Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ năm, ngày 02/05/2024

XEM XÉT KỸ QUY ĐỊNH VỀ QUỸ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH ĐỂ KHÔNG TẠO SỨC ÉP TỚI DOANH NGHIỆP, NGƯỜI DÂN

15/12/2023 22:40 CH

 

 

 

19012024-duy23.jpg
 
Ảnh minh họa
 
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Viễn thông, các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Hồ sơ dự án Luật đáp ứng yêu cầu theo quy định.
 
Các đại biểu cũng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung thông tin trong quá trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật; tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật để bảo đảm tính tương thích, đồng bộ, thống nhất, kể cả các dự thảo Luật khác đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.

Đối với phạm vi điều chỉnh, các đại biểu tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh để phù hợp với xu hướng phát triển của viễn thông trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và xu hướng hội tụ của viễn thông, công nghệ thông tin với công nghệ số. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thiết kế quy định trong dự thảo Luật đối với các loại hình dịch vụ mới theo hướng mở, mang tính nguyên tắc.
 
Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm lập pháp của các nước, phân tích, làm rõ, thuyết phục hơn việc mở rộng phạm vi điều chỉnh; báo cáo với Quốc hội về định hướng thiết kế hệ thống các luật liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông để phát huy tác dụng cộng hưởng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo về phạm vi điều chỉnh, nhất là đối với các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới.
 
Đại biểu Vương Quốc Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc siết chặt quản lý là cần thiết trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, xu hướng hội tụ trong lĩnh vực này ngày càng trở nên rõ ràng, các dịch vụ mới được sử dụng phổ biến, nhưng chưa được điều chỉnh đầy đủ bởi các luật hiện hành, cần phải có các chế tài quản lý để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ một cách an toàn, an ninh.

Mục tiêu quản lý là khuyến khích dịch vụ mới phát triển, khuyến khích không có nghĩa là không quản lý, mà là quản lý ở mức độ phù hợp, để vẫn tạo ra môi trường thuận lợi cho các dịch vụ này phát triển, xem xét đánh giá kỹ tác động của chính sách. Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu thêm để thể hiện rõ mức độ quản lý nào là phù hợp, đưa ra các quy định hợp lý như: quản lý như thế nào khi các dịch vụ này có tính xuyên biên giới, với hình thức nào để không ảnh hưởng đến vấn đề đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài do phải thực hiện các cam kết, vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.
 
Tại khoản 4, Điều 4 Luật Công nghệ thông tin năm 2006 quy định khái niệm “Cơ sở hạ tầng thông tin là hệ thống trang thiết bị phục vụ cho việc sản xuất, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin số, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính và cơ sở dữ liệu.” Bên cạnh đó, khoản 6 Điều 52 Luật này quy định một trong các loại hình dịch vụ công nghệ thông tin là cập nhật, tìm kiếm, lưu trữ, xử lý dữ liệu và khai thác cơ sở dữ liệu. Như vậy, Luật Công nghệ thông tin hiện hành có điều chỉnh về lưu trữ, xử lý dữ liệu trong công nghệ thông tin. Đại biểu cho rằng, cần làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Viễn thông (sửa đổi) để bảo đảm không chồng chéo, mâu thuẫn với các luật khác, gây khó hiểu, khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong việc áp dụng.
 
Cho ý kiến về Quỹ viễn thông công ích, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, cần giảm nhẹ các loại phí cho doanh nghiệp, người dân, tránh chồng chéo giữa các loại thuế phí, trùng lắp giữa mục đích chi của Quỹ với mục đích chi của ngân sách nhà nước. Nếu đã chi bằng ngân sách thì phải thông qua dự toán, phải có điều kiện kiểm soát. Nhiệm vụ phát triển viễn thông cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là cần thiết, nhưng cần đưa vào chương trình đầu tư, quy hoạch cụ thể, đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả thực hiện để tránh hình thành cơ chế xin – cho.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với quy định liên quan đến Quỹ này, đưa ra những quy định chặt chẽ nếu duy trì hoạt động của Quỹ này, đưa ra hạn mức đủ đáp ứng nhu cầu hoạt động của Quỹ này, tránh gây sức ép lớn cho người dân và doanh nghiệp.
 
Cũng quan tâm đến nội dung này, có ý kiến cho rằng, Điều 33 của dự thảo luật quy định Quỹ viễn thông công ích có trách nhiệm thực hiện chính sách của nhà nước về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích. Như vậy, đây là nhiệm vụ của nhà nước, theo quy định thì ngân sách nhà nước phải đảm bảo. Về nguồn đóng góp, dự thảo luật quy định có 3 nguồn gồm: đóng góp theo tỷ lệ trên doanh thu dịch vụ viễn thông; viện trợ, tài trợ đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân; các nguồn khác.
 
Một số đại biểu cho biết, qua khảo sát thực tế, nguồn thu của Quỹ chủ yếu là theo tỷ lệ trên doanh thu dịch vụ viễn thông, khoản thu này mang tính chất thuế, không đảm bảo hoạt động của Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Đại biểu cho rằng không nên quy định thành lập Quỹ này, mà nên chuyển vào ngân sách nhà nước để đảm bảo việc thực hiện được công khai, minh bạch.
 
Tham gia góp ý dự thảo luật, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, Điều 4 của dự thảo luật đã quy định chính sách Nhà nước về viễn thông với 7 khoản, tuy nhiên các quy định còn chưa rõ, chung chung, chưa cụ thể, đặc biệt là việc tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, thúc đẩy việc sử dụng internet, khuyến khích phát triển vùng nhân lực viễn thông đáp ứng yêu cầu khai thác, kinh doanh hiệu quả cơ sở hạ tầng viễn thông. Các nội dung cụ thể hóa chính sách này không được nêu rõ ràng, đại biểu đề nghị cần xem xét, nghiên cứu để quy định chi tiết, cụ thể hơn.
 
Cùng với đó, các đại biểu cho biết, quản lý dịch vụ OTT viễn thông là chính sách quan trọng, có tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp, đến công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số đang được đẩy mạnh. Pháp luật hiện hành chưa có quy định quản lý về dịch vụ này sẽ dẫn đến quyền lợi của người sử dụng chưa được bảo đảm. Do đó, cần phải được quản lý theo cách thức phù hợp. Các đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu chỉnh lý các quy định nêu trên để bảo đảm chặt chẽ, khả thi; cân nhắc, chỉ nên luật hóa những nội dung đã được thống nhất, đánh giá tác động kỹ lưỡng.

 

 Hồ Hương- Trọng Quỳnh (quochoi.vn)