Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Chủ nhật, ngày 19/05/2024

GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ ĐỐI VỚI DỰ ÁN LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI)

09/12/2023 21:22 CH

 

19012024-duy11.jpg
 
Ảnh minh họa
 
Tham dự Phiên họp có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn; Nguyễn Thị Lệ Thủy; các thành viên của Ủy ban; đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội; Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị hữu quan.
 
Đề cập về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết: Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), có 92 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu ý kiến tại Tổ, 21 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến tại Hội trường và 01 ý kiến của ĐBQH góp ý bằng văn bản. Đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Viễn thông (sửa đổi) (sau đây viết tắt là dự thảo Luật) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật.
 
Ngay sau kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (Cơ quan chủ trì soạn thảo) và Thường trực Uỷ ban Pháp luật, các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và yêu cầu đối với dự án Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, tiếp tục tổ chức khảo sát, hội thảo, tọa đàm để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện dự thảo Luật.
 
Ngày 24/8/2023, tại Phiên họp tháng 8/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội  đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Tiếp đó, ngày 29/8/2023, Thường trực Ủy ban đã báo cáo về nội dung này tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách.
 
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 10 Chương, 73 Điều, trong đó: sửa đổi, bổ sung 53 Điều về nội dung; sửa đổi, bổ sung 06 Điều về kỹ thuật; bãi bỏ một số quy định tại 08 Điều. Hiện nay, dự thảo Luật đang được gửi xin ý kiến 63 Đoàn ĐBQH, cho đến thời điểm này, Ủy ban đã nhận được ý kiến góp ý của 23 Đoàn ĐBQH.
 
Về điều chỉnh và quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT viễn thông), dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây (Điều 1, 28 và 29), Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, dự thảo Luật điều chỉnh đối với 03 dịch vụ mới so với Luật Viễn thông năm 2009 (gồm dịch vụ OTT viễn thông, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây) là cần thiết.
 
Tại Phiên họp, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến vào các nội dung: Việc điều chỉnh và quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT viễn thông), dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây; Tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam; Kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông; Tài nguyên viễn thông...

Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng đóng góp ý kiến vào Điều 25 về dịch vụ khẩn cấp. Khoản c quy định miễn phí dịch vụ khẩn cấp cho người sử dụng. Hiện nay, các cuộc gọi này đều vì mục đích bảo đảm quốc phòng – an ninh, trật tự xã hội, quyền lợi của người dân nên họ thường sử dụng di động, không đủ thời gian để quay về nhà ở, cơ quan gọi bằng số cố định. Hiện nay, việc sử dụng di động phổ biến nên gọi bằng điện thoại bàn là rất hạn chế. Do đó, cần quy định được trừ phí gọi đến các dịch vụ khẩn cấp. Đối với Điều 63 về Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị bổ sung quy định…
 
Ông Lê Minh Mạnh- Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cơ bản nhất trí với dự thảo Luật, các ý kiến góp ý của Bộ Công an cơ bản được tiếp thu tại dự thảo Luật trình lần này.
 
Tại khoản 3, Điều 13 có thay đổi so với dự thảo Luật xin ý kiến thành viên Chính phủ. Cụ thể, điểm c quy định các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng thì được chia sẻ tài nguyên với nhau. Tuy nhiên, quy định này đã được bỏ đi tại dự thảo Luật lần này.
 
Đại diện Bộ Công an đề nghị, giữ nguyên 5 điểm trong khoản 3, Điều 13, nhất là quy định nêu trên. Vì chia sẻ hạ tầng viễn thông là cần thiết, giúp giảm chi phí đầu tư cho doanh nghiệp trong cùng một khu vực, tránh đầu tư trùng lặp, gây ô nhiễm môi trường. Trong bối cảnh tài nguyên viễn thông ngày càng quý hiếm thì chia sẻ tài nguyên viễn thông giữa các doanh nghiệp với nhau sẽ mang lại hiệu quả cao, bảo đảm tối ưu hóa, khai thác hết tiềm năng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông ở Việt Nam. Chia sẻ giữa các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sẽ tạo thuận lợi cho quản lý Nhà nước, giảm chi phí đầu tư, khai thác công nghệ, giảm chi phí xử lý khi nghẽn nội bộ, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số vô tuyến điện.
 
Cũng tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long khẳng định sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Viễn thông. Những ý kiến của các đại biểu sẽ tiếp tục được lắng nghe, tiếp thu trong quá trình hoàn thiện Luật.
 
Phát biểu kết luận Phiên họp về dự án Luật Viễn thông, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá cao những ý kiến của các đại biểu, đại diện các Bộ ngành, đơn vị hữu quan đối với dự án Luật.
 
Với những nội dung về Quỹ dịch vụ viễn thông, dịch vụ viễn thông mới, công trình viễn thông Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật tiếp tục tiếp thu ý kiến của các cơ quan trong quá trình hoàn thiện dự án Luật. Ngoài ra, cơ quan soạn thảo dự án Luật cần tiếp thu tối đa các ý kiến của các đại biểu, cơ quan đối với các nội dung khác trong dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi trình Quốc hội đóng góp ý kiến, xem xét tại kỳ họp thứ 6 tới.

Cũng trong sáng 28/9, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đã giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Chiều cùng ngày, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiến hành thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách cho khoa học công nghệ năm 2023 và dự kiến nhiệm vụ, ngân sách cho cho khoa học công nghệ năm 2024; Thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2023 và dự kiến hiệm vụ, ngân sách cho bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2024; Nghe Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo về việc xây dựng “Quy hoạch không gian biển Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

 

 Bích Lan-Trọng Quỳnh (quochoi.vn)