Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Chủ nhật, ngày 19/05/2024

“Ngành xuất bản đã dần trở lại với tính quy củ vốn có”

24/03/2016 09:11 SA

 Cảnh mua sách tấp nập tại Hội sách đang được tổ chức ở TP. HCM

Phát triển chậm nhưng chắc
 
Báo cáo của Cục cho thấy trong năm 2015, đã có 29.120 cuốn xuất bản phẩm dưới dạng sách giấy nộp lưu chiểu với hơn 363 triệu bản, và 1.163 xuất bản phẩm dưới dạng điện tử với 3,7 triệu lượt bản, xuất bản phẩm khác (băng, đĩa, lịch…) là 1.255 với gần 31 triệu bản.
 
Cũng theo báo cáo, tổng doanh thu của các nhà xuất bản là 2.134 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 100 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 70 tỷ đồng. Trong đó một số nhà xuất bản (NXB) có lãi khá cao như NXB Giáo Dục Việt Nam (33,5 tỷ), Kim Đồng (25 tỷ)…
 
Trong khi đó, thống kê tại lĩnh vực phát hành cho thấy các đơn vị đã đưa ra thị trường 396,5 triệu bản sách, 109 triệu bản xuất bản phẩm các loại. Lĩnh vực xuất khẩu cũng tăng 4% so với cùng kỳ với 392 ngàn bản sách, 6,8 triệu tờ báo, tạp chí (nhập khẩu hơn 60 triệu bản sách, 8,5 triệu tờ báo).
 
Chính vì vậy, tổng doanh thu của lĩnh vực phát hành đã tăng 11% so với năm 2014, đạt 3.300 tỷ đồng, tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu đạt 24,1 triệu USD (trong đó nhập khẩu chiếm 20 triệu USD).
Về công tác thanh tra, trong năm 2015 thanh tra các cấp đã tiến hành 118 cuộc thanh tra và ra hơn 100 quyết định xử phạt với tổng số tiền khoảng 2 tỷ đồng, ngoài ra còn tịch thu 19.000 xuất bản phẩm các loại, tiêu hủy 9.000 xuất bản phẩm khác.
 
Đánh giá về vấn đề này ông Chu Văn Hòa – Cục trưởng Cục Xuất bản – In và Phát hành cho rằng một số NXB còn chậm ra quyết định thu hồi quyết định xuất bản khi đối tác liên kết vi phạm hợp đồng, nhiều NXB cũng bị phát hiện liên kết với đối tác không đủ điều kiện…
 
Nhận định về hoạt động của ngành trong năm 2015, ông Hòa cho biết có thể tóm gọn trong một câu, đó là: “Vượt qua nhiều khó khăn, mức phát triển tuy chậm nhưng chắc chắn, tính quy củ dần trở về với đặc thù của ngành”.
 
Ông Hòa cũng thẳng thắn nêu ra những hạn chế đã ảnh hưởng đến lĩnh vực xuất bản trong năm qua, như tình trạng viết tắt, sai chính tả… vẫn tiếp diễn hay nội dung thông tin không chuẩn, phản ánh hiện xã hội một cách phiến diện, chủ quan, thậm chí một số đề cập đến những vấn đề tôn giáo thiếu nghiêm túc…
 
Còn không ít sách vô thưởng vô phạt
 
Trong phần tham luận sau đó nhiều NXB đã có những kiến nghị, đóng góp thẳng thắn với cơ quan quản lý.
Đại diện NXB Sự Thật cho rằng hiện nay có nhiều nơi chạy theo xu hướng khiến nội dung bị ảnh hưởng, do đó cần phải đào tạo đội ngũ biên tập viên giỏi, có tâm vì đây là những người đóng góp rất lớn vào quá trình hình thành lên cuốn sách. 
 
Vị này cũng cho biết hiện những sản phẩm công nghệ cao (điện thoại, máy tính bảng…) ngày càng phổ biến nhưng nhiều NXB còn thiếu nhân lực am tường công nghệ thông tin nên thiếu chiến lược xây dựng sách điện tử mà mới chỉ dừng lại ở xây dựng website. Theo ông đây ra là điều rất đáng lo ngại trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập.
Trong khi đó tại tham luận của mình, đại diện NXB Văn học nhấn mạnh đến sự bất hợp lý trong một số quy định pháp luật về vốn tối thiểu và trụ sở của các NXB. Từ đó ông “Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước có những cơ chế đặc thù cho các NXB về mô hình, giá tiền thuê nhà đất, cơ chế đặt hàng… ít nhất trong giai đoạn khó khăn này để từng bước ổn định”.
 
Nhận định chung về lĩnh vực này, bà Lâm Phương Thanh – Phó trưởng ban Tuyên giáo TW cho biết và đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị, dù trong bối cảnh có nhiều khó khăn nhưng chất lượng sách đã có những cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên bà Thanh cũng nhấn mạnh đến việc vẫn có những cuốn sách kém chất lượng, sai phạm về tư tưởng, văn hóa, gây bức xúc trong xã hội khiến cơ quan quản lý phải đình bản.
 
“Số sách “vô thưởng vô phạt” – có cũng không có tác dụng, không có cũng không sao không phải là ít, đầu sách có hàm lượng văn hóa hạn chế vẫn còn… khiến bạn đọc quay lưng với sách. Đây là điều rất khó khăn nếu chúng ta muốn nâng cao văn hóa đọc” – bà Thanh nói.
 
Về những nhận định chi tiết của Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tại hội nghị bạn đọc có thể xem thêm TẠI ĐÂY.