Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ bảy, ngày 27/04/2024

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo: Vi phạm bản quyền truyền hình ngày càng tăng mạnh và tinh vi

22/08/2017 13:45 CH
20170822-Nam-6.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo đã chủ trì hội thảo về bảo vệ bản quyền truyền hình
trên mạng Internet diễn ra tại Thanh Hóa hôm nay (18/8)
 
Ngày 18/8/2017, tại Thanh Hóa, Bộ TT&TT đã phối hợp với Hiệp hội Truyền hình Việt Nam tổ chức hội thảo bảo vệ bản quyền nội dung truyền hình trên mạng Internet tại Việt Nam – Quyết tâm và Giải pháp. Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì hội thảo.
 
Tham dự hội thảo có đại diện các đài PT-TH trong nước, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, đại diện nhóm các chủ sở hữu bản quyền tại Việt Nam (VCA), đại diện các tổ hợp truyền thông quảng cáo.
 
Các tham luận tại hội thảo đã trao đổi về thực trạng vi phạm bản quyền điển hình, vấn đề bản quyền trên môi trường số, vấn đề hợp tác xây dựng hệ sinh thái nội dung truyền hình trên mạng Internet Việt Nam và nền tảng Smart Media Platform, vai  trò của ngành công nghiệp quảng cáo với việc xây dựng hệ sinh thái nội dung số, vài trò của Hiệp hội Truyền hình trả tiền trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên, phòng ngừa vi phạm bản quyền truyền hình.
 
Trong khuôn khổ hội thảo cũng diễn ra lễ ký kết phối hợp công tác giữa Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử và Hiệp hội Truyền hình trả tiền.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, sự phát triển của các loại hình dịch vụ Internet, tình trạng vi phạm bản quyền truyền hình diễn ra trên diện rộng, ngày càng gia tăng với nhiều phương thức tinh vi, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động và doanh thu của các Đài PT-TH, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền.
 
Khoảng 3 năm trở lại đây, dịch vụ truyền hình trả tiền có sự cạnh tranh khốc liệt khiến các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình phải đua nhau giảm giá thuê bao để cạnh tranh. Doanh thu bình quân trên một thuê bao của truyền hình trả tiền đang ở mức thấp nhất trong khu vực, nhưng việc phát triển thuê bao của các doanh nghiệp rất khó khăn do bị cạnh tranh bởi các loại hình dịch vụ mới như truyền hình OTT lậu, nạn ăn cắp bản quyền nội dung trên các dịch vụ OTT diễn ra khá phổ biến.
 
Sự phát triển của các nền tảng hạ tầng thông tin công cộng xuyên biên giới với ưu thế về số lượng người dùng, nội dung thông tin, doanh thu quảng cáo cũng đang đặt ra những thách thức lớn cho các đài PT-TH và các doanh nghiệp dịch vụ trong nước, là vấn đề sống còn đối với tương lai của ngành nội dung số Việt Nam. Do vậy vấn đề bản quyền nội dung truyền hình trên mạng Internet tại Việt Nam là yếu tố quan trọng để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động cung cấp nội dung truyền hình trả tiền, thúc đẩy việc tăng doanh thu bình quân/thuê bao, tạo điều kiện cho ngành nội dung số Việt Nam phát triển.
 
Theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, bảo vệ bản quyền phải đạt được 2 mục tiêu: Bản quyền chủ sở hữu được tôn trọng và được sử dụng hợp pháp. Có bản quyền nội dung, nhưng việc cung cấp nội dung có bản quyền phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.
 
Ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng giám đốc VTV cho biết, hội thảo này đã được giới làm nội dung truyền hình mong đợi bấy lâu nay. Hội thảo tập trung bàn vào hai điểm chính là bản quyền truyền hình và bản quyền trên Internet, điều này chứng tỏ Bộ TT&TT quyết tâm đi vào từng mảng một, làm tới đâu chắc tới đó.
Theo ông Lương, VTV nhận thức rõ về vấn đề bảo vệ bản quyền là không vi phạm bản quyền và chống vi phạm bản quyền.
 
