Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ bảy, ngày 04/05/2024

“Không ai dám nói các cơ sở in nhà nước không có in lậu”

11/08/2014 17:31 CH

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn tại Hội nghị sáng ngày 8/8/2014

Trên đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) Trương Minh Tuấn trong Hội nghị “Công tác quản lý đối với cơ sở in sử dụng vốn nhà nước” được tổ chức tại TP.HCM sáng ngày 8/8.

Đánh giá về hoạt động của các cơ sở in sử dụng vốn nhà nước, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng cần phải có quy hoạch phát triển ngành in, bởi nếu không sẽ xảy ra nhiều vấn đề phức tạp. Tuy nhiên ông thừa nhận đây là bài toán khó đối với các cơ quan chủ quản đang quản lý những cơ sở in này.
 
Thứ trưởng Tuấn cho biết, hiện nay một số cơ sở in không còn thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan chủ quản nên ít được quan tâm, chậm cổ phần hóa, gây lãng phí cơ sở in của nhà nước. Do đó cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ TTTT và các bộ ngành có liên quan để tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách để trình Chính phủ trong thời gian tới.
 
Về phía các cơ quan chủ quản của các cơ sở in này cũng phải xác định rõ có cần duy trì các cơ sở in sử dụng vốn nhà nước hay không và duy trì ở mức độ nào. Phải đề xuất những vấn đề cụ thể về cơ chế quản lý, chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở in này để đảm bảo hoạt động phát triển, đem lại lợi nhuận cho các cơ sở in, đóng góp cho ngân sách nhà nước và đảm bảo thu nhập cho người lao động.
 
Trong khi đó, những cơ sở in không còn thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan chủ quản thì phải thực hiện cổ phần hóa theo chủ trương. Các doanh nghiệp in của Đảng, các cơ sở của Quân đội, Công an nếu không trực tiếp thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng cũng phải cần có văn bản báo cáo báo cáo Thủ tướng để có quyết định phù hợp.

Đối với cơ sở in sự nghiệp phải rà soát, sắp xếp lại cho đúng với nhiệm vụ chính trị của cơ quan chủ quản. Không để tình trạng tập trung nhiều cơ sở in của một bộ, một ngành trên cùng một địa bàn, gây lãng phí nguồn lực của nhà nước. Các cơ sở in cổ phần hóa cũng không nhất thiết phải giữ một phần vốn nhà nước như hiện nay.
 
Đề cập đến vấn nạn in lậu, Thứ trưởng Tuấn cho biết, dù đến nay các cơ sở in nhà nước cơ bản chấp hành tốt pháp luật nhưng “không ai dám nói các cơ sở in nhà nước không có in lậu”. Ông khẳng định tình trạng in lậu tại cơ sở in bên ngoài hay cơ sở in của nhà nước vẫn chưa được ngăn chặn đầy đủ.
 
Do đó Thứ trưởng chỉ đạo phải xử lý trước hết đối với các cơ sở in lậu bằng biện pháp kinh tế. “Phải nâng chế tài xử phạt, phải phạt nặng hơn hiệu quả kinh tế mà in lậu thu được”. Bên cạnh đó cần thành lập các ban chống in lậu ở các cấp theo thẩm quyền.
 
Ngoài ra cũng cần tính đến việc sửa đổi khung hình phạt để xử lý nghiêm các cơ sở in lậu. “Cần xử lý nghiêm giám đốc nhà xuất bản, cơ sở in để xảy ra tình trạng vi phạm trong hoạt động in, thậm chí xử lý hình sự. Nên chăng phải coi in lậu là “sản xuất hàng giả” và xử lý theo tội danh này” – Thứ trưởng Tuấn gợi ý.
 
Trong phần tham luận, đại diện của TTXVN, Báo Nhân dân, Bộ quốc phòng, Bộ Công an đều đồng tình với chủ trương quy hoạch lại ngành in. Tuy nhiên những đơn vị này cũng cho rằng cần phải giữ một số cơ sở 100% vốn nhà nước, vì đây là những nơi phục vụ cho nhiệm vụ chính trị, hay in các sản phẩm đặc thù, đề nghị nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để những cơ sở này có thể tiếp cận nguồn vốn, đầu tư máy móc nhằm tăng sức cạnh tranh.