Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ sáu, ngày 03/05/2024

Xung quanh Vụ tiểu thuyết "Búp sen xanh" bị vi phạm bản quyền: Tiếp tục điều tra đối tượng vi phạm

22/08/2014 15:21 CH

Cuốn "Búp sen xanh" mang danh NXB Thời đại đã vi phạm bản quyền

Đồng thời với việc phản ánh, Báo CAND đã có công văn gửi Cục A87 (Bộ Công an) và Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin & Truyền thông) đề nghị xem xét, điều tra và làm rõ vụ việc vi phạm bản quyền tác phẩm “Búp sen xanh”.

Việc vi phạm bản quyền với cuốn "Búp sen xanh" khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Vì đây là tác phẩm để đời của một nhà văn Anh hùng, nhất khi giờ đây nhà văn Sơn Tùng đang trong tình trạng bệnh tật hiểm nghèo và cuốn sách này là nguồn thu nhập chính của gia đình ông, giúp ông sinh sống và chữa bệnh. Vì thế, theo ông Chu Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, ngay sau khi Báo CAND phản ánh và cung cấp các tài liệu liên quan, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã có cơ sở để khẳng định, ba bản “Búp sen xanh” đứng tên NXB Thời Đại và Công ty CP Sách Nhân dân phát hành từ năm 2013 tới nay là sách in lậu. Do đó, Cục đã gửi công văn đến tất cả các Sở Thông tin & Truyền thông, các cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị phát hành sách trên cả nước, thông báo rõ là qua hồ sơ quản lý tại Cục, đã cho thấy ba bản “Búp sen xanh” đứng tên NXB Thời Đại và Công ty CP Sách Nhân dân là sách in lậu. Cục Xuất bản, In và Phát hành đã yêu cầu thu hồi và không phát hành các bản sách in trái phép này, đồng thời, đề nghị các đơn vị trên gửi thông báo cho các cơ quan chức năng nếu phát hiện ra cuốn “Búp sen xanh” bản in lậu. Ngay sau đó, Sở Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Bà Rịa-Vũng Tàu báo cáo đã thu hồi được một số bản sách in lậu “Búp sen xanh”. Hiện các nhà sách trên cả nước đã không còn bày bán sách vi phạm bản quyền. Ông Chu Hòa khẳng định: Việc đấu tranh quyết liệt trong vụ vi phạm bản quyền này chính là công của báo chí.
 
Bên cạnh việc ra quyết định thu hồi, Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng đã phối hợp với Cục A87 Bộ Công an, Thanh tra Bộ Thông tin & Truyền thông, Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội, cùng các đơn vị đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra liên ngành, tổng rà soát các đơn vị liên quan đến vụ vi phạm trên, là NXB Thời Đại và Công ty CP Sách Nhân dân. Tuy nhiên, theo ông Chu Hòa, khi làm việc thì cả NXB Thời Đại và Công ty CP Sách Nhân dân đều cho rằng mình là… nạn nhân (!) của việc in lậu. Hơn nữa, các đoàn thanh tra cũng chưa bắt quả tang được nhà sách nào bán sách lậu, vì các sách đã bị giấu hết. Thủ đoạn của người in lậu ngày càng tinh vi.

Song, việc NXB cho rằng mình là “nạn nhân” trong vụ vi phạm bản quyền của tiểu thuyết “Búp sen xanh” xem ra thật khó thuyết phục. Bởi, theo ông Chu Hòa, trước đây, các NXB chỉ cần đăng ký kế hoạch và như thế, họ có thể đăng ký 100 đầu sách, mà chỉ cần in 1 đầu sách cũng không sao. Để khắc phục tình trạng đó, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã yêu cầu các NXB phải đăng ký đầu sách in và phải được Cục Xuất bản, In và Phát hành chấp thuận bằng văn bản, để không thể trốn tránh trách nhiệm. Ông Chu Hòa nhấn mạnh: “Mục đích của việc NXB đăng ký xuất bản với Cục Xuất bản, In và Phát hành là nhằm, khi NXB đã ra quyết định xuất bản rồi thì không thể phi tang được dấu vết, không chối tội được”.
 
