Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Chủ nhật, ngày 05/05/2024

Phát triển văn hóa đọc - Cần lắm một Ngày sách Việt Nam

01/07/2013 13:11 CH

Ảnh minh họa

 Ngày nay, khi kinh tế tri thức đang ngày càng chứng minh sức mạnh và hiệu quả của nó thì sách trở thành công cụ trí tuệ không thể thiếu được. Để có một nghề: Cần học và đọc trong sách. Để giữ được chỗ làm hoặc có chỗ làm việc với thu nhập cao hơn cũng cần đọc, hiểu và biến những con chữ bất động trong những trang sách thành khả năng và kỹ năng được thể hiện sinh động trong cuộc sống.

Đọc sách để nấu được một món ăn mới lạ. Đọc sách để có thể trồng nấm, nuôi gà, nuôi tôm… Đọc sách để chuẩn bị cho bổn phận làm mẹ, nuôi con tốt hơn. Tra cứu tên một loại biệt dược để phòng tác dụng phụ khi dùng thuốc… Giản dị hơn, đọc sách bên một sạp vải ở chợ khi chưa có khách ghé mua. Sách cho ta biết những chữ cái đầu tiên của tiếng mẹ đẻ khi mới cắp sách tới trường những ngày thơ ấu. Và khi đi hết cuộc hành trình nơi dương thế, nhiều  người cũng chỉ kịp có một đôi dòng trong cuốn gia phả của dòng họ để lưu giữ một cái tên, một sự nghiệp, một cuộc đời …

Sách thanh cao mà gần gũi, thân thiết; hữu hạn mà cũng vô tận, vô cùng.  Khi đọc tới trang cuối cùng của một cuốn sách hay, ta thấy tiếc nuối. Đó là sự chênh vênh giữa hữu hạn và vô cùng. Cuốn sách cũng như đời người, thật hữu hạn. Gấp sách lại, nhiều lúc ta bỗng thấy rưng rưng, tiếc thương cho  một số phận, một dân tộc, một thời. Có cuốn sách làm ta day dứt mãi, suy tư mãi, làm thao thức, trăn trở cả vạn người hôm qua, hôm nay và những tháng năm sau nữa.  Có phải cuốn sách đang đựợc thời gian chở tới vô cùng hay chính những  suy tư, khát vọng, trăn trở mà nó khơi dậy đã chạm đến những điều thiêng liêng, tốt đẹp, niềm hạnh phúc cũng như nỗi đau của mỗi con người và  làm cho sách trở nên bất tử. Truyện Kiều, Những người khốn khổ, những cuốn sách về Hoàng Sa, Trường Sa… đã và sẽ là những cuốn sách như vậy. Sự gạn lọc khách quan và vô tư nhất là sự gạn lọc của thời gian. Thời gian sẽ lựa chọn những tinh túy và bỏ lại những gì là sản phẩm của một khoảnh khắc, của một thời.

 Vì vậy, cách ứng xử với sách nhiều khi là một đại lượng cho ta biết tri thức và phẩm cách của con người. Điều khác nhau là mỗi cuốn sách nói gì, để lại gì cho trí tuệ và tâm hồn người đọc. Bàn luận về sách bao nhiêu cũng là chưa đủ, như nói về tình yêu vậy. Tình yêu với sách đã trải dài hơn 6.000 năm, từ sách bằng đất sét, da thú, tre trúc… đến nay là sách điện tử. Chưa biết sách sẽ có cấu trúc vật chất như thế nào trong tương lai; song tin chắc rằng tình yêu với sách sẽ không phai nhạt. Chừng nào con người còn cần hiểu biết, cần sẻ chia… thì sách còn là người thầy, người bạn thủy chung. Vậy, lẽ nào lại không yêu sách! Tình yêu ấy cần khơi gợi và nuôi dưỡng thường xuyên với mọi lứa tuổi. Chúng ta phải hành động thiết thực, cụ thể hơn. Vì vậy, rất cần có một ngày tôn vinh sách - tôn vinh văn hóa đọc. Đã có ý kiến cho rằng nên gọi là Ngày Tết sách hay Ngày Toàn dân đọc sách. Mỗi cách gọi đều có ý nghĩa, có sức kêu gọi và lay động riêng. Cá nhân tôi xin đề nghị nên gọi là Ngày sách Việt Nam. Trong tâm thức người Việt Nam, Tết trước hết là Tết nguyên đán (1 tháng giêng theo Âm lịch); Tết Độc lập (2 tháng 9) hoặc Tết Trung thu cho các cháu nhi đồng. Còn lại thường được gọi là hội hoặc lễ.

