Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ ba, ngày 07/05/2024

Nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động khi mở rộng phạm vi điều chỉnh của hoạt động viễn thông

10/01/2024 22:30 CH

 

 

19012024-duy18.jpg
 
Ảnh minh họa
 
Luật Viễn thông được ban hành lần đầu vào năm 2009. Sau 14 năm thực hiện bộ luật đã bộc lộc nhiều bất cập và cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với sự phát triển của ngành viễn thông. Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) hiện đang được Quốc hội xem xét và thảo luận tại kỳ họp thứ 5 này.
 
Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật là việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đối với các dịch vụ: (1) trung tâm dữ liệu; (2) điện toán đám mây và (3) dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT viễn thông), vào nhóm các dịch vụ viễn thông.
 
Báo cáo thẩm tra nội dung này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, một số dịch vụ hoạt động trên nền tảng viễn thông mới xuất hiện, cần phải được quản lý bằng pháp luật ở mức độ nhất định với phương thức phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, vừa tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị cân nhắc về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh và các quy định có liên quan trong dự thảo Luật đối với những nội dung mở rộng này, tránh sự trùng lặp, chồng chéo. Đồng thời, cần nghiên cứu thiết kế quy định trong dự thảo Luật đối với 03 loại dịch vụ mới nêu trên theo hướng mở, mang tính nguyên tắc để phù hợp với xu thế thay đổi của các dịch vụ mới và thể hiện quan điểm của Nhà nước về việc khuyến khích đổi mới sáng tạo đối với các dịch vụ mới này.

Bên cạnh đó, việc dự thảo Luật bổ sung các nội dung quản lý trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây và quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet vào đối tượng điều chỉnh và quản lý như dịch vụ viễn thông có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của các loại hình dịch vụ mới này. Dịch vụ OTT viễn thông được cung cấp dựa trên kết nối Internet, đồng thời có những khác biệt với dịch vụ viễn thông (không có cơ sở hạ tầng, băng tần, cung cấp dịch vụ đa dạng, phong phú,…). Việc áp dụng các nghĩa vụ của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đối với các loại hình dịch vụ này có thể sẽ làm tăng chi phí tuân thủ của các doanh nghiệp liên quan, ảnh hưởng đến những lợi ích mà dịch vụ đó có thể mang lại đối với nền kinh tế và tác động tiêu cực đến thu hút đầu tư nước ngoài vào việc phát triển các trung tâm dữ liệu hay cung cấp dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam.
 
Vì vậy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm lập pháp của các nước trên thế giới về vấn đề này, nhất là các nước trong khu vực, phân tích, làm rõ hơn, thuyết phục hơn về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; báo cáo rõ với Quốc hội về định hướng thiết kế hệ thống các luật liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông trong thời gian tới (như công nghệ thông tin, viễn thông, bưu chính, công nghiệp công nghệ số...) để phát huy tác dụng cộng hưởng, bảo đảm tính đồng bộ thống nhất, tránh chồng chéo về phạm vi điều chỉnh, nhất là đối với các loại hình dịch vụ, mô hình kinh doanh mới.

Tại phiên thảo luận tổ ngày 10/6, cho ý kiến đối với dự án Luật này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, bên cạnh việc thuyết minh rõ ràng phạm vi điều chỉnh của hoạt động viễn thông, cần phân tích rất kỹ bối cảnh xây dựng chính sách, phân tích chính sách, tác động của chính sách và lợi ích của quốc gia, của doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp của các thành phần kinh tế thuộc phạm vi áp dụng của luật này.
 
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết Luật này liên quan đến rất nhiều luật trong hệ thống pháp luật và cả các điều ước quốc tế, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên. Do đó, cần lưu ý rà soát để bảo đảm các nguyên tắc có các quy định bắt buộc để thực hiện các cam kết quốc tế; bảo đảm không có các quy định trái hoặc đi ngược với các cam kết quốc tế, nếu có thì sẽ nằm ở trường hợp ngoại lệ được phép áp dụng hoặc có lộ trình. Đồng thời dự lường những phản ứng từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp để kịp thời thông tin rõ ràng và hài hoà các khái niệm, định nghĩa trong luật.
 
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cần đưa trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet vào dự thảo Luật ở mức độ phù hợp, bảo đảm khuyến khích phát triển công nghệ viễn thông, không ảnh hưởng hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để quy định cụ thể, rõ ràng hơn về cấp độ quản lý, điều kiện quản lý các dịch vụ này. Tức là có quy định trong luật nhưng phải có độ mở và linh hoạt.

Bên cạnh đó, đại biểu Dương Bình Phú - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu thu hẹp phạm vi của Trung tâm dữ liệu chỉ trong lĩnh vực dịch vụ viễn thông, đảm bảo không trùng lặp với các hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng thông tin hay các hệ thống/nền tảng tương tự đã được quy định tại các văn bản khác như Luật Công nghệ thông tin, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Giao dịch điện tử...
 
Theo đại biểu Lưu Bá Mạc – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, trong xu thế chuyển đổi số, dữ liệu trở thành tài nguyên quan trọng nhất của nền kinh tế số, là đầu vào mới của sản xuất. Trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây sẽ trở thành cấu phần quan trọng nhất của hạ tầng số, cần được quản lý ở mức độ nhất định để bảo đảm sự phát triển bền vững.
 
 Đại biểu Lưu Bá Mạc cho rằng, dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) bổ sung quy định: Nguyên tắc thực hiện bán buôn trong viễn thông bảo đảm minh bạch, công bằng, hợp lý, không phân biệt đối xử, phù hợp với thông lệ quốc tế; Nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường phải bán buôn cho doanh nghiệp khác khi có yêu cầu nhằm thúc đẩy thị trường bán buôn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, phát triển dịch vụ, ứng dụng mới.

Dự thảo Luật đang quy định giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới và hình thức cấp phép đối với các dịch vụ viễn thông mới, trong đó có dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây để đảm bảo tính linh hoạt trên nguyên tắc quản lý bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đồng thời, vẫn đảm bảo cơ chế khuyến khích các dịch vụ mới phát triển.
 
Theo báo cáo nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế trong quản lý dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu, hầu hết các nước chưa có quy định riêng cho hai loại dịch vụ này mà chỉ quản lý các dịch vụ này theo khuôn khổ chung của các luật hiện có về truyền thông, thông tin điện tử hoặc giao dịch điện tử.
Đối với các nước đã có quy định quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây thì thường theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn kĩ thuật được xây dựng trên cơ sở tiêu chuẩn quốc tế. Các tiêu chuẩn kĩ thuật được đưa ra cũng chỉ tập trung vào khía cạnh an toàn dữ liệu của người dùng./.

 

 Trọng Quỳnh (Nguồn: quochoi.vn)