Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ bảy, ngày 27/04/2024

Các đài truyền hình phải kiểm soát hoạt động liên kết sản xuất nội dung

10/04/2017 08:20 SA
20170410-Nam-3.jpg
 
Các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình đang nỗ lực để thương mại hóa dịch vụ truyền hình OTT. Ảnh minh họa: Internet
 
Những năm gần đây cùng với sự phát triển mạnh mẽ của báo chí là sự ra đời và phát triển nhanh chóng của các công ty truyền thông, đặc biệt là trong lĩnh vực PT-TH thì mối quan hệ hợp tác giữa cơ quan báo chí và các đơn vị đối tác trong sản xuất nội dung càng trở nên mạnh mẽ khi nhà nước khuyến khích thực hiện xã hội hóa sản xuất nội dung chương trình PT-TH. Nghị định 06/2016/NĐ-CP của Chính phủ cho phép các Đài PT-TH huy động nguồn lực xã hội để sản xuất chương trình, các kênh PT-TH trong nước theo hình thức liên kết, nhằm đáp ứng ngày càng cao của người dân, nhất là các chương trình liên quan đến lịch sử, văn hóa và xã hội.
 
Tuy nhiên trên thực tế thì không ít ý kiến cho rằng, việc ra đời một kênh truyền hình xã hội hóa rất dễ dàng, nhưng để tồn tại được là điều không đơn giản. Thực tế chưa có kênh truyền hình xã hội hóa nào sống được bằng nguồn chương trình trong nước. Chủ yếu các kênh vẫn mua bản quyền chương trình nước ngoài để phát sóng, đa phần là chương trình giải trí, phim truyện, gameshow, truyền hình thực tế… nhằm thu hút quảng cáo bù đắp chi phí. Tuy nhiên điều này dẫn đến nội dung chương trình truyền hình bị mất cân đối giữa nội dung phục vụ nhiệm vụ chính trị và nội dung giải trí.
 
Trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh tới việc các đài PT-TH phải tập trung năng lực để tự nâng cao khả năng sản xuất chương trình của mình. Sản xuất chương trình là vấn đề sống còn, vấn đề cốt tử của các đài. Đối với các chương trình liên kết, xã hội hóa phải nắm được quyền chủ động trong các hoạt động liên kết, không để đối tác thao túng. Đừng để liên kết trá hình thành hiện tượng “bán kênh, bán sóng”, để tư nhân thao túng nội dung chương trình.
 
Trên thực tế, trong thời gian qua đã xảy ra không ít sai phạm về nội dung trong các chương trình liên kết và đã bị cơ quan quản lý xử phạt, nhắc nhở. Điều này đặt ra yêu cầu trong liên kết sản xuất chương trình truyền hình, các đài PT-TH phải có giải pháp để kiểm soát nội dung chương trình vừa đảm bảo tăng nguồn thu, đa dạng hóa nội dung vừa đảm bảo không bị đối tác liên kết chi phối.
 
Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý hoạt động liên kết, xã hội hóa sản xuất chương trình, ông Trương Văn Sang, Phó Giám đốc Đài PT-TH Bình Dương cho hay, Đài PT-TH Bình Dương đã thực hiện liên kết sản xuất các kênh BTV6, BTV9, BTV10, BTV11 với đối tác AVG, các kênh BTV3, BTV5 với SCTV và kênh BTV4 với Yeah1.
 
Đài PT-TH Bình Dương và các đối tác đã thống nhất xây dựng Quy chế kiểm duyệt nội dung và quản lý phát sóng kênh chương trình và được UBND tỉnh ký ban hành. Trong Quy chế này quy định rõ về cơ chế biên tập, kiểm duyệt nội dung; cơ chế quản lý, kiểm soát phát sóng, tổ chức bộ máy hội đồng kiểm duyệt nội dung; sơ đồ và quy trình kiểm duyệt nội dung và quản lý phát sóng; các quy định chung, các điều khoản thi hành cụ thể. Để thực hiện Quy chế, Đài PT-TH Bình Dương còn lập Văn phòng đại diện ở Hà Nội do một Phó Giám đốc Đài phụ trách và có 4 biên tập viên phụ trách kiểm duyệt nội dung các chương trình liên kết, 20 nhân viên kỹ thuật vận hành Phòng Tổng khống chế.
 
Nhằm kiểm soát hoạt động liên kết sản xuất chương trình xã hội hóa, Đài PT-TH Bình Dương đã thống nhất quy định trong hợp đồng. Đối với chương trình phim truyện, đối tác liên kết có nghĩa vụ cung cấp danh mục phim, băng mẫu và những thông tin cần thiết theo yêu cầu của Đài theo từng quý. Phim được dịch, thuyết minh bằng tiếng Việt và có bản quyền phát sóng, chất lượng âm thanh hình ảnh phải tốt, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật phát sóng của Đài.
 
Đối với các chương trình chuyên đề giải trí, văn hóa, thể thao, đối tác liên kết có trách nhiệm sản xuất chương trình hoàn chỉnh, đảm bảo nội dung, hình ảnh đủ tiêu chuẩn phát sóng theo yêu cầu nội dung và chất lượng kỹ thuật của Đài, đảm bảo về pháp lý bản quyền chương trình. Sau khi nhận được chương trình, Đài được quyền từ chối phát sóng những nội dung không đúng quy định pháp luật, không phù hợp tình hình chính trị, xã hội thời điểm phát sóng hoặc chất lượng chương trình không đạt yêu cầu.
 
Theo ông Trương Văn Sang, các chương trình liên kết, xã hội hóa mang lại hiệu quả cho cả Đài PT-TH Bình Dương và các đối tác liên kết như: Tạo nguồn thu ổn định, huy động được nguồn lực xã hội để phát triển nội dung, đa dạng hóa được các chương trình, đổi mới được hình thức thể hiện nội dung, tận dụng được năng lực sản xuất của các đối tác liên kết, tận dụng được thế mạnh trang thiết bị kỹ thuật hiện đại và nắm bắt được phân khúc thị trường khán giả và nhu cầu của xã hội. Hoạt động liên kết cũng giúp Đài tinh gọn được biên chế…