Nếu gọi là ngày Toàn dân đọc sách e cũng khiên cưỡng, như một khẩu hiệu kêu gọi theo cách phát động một số phong trào hiện nay. Mặt khác, đọc sách tuy là hoạt động quan trọng nhằm khai thác, thưởng thức, sử dụng những giá trị của sách nhưng mới giới hạn ở sự hưởng thụ sách của người đọc. Vì vậy, cần chọn một tên gọi để có thể vừa tôn vinh những giá trị của sách vừa tôn vinh tác giả, những người tham gia vào quá trình đưa sách đến tay bạn đọc, lại vừa góp phần xây dựng thói quen đọc sách và quảng bá sách hay, sách tốt. Mục tiêu cuối cùng của Ngày sách Việt Nam không phải chỉ là phát hành được nhiều bản sách, cho dù đó là những cuốn sách có giá trị cao, mà quan trọng hơn, như mưa dầm thấm lâu, sách đặt nền tảng cho ứng xử của người đọc, của xã hội ngày càng hợp quy luật hơn, tạo ra sức mạnh tâm thế của dân tộc, góp phần bảo vệ và xây dựng một đất nước độc lập, tự do, giàu mạnh và hạnh phúc.

Đất nước độc lập, tự do, giàu mạnh, người dân hạnh phúc là tâm nguyện suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy, nên chọn thời gian công bố một tác phẩm của Người là Ngày sách Việt Nam. Xin đề nghị lấy ngày phát hành cuốn sách “Đường Kách Mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong khóa đào tạo lớp cán bộ đầu tiên của “Thanh niên cách mạng đồng chí Hội” tại Quảng Châu, Trung Quốc vào mùa Xuân năm 1927. “Đường Kách Mệnh” thực sự là cuốn cẩm nang về lý luận cách mạng cho nhiều thế hệ cán bộ của Đảng ta. Cuốn sách là một mốc son lịch sử chấm dứt một thời kỳ khủng hoảng về đường lối, phương pháp và tổ chức trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành lại độc lập cho đất nước.

Và như vậy, Ngày sách Việt Nam bắt đầu từ một mốc son lịch sử, gắn với người anh hùng giải phóng dân tộc đồng thời là nhà văn hóa kiệt xuất sẽ có ý nghĩa và sức lôi cuốn nhiều người.

 Ngày nay, đất nước ta đang hội nhập với cộng đồng thế giới. Đó là bước tiến có tính lịch sử. Thế giới có Ngày Sách và bản quyền thế giới (23 - 4) do UNESCO phát động. Tháng Tư Dương lịch vẫn là mùa Xuân, điều kiện thời tiết thuận lợi cho những hoạt động ngoài trời về sách. Và nên chọn ngày 21 tháng Tư là Ngày Sách Việt Nam, rất gần với ngày sách của thế giới nhưng vẫn là riêng của Việt Nam, gợi nhớ về ngày xuất bản tác phẩm nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nếu Ngày Sách Việt Nam được Chính phủ công nhận sẽ là một phần thưởng, một sự động viên tinh thần to lớn, có ý nghĩa đối với toàn ngành. Điều này cũng thể hiện tâm huyết và trách nhiệm của những người làm xuất bản - in - phát hành sách Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa đọc, thực hiện chủ trương của Đảng xây dựng xã hội học tập ở nước ta và chủ động hội nhập với thế giới.
 
Dự thảo Đề án Ngày sách Việt Nam hiện đã được đăng tải lấy ý kiến góp ý của nhân dân trong mục Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên trang thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông. Thời gian lấy ý kiến từ ngày 27/6/2013 đến ngày 27/8/2013.