mắc trong công tác thực thi cũng như đáp ứng xu thế phát triển mới. Qua quá trình tổng kết, rà soát đã xác định các vấn đề vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn quản lý viễn thông và đã hoàn thiện trong dự thảo Luật, bao gồm:
 
Thứ nhất: Khắc phục bất cập về hình thức cấp giấy phép, điều kiện cấp phép theo hướng phân loại giấy phép, hình thức cấp phép và các điều kiện phù hợp với yêu cầu quản lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Khuyến khích việc gia nhập thị trường đối với một số dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng, đảm bảo quy định cấp phép chặt đối với các trường hợp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng, sử dụng tài nguyên viễn thông và mạng vệ tinh để bảo đảm an toàn, an ninh.
 
Thứ hai: Hoàn thiện quy định sử dụng tài khoản SIM thuê bao di động để thực hiện thanh toán cho các dịch vụ viễn thông và các dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động hợp pháp trên cơ sở nâng cấp các quy định hiện hành lên Luật và giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định chi tiết.
 
Thứ ba: Tạo thuận lợi cho việc xây dựng, lắp đặt hạ tầng viễn thông trên đất công, trụ sở công, công trình công: dự thảo Luật thể chế hóa Nghị quyết 52-NQ/TW xác định hạ tầng viễn thông là cơ sở hạ tầng thiết yếu nên cần được tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng, lắp đặt trước hết là trên các khu vực đất công, trụ sở công, công trình công.
 
Thứ tư: Bổ sung quy định trách nhiệm của UBND các cấp giải quyết, xử lý các hành vi cản trở việc xây dựng hợp pháp cơ sở hạ tầng viễn thông.
 
Thứ năm: Bổ sung đối tượng của hoạt động chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông bao gồm thêm các đơn vị thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh bên cạnh đối tượng đã có là các doanh nghiệp viễn thông.
 
Thứ sáu: Hoàn thiện quy định tăng cường sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông để đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
 
Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia tập trung cho ý kiến về việc mở rộng phạm vi áp dụng, điều chỉnh của Luật, quản lý các dịch vụ OTT, dịch vụ điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu, dịch vụ vệ tinh…
Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) mở rộng phạm vi áp dụng để điều chỉnh cả các dịch vụ không phải là dịch vụ viễn thông như các dịch vụ hội thoại, tin nhắn, hội họp trên các nền tảng Internet, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ trung tâm dữ liệu.

Đóng góp ý kiến về nội dung trên, TS. Trần Đức Lai - Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam nêu quan điểm: Cần quy định rõ phạm vi điều chỉnh dịch vụ không phải là dịch vụ viễn thông như dịch vụ trên nền tảng Internet (OTT), dịch vụ điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu, dịch vụ vệ tinh… Ngoài ra, cơ quan quản lý Nhà nước cần có cách thức quản lý đối với một số dịch vụ mới và quy định rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp, khách hàng như thế nào.
 
Đề cập về vấn đề trên, ông Phùng Văn Ổn - Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam cho rằng, thực tế đã cho thấy, dịch vụ hội thoại, tin nhắn, hội họp trên các nền tảng Internet, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ trung tâm dữ liệu đã giúp cho người dân rất nhiều trong việc trao đổi thông tin mà không phải trả phí. Vì vậy, cơ quan soạn thảo dự án Luật nên xem xét không nên đưa dịch vụ không phải là dịch vụ viễn thông vào trong phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) và đưa ra các biện pháp quản lý quá chặt chẽ.
 
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia còn cho ý kiến về Quỹ viễn thông công ích; chia sẻ hạ tầng viễn thông…
 
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn đánh giá cao những đóng góp của các đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, hiệp hội và các chuyên gia vào dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) trong Hội thảo. Nhiều ý kiến đã được đề cập đến phạm vi điều chỉnh của dự án Luật và Quỹ viễn thông công ích được coi là cần thiết nhưng cần điều chỉnh về cách thức thực hiện. Đối với việc chi tiền cho các đối tượng hộ nghèo và phục vụ quốc phòng an ninh, cần điều chỉnh văn bản luật để thực hiện. Ngoài ra, một số ý kiến khác đã đưa ra quan điểm về chia sẻ hạ tầng viễn thông.
 
Để dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) đạt hiệu quả, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết, Ủy ban sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến đóng góp ý kiến vào các nội dung chuyên sâu trong quá trình hoàn thiện dự án Luật.

Phạm Anh (dientuungdung.vn)