Như vậy, rõ ràng là trong trường hợp này, NXB Thời Đại có thể trốn tránh được trách nhiệm, khi mà “dấu vết” còn rất rõ: Ngày 2/1/2014, NXB Thời Đại đã có Giấy đăng ký xuất bản số 02/2014, đăng ký xuất bản 22 tác phẩm, trong đó, có cuốn “Búp sen xanh”. Đặc biệt là sau đó, chính Cục Xuất bản, In và Phát hành đã có “Giấy xác nhận đăng ký xuất bản” chấp thuận đăng ký xuất bản của NXB Thời Đại! Một bên đã đăng ký, một bên đã đồng ý và giờ đây, sách in ra cũng mang tên NXB Thời Đại là có thật, tức đã khép kín một qui trình từ A đến Z, vậy mà NXB Thời Đại nói mình là “nạn nhân” liệu có được chăng? Bên cạnh đó, đã có văn bản đồng ý với việc đăng ký xuất bản, trong đó có “Búp sen xanh”, thì Cục Xuất bản, In và Phát hành liệu có thể nói rằng, không có cơ sở để qui trách nhiệm với  NXB Thời Đại?

Bên cạnh đó, để cho sách lậu in và phát hành trên địa bàn Hà Nội tràn lan như thời gian qua, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Sở TT&TT Hà Nội. Theo ông Chu Hòa, Sở TT&TT Hà Nội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý trên địa bàn, vì Sở này có hệ thống quản lý Nhà nước đầy đủ cũng như có thẩm quyền thanh tra, xử phạt các vi phạm. Điều này đã được qui định rõ: Sách lậu tràn lan trên thị trường nào, Sở Thông tin & Truyền thông địa phương đó phải chịu trách nhiệm đầu tiên, cũng như không thể vô can với việc in lậu trên địa bàn. Sau khi Cục Xuất bản, In và Phát hành có quyết định thu hồi với cuốn “Búp sen xanh” mang tên NXB Thời Đại, mới thấy Bà Rịa -Vũng Tàu thu hồi được sách in lậu, trong khi Hà Nội được coi là một “ổ” sách lậu, cũng là nơi có các đơn vị liên quan đến vụ vi phạm bản quyền này đứng chân, vẫn không thu được cuốn sách lậu nào, kể cũng “lạ”!

Đến nay, việc kiểm tra, rà soát về vụ vi phạm bản quyền “Búp sen xanh” vẫn chưa phát hiện được vi phạm. Cho biết khó khăn của đợt tổng rà soát vừa qua, ông Chu Hòa nêu ý kiến: Một số nhà sách đã liên kết và đặt địa điểm in ở trong đơn vị lực lượng vũ trang - nơi có qui chế bảo mật riêng, nên các đoàn kiểm tra đã phải chờ đợi các thủ tục hoàn tất, nên mất tính đột xuất và dĩ nhiên, không còn hiệu quả. Vì thế, cần có qui chế liên Bộ để phục vụ công tác phòng, chống in lậu, như có nên cho các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang thực hiện liên doanh, liên kết với các đơn vị bên ngoài có tính đặc thù, như nhà in hay không?

Trao đổi về các biện pháp giải quyết trong vụ việc, đặc biệt là vấn đề quyền lợi cho tác giả “Búp sen xanh”, ông Chu Hòa cho biết: “Vụ việc khiến tôi vừa đau đầu vừa đau lòng, vì tôi biết rõ trường hợp nhà văn Sơn Tùng. Tới đây, tôi sẽ vận động NXB Giáo dục đưa sách “Búp sen xanh” vào hệ thống sách thiết bị để bán trong nhà trường, vừa đạt mục đích chính trị là tuyên truyền về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa giúp đỡ tác giả. Chúng tôi quyết tâm tiếp tục điều tra làm rõ đối tượng đã vi phạm bản quyền trên