Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ sáu, ngày 03/05/2024

Viettel sẵn sàng đầu tư 1,5 tỉ đô la Mỹ vào Myanmar

16/12/2014 13:14 CH

Phòng giao dịch của Viettel (Ảnh: Vân Oanh)

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn hôm nay 15-12, ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng giám đốc tập đoàn, cho biết Viettel có kế hoạch liên doanh với hãng viễn thông quốc doanh Myanmar là Yatanarpon Teleport. Hãng viễn thông này đang xin giấy phép kinh doanh di động thứ tư tại quốc gia này đồng thời xin chính phủ Myanmar cho phép hợp tác kinh doanh với Viettel.

Yatanarpon hiện chủ yếu cung cấp dịch vụ Internet. Nếu Yatanarpon được chính phủ Myanmar cấp phép cho kinh doanh dịch vụ di động thì đây sẽ là nhà mạng thứ tư được thiết lập tại quốc gia này.

Theo ông Dũng, hai bên định hợp tác bằng cách mỗi bên góp 50% vốn đầu tư để hình thành mạng di động. Và Viettel dự định sẽ góp khoản vốn khoảng 1,5 tỉ đô la Mỹ.

Mặc dù ông Dũng từ chối dự đoán về khả năng khi nào Viettel được cho phép đầu tư vào Myanmar, song trên các tờ báo quốc tế, nhiều nguồn tin cho rằng Viettel sẽ sớm được cấp phép để hoạt động tại quốc gia này.

Hiện Myanmar được các nhà đầu tư viễn thông đánh giá là thị trường tiềm năng và có cơ hội nhất thế giới, bởi mới chỉ có khoảng 5% trong 53 triệu dân của quốc gia này sử dụng điện thoại di động.

Năm ngoái, Viettel đã từng nộp hồ sơ đấu thầu giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông tại Myanmar, nhưng không thành công. Và hai giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông di động đã được Myanmar cấp cho hai nhà mạng nước ngoài là Telenor (Na Uy) và Ooredoo (Qatar). Đến nay hai nhà mạng này đã kinh doanh dịch vụ viễn thông tại đây.

Bên cạnh 2 nhà mạng nước ngoài này, trước đây Myanmar còn có nhà mạng 100% vốn nhà nước của quốc gia này là MPT. Song, gần đây MPT đã hợp tác với hai công ty Nhật Bản là KDDI và Sumitomo để thu hút đầu tư khoảng 2 tỉ đô la Mỹ vào MPT.
 
Mặc dù tại Myanmar đã có 3 mạng di động đang kinh doanh, song ông Dũng vẫn nhìn nhận đây là một thị trường viễn thông nhiều cơ hội cho Viettel. Thậm chí ông còn cho rằng đây là thị trường có cơ hội lớn nhất trong các thị trường nước ngoài mà Viettel đã, đang và sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư trên thế giới.
 
Có ý kiến cho rằng nếu được cấp phép, Viettel và Yatanarpon Teleport khó cạnh tranh được với 3 mạng di động đang có trên thị trường. Vì Yatanarpon Teleport chỉ là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ internet, nên nếu được cấp phép, hai doanh nghiệp này sẽ phải xây dựng mạng di động từ đầu, trong khi đó các nhà mạng khác đã đi vào hoạt động ổn định.
 
Tuy nhiên, Viettel lại không nhìn nhận như vậy. Ông Dũng cho hay, tại hàng chục quốc gia nước ngoài mà tập đoàn này đầu tư thì tỉ lệ dùng di động của người dân đều cao hơn. Chưa có thị trường di động nước ngoài nào mà khi Viettel thâm nhập lại có tỉ lệ người dùng di động thấp như ở Myanmar. Do đó, nếu Viettel đã thành công được ở thị trường khó hơn, không có lý gì mà không thành công ở thị trường Myanmar.
 
Viettel trao tặng bò cho người dân vùng biên giới Cao Bằng
 
Ngày 15-12 tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, Viettel phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng và Ban Chỉ huy Biên phòng Tỉnh tổ chức lễ trao tặng bò giống cho đồng bào nghèo biên giới trong khuôn khổ Chương trình "Bò giống giúp người nghèo biên giới".
 
Tại sự kiện này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đại diện ban chỉ đạo chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” đã trao tận tay 50 con bò giống, mỗi con có giá trị 15 triệu đồng, cho các hộ nghèo thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Để hỗ trợ người dân trong việc chăn nuôi, phát triển đàn bò, Viettel trao tặng thêm cho mỗi gia đình một chiếc điện thoại kèm sim để liên lạc với ban chỉ đạo khi cần hướng dẫn kiến thức chăm sóc, nuôi dưỡng bò.
 
Cũng nhân dịp này, Viettel đã trao tặng đồng bào các tỉnh biên giới phía Bắc 20.000 tấn xi măng để cải tạo nhà ở, khu vực chăn nuôi nhằm phát huy tốt nhất hiệu quả của Chương trình. Trong đó riêng các xã biên giới tỉnh Cao Bằng được nhận 2.000 tấn xi măng.
 
Phát biểu tại lễ trao tặng bò cho đồng bào tỉnh Cao Bằng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh biên giới là địa bàn quan trọng của quốc gia. Vì vậy các cấp, các ngành và toàn xã hội phải tìm mọi cách giúp đỡ tối đa cho bà con vùng biên giới, đặc biệt là bà con nghèo, có cuộc sống khấm khá hơn, từ đó yên tâm lo cuộc sống gia đình và giữ gìn biên cương của tổ quốc.
 
Được biết, chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát động, giao cho Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Viettel phối hợp với các bộ, ban, ngành và Ủy ban nhân dân 11 tỉnh biên giới phía Bắc và Vùng Tây Bắc triển khai từ tháng 6-2014. Nguồn vốn hỗ trợ bò cho chương trình này do Viettel cung cấp.
 
Các nhà hảo tâm trên cả nước được khuyến khích tham gia vào chương trình bằng cách tự nguyện đăng ký sử dụng dịch vụ viễn thông để cùng Viettel hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào biên giới. Mỗi nhà hảo tâm tự nguyện đăng ký sử dụng một dịch vụ trả sau của Viettel thì Viettel sẽ trích ngay một triệu đồng mua bò giống.
 
Chính thức khởi động từ 6-2014, đến nay Ban chỉ đạo chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” đã phát triển được nguồn bò tương đương 9.125 con bò cái sinh sản, trong đó hơn 2.800 con bò đã được trao tận tay cho các hộ gia đình nghèo. Từ nay đến hết năm 2014, Ban chỉ đạo chương trình sẽ tổ chức nhiều đợt trao tặng bò, mục tiêu đến hết năm trao tặng 7.500 con bò đến các hộ nghèo biên giới.
 
Dự kiến đến tháng 10-2016, chương trình sẽ trao tặng 24.000 con bò giống cho các gia đình thuộc diện hộ nghèo theo chuẩn quốc gia ở 11 tỉnh biên giới phía Bắc và Tây Bắc.