Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Nhà mạng và CP phải hợp sức để cạnh tranh với Line, Viber, Facebook

10/01/2017 10:35 SA
20170110-Nam-5.jpg
 
Theo ông Nguyễn Duy Tuấn, đại diện Câu lạc bộ VAS, thời gian tới, CP và nhà mạng phải cùng hợp tác đưa ra các dịch vụ tốt để cạnh tranh với Line, Viber, Facebook…

 

Thông tin trên được ông Nguyễn Duy Tuấn đưa ra tại sự kiện VAS Day vừa được tổ chức. Theo ông, việc kinh doanh dịch vụ VAS trong 10 năm qua đã từng trải qua các thời kỳ như kinh doanh thông qua dịch vụ quảng cáo truyền hình, khi đó chỉ với một dịch vụ xổ số trên truyền hình mà có tới 1 triệu tin nhắn trong vòng 3 giờ một ngày. Sau đó, đến thời kỳ trước năm 2010, khi quảng cáo truyền hình cho các dịch vụ VAS đi xuống thì các công ty kinh doanh dịch vụ nội dung (CP) bắt đầu chuyển sang spam tin nhắn. Khi cơ quan quản lý và các nhà mạng thắt chặt việc spam SMS thông qua hạn chế tin nhắn và tốc độ gửi tin thì bắt đầu sinh ra các hình thức nhắn tin một chạm để kích hoạt dịch vụ (đăng ký dịch vụ trực tiếp không cần tin nhắn xác nhận từ thuê bao).
 
“Mặc dù việc nhắn tin "một chạm" đăng ký là tốt để người dùng có thể dễ dàng đăng ký, tiện lợi hơn trong việc sử dụng dịch vụ nhưng hình thức này đã bị lợi dụng để đăng ký các dịch vụ không mang lại nhiều giá trị cho thuê bao. Từ đó bắt đầu sinh ra cơ chế bắt xác nhận hay thậm chí qua OTP thì mới được đăng ký dịch vụ”, ông Tuấn cho biết thêm.
 
Ngay sau sự cố hơn 94.000 khách hàng của 4 nhà mạng ở Việt Nam là Viettel, MobiFone, VinaPhone, Vietnammobile không biết mình bị trừ tiền do hoạt động trái phép của Công ty Sam Media, các nhà mạng đã rà soát lại hoạt động hợp tác với các công ty CP cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng và tiến hành dừng hợp đồng với những đơn vị "bẫy" khách hàng. Ông Tuấn cho hay, mặc dù một số CP đang cố gắng lách nhưng với các cơ chế quản lý sắp tới thì chắc chắn phương thức nhắn tin "một chạm" sẽ không thể được sử dụng nhiều như hiện nay. Tuy nhiên, việc kinh doanh VAS sẽ không chết mà chỉ bước sang một giai đoạn mới. “Vì thế, những ai đang cảm thấy hoang mang và muốn tử bỏ kinh doanh dịch vụ VAS thì nên suy nghĩ lại, đừng để những năm sau này khi nhìn lại cảm thấy tiếc nuối do đã không tham gia VAS giai đoạn này, bởi thực tế cho thấy mỗi khi bước sang một giai đoạn mới thì doanh thu đến từ VAS lại cao hơn so với giai đoạn trước đó”, ông Tuấn nhấn mạnh.
 
Với kinh nghiệm của một người kinh doanh dịch vụ VAS trong 10 năm qua, ông Tuấn cho rằng, cơ chế chính sách trong giai đoạn này đối với các CP vừa là cơ hội và cũng là một thách thức rất lớn. Nhưng ông Tuấn khẳng định, mối quan hệ giữa CP và nhà mạng trong thời gian tới chắc chắn không phải là mối quan hệ “xin-cho” tỷ lệ ăn chia như hiện nay mà phải cùng hợp tác để đưa ra các dịch vụ tốt, khi mà đối thủ hiện nay của các CP và nhà mạng là những "ông lớn" trên thế giới như Line, Viber, Facebook…
 
Về phương hướng sắp tới của việc kinh doanh dịch vụ VAS, theo ông Tuấn, xu hướng đầu tiên là việc các đơn vị nội dung tập trung xây dựng các dịch vụ lớn, có thương hiệu, đầu tư mua bản quyền một cách nghiêm túc, đồng thời xây dựng hạ tầng tốt để phát triển dịch vụ có từ 5 -7 triệu người dùng. Sau khi chứng minh được tiềm năng phát triển thực tế, các dịch vụ này sẽ hợp tác với nhà mạng để cùng đưa ra các gói dịch vụ, gói cước phù hợp.  Ngoài ra, nếu dịch vụ chứng minh được với nhà mạng sự nghiêm túc của mình khi đầu tư bản quyền lớn, chi phí đầu tư lớn cho hạ tầng... thì sẽ được hưởng mô hình ăn chia mới thậm chí lên đến hơn 65% với các nhà mạng.
 
Một xu hướng tiếp theo là các dịch vụ hợp tác với nhà mạng sẽ không còn là các gói cước ngắn theo ngày hay tuần như hiện nay mà theo quý hoặc năm. “Bởi vì, một dịch vụ tốt và được khách hàng yêu thích để sử dụng thì họ cảm thấy không được thoải mái khi ngày nào cũng bắt đăng ký để tiếp tục được sử dụng dịch vụ”, ông Tuấn dẫn chứng.
 
Hướng tiếp theo thử mô hình phân chia mới từ 65% trở lên đối với những nội dung có bản quyền, chi phí đầu tư lớn.
Thời gian tới, vai trò của nhà mạng sẽ bao gồm việc sử dụng lợi thế hạ tầng thanh toán đơn giản, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, gói cước dịch vụ hợp tác với các CP, truyền thông và thậm chí cả đầu tư cho những dịch vụ có tiềm năng.
 
Còn với CP, các đơn vị này sẽ phải phát triển nhiều nguồn doanh thu song song đồng thời tiến hành tái cơ cấu nguồn doanh thu hiện tại. Nếu CP hoàn toàn sống trên thuê bao đăng ký của nhà mạng (Sub) như hiện nay thì rất dễ bị ảnh hưởng. Vì thế, các CP nên mở rộng thêm nguồn doanh thu khác như doanh thu quảng cáo, doanh thu bản quyền, doanh thu kinh doanh trên môi trường Internet… “Như với Vega, trong thời gian tới, mục tiêu của tôi là doanh thu từ Sub chỉ chiếm 60%, 40% doanh thu còn lại đến từ các nguồn doanh thu khác”, ông Tuấn kết luận.