Làm thế nào để không vi phạm bản quyền là rất khó khăn, vì bản quyền là một "cái biển" rất lớn mà chúng ta thiếu thông tin để xác định thế nào là bản quyền. Bảo vệ bản quyền phải bắt đầu từ cái nào không phải của mình thì không dùng, không được phép thì không dùng, được phép dùng thì trong khoảng thời gian nào, nhận thức được điều này để không vi phạm bản quyền, để làm sao phóng viên và biên tập viên xác định không phải của mình thì mình không lấy, làm sao để cái nào có thể dùng được nếu không phải của mình. VTV đã xây dựng ra các phần mềm lọc ra các nội dung, phân loại cái gì có thể dùng được và có thể dùng ở đâu.
VTV là đơn vị đang bị vi phạm bản quyền trắng trợn và nhiều nhất, nhiều đơn vị đang hưởng lợi từ sản phẩm của VTV, nếu mà đưa ra pháp luật thì nhiều vụ kiện dân sự đã xảy ra. VTV đang dùng mọi biện pháp để bảo vệ bản quyền của mình. Các kênh của VTV ít bị vi phạm nhưng chương trình bị vi phạm nhiều. VTV mong muốn các bên sử dụng phải nhận thức rõ ràng, sẵn sàng hợp tác với VTV để chia sẻ nguồn tin cho các đơn vị có nhu cầu. Thời gian qua đã có một số đơn vị hợp tác tốt với VTVAd để sử dụng chương trình của VTV.
 
Theo báo cáo của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, tính đến nay trong nước có 272 kênh truyền hình phát thanh được cấp phép, trong đó: 77 kênh phát thanh quảng bá, 9 kênh phát thanh phát trên dịch vụ truyền hình trả tiền, 103 kênh truyền hình quảng bá, 84 kênh truyền hình sản xuất phục vụ truyền hình trả tiền, kênh nước ngoài được cấp phép biên tập 50 kênh.
 
Tổng số thuê bao truyền hình trả tiền tính đến tháng 7/2017 có 13.567.279 thuê bao, tổng doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền trong 7 tháng đầu năm 2017 đạt 4.060 tỷ đồng. Trong đó, thuê bao truyền hình cáp (bao gồm cả cáp tương tự, cáp số, IPTV) là 11.021.489 thuê bao, truyền hình vệ tinh có 1.507.618 thuê bao, thuê bao kỹ thuật số mặt đất 86.951 thuê bao, truyền hình di động có 847.721 thuê bao, truyền hình Internet có 103.550 thuê bao.
 
Về thực trạng vi phạm bản quyền nội dung trên Internet ở Việt Nam, theo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, hiện nay có 3 dạng vi phạm bản quyền điển hình: Vi phạm trên các trang thông tin điện tử (website), các ứng dụng (app), OTT không phép (OTT lậu). Vi phạm trên các website, các ứng dụng (app) của một số doanh nghiệp có giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, chủ yếu là dịch vụ OTT. Một số đài PT-TH sử dụng hình ảnh, tư liệu trong chương trình, kênh chương trình nhưng không xin phép chủ sở hữu quyền.
 
Về tình trạng vi phạm bản quyền phim, theo kết quả rà soát, đánh giá khoảng 50 website vi phạm bản quyền ở Việt Nam, số liệu tháng 6/2017 cho thấy, trong số 50 trang web chỉ có 22 website sử dụng dịch vụ hosting của các doanh nghiệp viễn thông lớn của Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT, còn 28 website sử dụng hosting của các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có 6 website có khả năng sử dụng CDN trong nước hoặc thông qua kết nối kênh riêng quốc tế với tốc độ cao như phim14.net, phimvuihd.net, banhtv.com.
 
Số liệu tháng 8/2017 cho thấy chỉ còn 5 website sử dụng dịch vụ hosting của các doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam như Viettel, VNPT. 48 website sử dụng dịch vụ hosting hoặc qua mạng CDN của nước ngoài, trong đó tất cả các website sử dụng dịch vụ CDN của CLOUDKLARENET có tốc độ truy cập rất nhanh, do đó dự đoán nhiều khả năng CLOUDKLARENET có máy chủ nội dung đặt tại Việt Nam.