Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ bảy, ngày 04/05/2024

Làm rõ tồn tại, giải pháp đối với Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích

21/01/2024 18:24 CH

21012024-duy13.jpg

Ảnh minh họa

Theo Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận để hỗ trợ thực hiện chính sách của Nhà nước về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích.
 
Quỹ được hình thành từ các nguồn: đóng góp theo tỷ lệ doanh thu dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông; viện trợ, tài trợ, đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài; các nguồn hợp pháp khác.
 
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, nhiều đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam. Để tiếp tục lấy ý kiến cho việc hoàn thiện Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng với Chính phủ tiếp tục lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, chuyên gia, nhà khoa học đối với Quỹ này.
 
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị các đại biểu, chuyên gia cho ý kiến về sự cần thiết, những tồn tại và giải pháp đối với Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam. Mức trích nộp của doanh nghiệp vào Quỹ có phù hợp hay chưa, đối tượng thụ hưởng như thế nào cũng cần được lấy ý kiến.
 
Tại Hội thảo, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung đóng góp ý kiến vào sự cần thiết, tính hiệu quả của việc duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam; những nhiệm vụ, nội dung của Quỹ; trách nhiệm của các địa phương, Bộ, ngành...
 
Nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia đề nghị cần tiếp tục duy trì Quỹ song cần nghiên cứu, làm rõ tính hiệu quả của Quỹ này.
 
Đại biểu Quốc hội Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) khẳng định việc tiếp tục duy trì Quỹ là cần thiết vì nguồn Quỹ phục vụ rất hiệu quả cho phát triển dịch vụ viễn thông tại các vùng miền khó khăn.
 
Tuy nhiên, đại biểu Tráng A Dương cũng chỉ ra, đến nay, mới chỉ có 14/22 nhiệm vụ được triển khai, 8 nhiệm vụ chưa thực hiện lại nằm ở địa bàn rất khó khăn. Vì vậy, để hoạt động của Quỹ đạt hiệu quả, cần có đánh giá về những nhiệm vụ, nội dung mà Quỹ chưa thực hiện được là do nguyên nhân nào, đặc biệt là kinh phí của Quỹ để phát triển dịch vụ viễn thông, hạ tầng viễn thông ở vùng sâu, vùng xa; nội dung nào cần ưu tiên triển khai nếu tiếp tục duy trì Quỹ.
 
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Điểu Huỳnh Sang đề nghị, cần làm rõ phạm vi, lĩnh vực và đối tượng áp dụng của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam; bổ sung quy định cụ thể về địa bàn hỗ trợ, đóng góp của doanh nghiệp, mục tiêu, nhiệm vụ phổ cập, trách nhiệm của địa phương…  
 
Từ góc độ chuyên gia, ông Nghiêm Xuân Bạch khẳng định sự cần thiết của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam đối với việc phát triển dịch vụ viễn thông ở những vùng miền khó khăn cũng như góp phần giúp cho địa phương, doanh nghiệp linh hoạt hơn trong các hoạt động đầu tư về hạ tầng, các dịch vụ viễn thông.
 
Tuy nhiên, ông Bạch cho rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông cần làm rõ hơn về hoạt động của Quỹ hiệu quả đến nay ra sao, thời gian duy trì Quỹ đến khi nào.
 
Bên cạnh đó, các đại biểu còn cho ý kiến về mức thu, lộ trình đóng góp của doanh nghiệp vào Quỹ, cơ chế quản lý điều hành Quỹ...
 
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long khẳng định, trong thời gian qua, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam đã góp phần đáng kể vào phát triển hạ tầng, dịch vụ viễn thông tại các vùng miền khó khăn của cả nước. Tuy nhiên, phương thức hoạt động, tính hiệu quả của Quỹ trong thời gian tới như thế nào vẫn cần được lấy ý kiến.
 
Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ được Ban soạn thảo Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) nghiên cứu, rà soát, xem xét kỹ lưỡng trong quá trình hoàn thiện Dự án Luật.