Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ hai, ngày 20/05/2024

Sách văn học lịch sử: Đã có “bột”, chỉ đợi “gột nên hồ”

05/10/2016 10:50 SA
20161005-Nam-8.jpg
 
Một số tác phẩm văn học lịch sử
Làm mới đề tài lịch sử
 
Cách đây nhiều năm, mảng sách văn học chiến tranh cách mạng đi vào thoái trào khi các nhà văn từng một thời nổi tiếng với dòng văn chương này người đã nằm xuống, người gác bút, cũng có người không thể tự thoát cái bóng của mình. Trong khi đó, những tác phẩm mới, mang tính khác lạ cả về cách viết, nội dung tư tưởng vẫn vắng bóng. Những nhà văn trẻ lại e ngại mảng đề tài này với câu nói quen thuộc: “Không biết viết gì về chiến tranh”.
 
Vài năm gần đây, mảng đề tài chiến tranh cách mạng bất ngờ quay trở lại và đúng như dự đoán, sự trở lại đồng nghĩa với việc phải có cái mới, lạ, phù hợp với bạn đọc. Cái mới lạ nhất mà bạn đọc có thể dễ dàng nhìn thấy là sự kết hợp giữa tư liệu lịch sử cụ thể và sáng tạo của người viết. Tùy vào người viết mà tính sáng tạo hay tư liệu chiếm ưu thế. Như ở tác phẩm Đối chiến của nhà văn Khuất Quang Thụy viết về Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, các nhân vật từ cấp trung đoàn trở lên, địa danh, sự kiện… đều được giữ nguyên, thậm chí nhiều nhân vật cấp thấp cũng được giữ nguyên như lịch sử đã ghi nhận. Chỉ có các nhân vật mà tác giả chủ tâm xây dựng làm cốt lõi nội dung mới là sáng tạo riêng.
 
Một tác phẩm khác cũng thuộc dạng này nhưng theo hướng ngược lại là tác phẩm Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh. Có thể coi đây là tiêu biểu cho sự kết hợp giữa văn chương và lịch sử. Toàn bộ nhân vật, sự kiện, chi tiết… đều là sự thật được lấy từ các tài liệu do chính các nhân vật thực hiện (bản tường trình, hồi ký, tờ khai…), tác giả chỉ bổ sung vào đó những đoạn đối thoại, diễn biến tâm lý… mà ngay cả những điều đó cũng là dựa vào tư liệu lịch sử. Nếu bỏ qua các yếu tố tâm lý mà tác giả thêm vào, tác phẩm có thể xem là một tài liệu nghiên cứu lịch sử khá nghiêm túc.
 
Lối thể hiện lịch sử pha trộn với sự sáng tạo văn học tỏ rõ ưu thế hấp dẫn người đọc khi có cả giá trị lịch sử cùng sức lôi cuốn của tiểu thuyết. Cũng vì lý do này, khi xuất bản tác phẩm viết về Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Rành ở Củ Chi, nhóm làm sách đã lựa chọn giữ nhiều cách viết và nhận thấy những cách viết kiểu kể chuyện như trước nay rất khó tái hiện một cách gần gũi cuộc đời, chiến công của má. Cuối cùng, họ đã quyết định chọn nhà văn Hoàng Đình Quang, vừa là cựu chiến binh từng chiến đấu ở vùng Đông Nam bộ, gần với vùng chiến đấu của má, lại là một cây bút sáng tác chắc tay. Và chỉ với hơn 150 trang viết theo dạng truyện ký, nhà văn đã tái hiện đầy đủ những thăng trầm trong cuộc đời của má Rành.
 
Cơ hội sáng tác của chứng nhân
 
Không chỉ đem đến cho các nhà văn một hướng sáng tác mới, hay, mà hình thức pha trộn còn giúp cả những tác giả không chuyên, những người chưa từng cầm bút cơ hội để tái hiện những mảnh nhỏ lịch sử mà họ là chứng nhân. Nếu trước đây, để viết về những điều họ đã chứng kiến, hình thức lựa chọn chủ yếu là hồi ký. Thế nhưng, hồi ký lại đòi hỏi sự chi tiết, sự chân thật mà đôi lúc vì nhiều lý do tác giả không thể viết ra hết được. Với hình thức kết hợp kể trên, các tác giả có cơ hội đưa sáng tác của mình đến với bạn đọc. Như vừa qua, Fahasa đã giới thiệu tác phẩm Người tình báo thầm lặng của tác giả Tống Quang Anh. Về danh nghĩa đây là một cuốn truyện ký, nhưng thực chất, tác phẩm dựa trên nền tảng là một cuốn hồi ký, chỉ thay thế lời kể bằng cách hành văn của tiểu thuyết, một số tư liệu lịch sử đã công bố.
 
Trước đó, NXB Trẻ cũng đã giới thiệu Hồi ức lính của tác giả Vũ Công Chiến, được xây dựng trên hình thức tiểu thuyết nhưng thực tế là những kỷ niệm được văn học hóa của tác giả cùng bạn đồng đội. Thậm chí là cả những đồng đội không cùng đơn vị, đóng góp thông tin qua trang mạng xã hội khi nghe tin tác giả đang thu thập tư liệu viết sách. 
 
Các nhà văn trẻ Việt Nam, những người vẫn được hy vọng sẽ là thế hệ kế thừa dòng văn học chiến tranh cách mạng vốn vẫn than thở rằng họ có quá ít tư liệu để viết về cuộc chiến mà họ khi đó chưa sinh ra. Cách đây vài năm, để viết về cuộc chiến biên giới Tây Nam, một nhà văn trẻ đã phải đi gặp từng cựu chiến binh để hỏi chuyện, lấy tư liệu. Tác phẩm sau khi ra mắt được đánh giá cao với những chi tiết “của riêng lính”. Tuy nhiên việc lấy tư liệu như vậy quá manh mún, tốn thời gian nên sau đó, tác giả trẻ cũng không quay lại với hướng sáng tác này.
 
Với sự xuất hiện ngày càng nhiều các sáng tác của những chứng nhân lịch sử, những tác phẩm đó có thể có sự khác biệt về năng lực văn chương nhưng điểm quan trọng nhất là chúng mang lại một nguồn tư liệu dồi dào, đa dạng, không chỉ chiến tranh mà cả ở hậu phương. Không chỉ sự kiện mà cả những suy nghĩ, tâm tư của cá nhân thời đó, nhưng điều mà các tác phẩm ngày trước ít đáp ứng được. Với nguồn tư liệu đang ngày càng dồi dào này, chúng ta có quyền hy vọng với “bột” đã có, sẽ có những cây bút “gột được nên hồ”.