Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ bảy, ngày 04/05/2024

CẦN THIẾT BỔ SUNG QUY ĐỊNH DOANH NGHIỆP VIỄN THÔNG PHẢI CÓ NGHĨA VỤ CHIA SẺ THÔNG TIN THUÊ BAO ĐIỆN THOẠI VỚI BỘ CÔNG AN

19/01/2024 21:54 CH

 

 

19012024-duy2.jpg
 
Ảnh minh họa
 
Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) sẽ tiếp tục được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 tới. Dự án Luật do Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 gồm 10 chương, 74 điều. Một trong những nội dung quan trọng nhận được quan tâm của các Bộ ngành, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đối với dự án Luật là về chia sẻ dữ liệu số điện thoại, thông tin thuê bao di động của doanh nghiệp viễn thông với với cơ quan quản lý Nhà nước để thuận tiện trong việc quản lý thông tin của người dân. Điều này cũng góp phần  đảm bảo an ninh quốc phòng, an toàn cho người dân và quản lý sim “rác”, tin nhắn “rác”.
 
Tại cuộc họp giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội kháo XV diễn ra sáng 21/7 tại Hà Nội, đại diện Bộ Công an đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần quy định cụ thể hơn về quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp liên quan đến tình trạng tin nhắn rác, phần mềm cung cấp làm lộ thông tin cá nhân, điện thoại lừa đảo.
 
Ngoài ra, đại diện Bộ Công an cũng có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) quy định rõ trong Luật là các doanh nghiệp viễn thông phải có trách nhiệm cung cấp số điện thoại, thông tin, dữ liệu của người dân cho Bộ để dễ dàng hơn trong việc quản lý thông tin. Điều này cũng là góp phần quản lý tin nhắn “rác”, thông tin không được kiểm soát, đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân. Đặc biệt, Bộ Công an cũng đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật bổ sung quy định doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm cung cấp nhanh chóng thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông để phục vụ công tác điều tra các vụ việc.
 
Đồng thuận với quan điểm trên, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum Trần Thị Thu Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum nhấn mạnh: Trong bối cảnh công nghệ thông tin và truyền thông phát triển nhanh chóng thì các hành vi lợi dụng mạng viễn thông, Internet để lừa đảo, tấn công mạng, xâm phạm quyền riêng tư, tuyên truyền, chống phá nhà nước ngày càng phức tạp và diễn biến khó lường. Do đó, theo đại biểu Trần Thị Thu Phước cho rằng, cần thiết phải bổ sung quy định doanh nghiệp viễn thông thì có nghĩa vụ kết nối, chia sẻ thông tin thuê bao do mình quản lý với cơ sở dữ liệu quốc gia cho Bộ Công an quản lý để phục vụ công tác đảm bảo an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội vào Điều 13 của dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Việc bổ sung quy định trên cũng đóng góp vào việc thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông trong hoạt động kinh doanh. Kết nối chia sẻ thông tin thuê bao không chỉ giúp cơ quan chức năng kiểm soát được nguồn gốc và tính xác thực của thuê bao mà còn giúp doanh nghiệp viễn thông tuân thủ các quy định về quản lý thuê bao theo luật. Đồng thời, quy định này cũng khuyến khích doanh nghiệp viễn thông cải tiến công nghệ và dịch vụ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông.
 
Theo Phó Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum Trần Thị Thu Phước, cùng với quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông như trên, cũng cần bổ sung thêm các quy định cụ thể như là phạm vi và loại hình thông tin thuê bao được kết nối, chia sẻ thời gian và điều kiện để kết nối. Bên cạnh đó là sự chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi của các bên liên quan trong việc kết nối, chia sẻ thông tin thuê bao giữa doanh nghiệp viễn thông và ngành Công an, Quân đội nhằm phát triển hạ tầng số phục vụ cho mục đích đảm bảo an ninh, quốc phòng.

 

Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh về quyền và nghĩa vụ của đại lý dịch vụ viễn thông. Theo đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về quyền các dịch vụ viễn thông tại khoản 1 Điều 14 được phép kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an để phục vụ cho công tác chuẩn hóa thông tin thuê bao phù hợp với tình hình thực tế hiện nay mà Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp triển khai, giúp khắc phục tình trạng SIM rác, SIM nặc danh được sử dụng thiếu sự quản lý và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp.
 
Theo đại biểu Dương Văn Phước, việc làm trên cũng sẽ góp phần đảm bảo thuận tiện trong quản lý của các cơ quan Nhà nước đối với các thuê bao điện thoại, thống nhất trong việc kết nối, theo dõi thông tin của người sử dụng điện thoại./.