Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ sáu, ngày 03/05/2024

Câu chuyện đính chính

11/04/2013 13:49 CH

Như vậy, bất luận những gì trong cuộc sống thường ngày mà người ta viết hoặc phát ngôn chưa chính xác đều cần phải đính chính. Tuy nhiên, lâu nay chúng ta vẫn chỉ dùng từ này trong các văn bản truyền thông (sách, báo chí) chứ trong giao tiếp thông thường thì những lỗi sai hoặc là bị bỏ qua, hoặc là người ta tự sửa lại (bằng cách xoá đi, viết hoặc nói lại) cho chuẩn xác.

Nhưng qua theo dõi, ta thấy báo chí gần đây gần như không có đính chính (được dùng với nhiều cách viết: đính chính, nói lại cho rõ, sửa lại, thông tin bổ sung...).  Không phải là “bản báo” không có lỗi in sai mà là vì nếu đính chính thì sẽ quá nhiều và khó xử lý. Báo giấy cũng có không ít còn báo mạng thì đụng đâu cũng thấy đủ loại lỗi. Có những sai sót nhận ra ngay song có những sai sót lại phải kiểm chứng, đối chiếu rất mất thời gian. Thành ra các báo nhà ta đành mũ ni che tai,  “giả vờ quên” với hy vọng là độc giả không biết hoặc nếu có biết thì cũng dễ dãi bỏ qua.

Ấy vậy mà trên 2 tờ báo lớn của ta vừa rồi đều trang trọng đăng hai bài liên quan tới chuyện này. Đó là bài “Nói lại cho rõ” (“An ninh Thế giới cuối tháng”, số 139, 3.2013, tr.2) nhằm xác nhận lại sự thật liên quan tới chị Lê Thị Lương - con gái của nhà văn Lê Lựu - bị hiểu sai khi trước đó có một bài báo thông tin thất thiệt về chị. Còn báo “Thể thao & Văn hóa” (số 86, 27.3.2013) lại có bài “Chuyện hy hữu: NXB...  xin lỗi vì sách in sai” (tr.18) nói về việc Giám đốc NXB Trẻ gửi công văn đính chính và xin lỗi độc giả toàn quốc về sự cố có 2 lỗi sai nghiêm trọng trong bộ sách Kiến văn tiểu lục (của Lê Quý Đôn): “Chúng tôi thật lấy làm xấu hổ về điều này. Ban Giám đốc NXB Trẻ và toàn thể nhân viên cúi đầu nhận lỗi và xin lỗi bạn đọc”. Thái độ đó thể hiện rõ ý thức trách nhiệm và sự cầu thị của các cơ quan xuất bản, báo chí trước một đối tượng cần phải tôn trọng là bạn đọc.

Nhưng nhân đây, cũng có mấy vấn đề liên quan tới chuyện đính chính mà ta cần phải lưu ý.

Thứ nhất, về mặt nguyên tắc, cơ quan xuất bản (và chỉ có cơ quan xuất bản) liên quan tới văn bản có lỗi mới có trách nhiệm và có quyền đính chính. Bởi họ chính là “chủ thể” xuất bản phẩm và chịu trách nhiệm pháp lý trước cơ quan quản lý nhà nước về nội dung và chất lượng sản phẩm của họ. Tôi nói như vậy vì không ít các cuốn sách in xong rồi, tác giả đọc lại mới tá hỏa là còn nhiều lỗi.

Vậy là tự họ hì hục “thiết kế” ra một tờ đính chính, đem photocopy rồi lồng vào các cuốn sách in sai (dĩ nhiên là chỉ có một số cuốn tác giả đang giữ còn đa số các cuốn khác, kể cả cuốn đã lưu chiểu, thì chịu). Có thể nói, bất luận vì lý do gì thì cuối cùng người chịu trách nhiệm cũng là NXB. NXB không thể lấy lý do “sách liên kết”, “tác giả là người sửa bài”, hay “không có điều kiện theo dõi vì sách in ở nơi khác”...  để đổ lỗi cho khách quan và ung dung phủi tay trong những sự cố như vậy.

Thứ hai, không ít tác giả và NXB, lại có một cách đính chính kỳ cục là giở các trang sách in sai và tự tay sửa vào đó bằng bút mực. Có tác giả cẩn thận hơn, dùng bút xóa bôi trắng cả đoạn rồi sau đó viết đè (hoặc dán đè) lên. Dù là cách nào cũng không được. Văn bản in ra phải thuần nhất, tức là chỉ chạy qua máy in chứ không có việc can thiệp sửa chữa thủ công. Cơ quan lưu chiểu sẽ từ chối không nhận và sẽ không có một cơ quan công chứng nào chấp nhận một bản gốc “nhập nhèm” như vậy cả. Ngay cả, với nhiều văn bản đòi hỏi đúng giá trị pháp lý (như văn bản mật, phản biện “kín” cho luận án...) thì dù là của ai chăng nữa thì người ta chỉ chấp nhận bản in thẳng từ máy vi tính chứ không nhận bản photocopy.

NXB Larousse (của Pháp) năm 1998 đã phải ngừng phát hành 18 vạn cuốn từ điển Petit Larousse và thông báo gấp trên toàn nước Pháp về một lỗi sai và ngay lập tức, tay sách có lỗi này đã phải in và đóng lại (do có sơ suất, trong một trang ảnh đã chỉ dẫn nhầm nấm lành thành nấm độc và ngược lại). Đó là một lỗi có thể gây “chết người”. Nhưng ngay cả những lỗi không nguy hiểm tới tính mạng thì việc xem xét để đính chính kịp thời và chuẩn xác cũng vẫn là công việc cần thiết với mọi cơ quan xuất bản.