Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ ba, ngày 07/05/2024

Zalo đang gánh sứ mệnh giải cứu thị trường OTT Việt?

24/11/2014 10:28 SA

Cuộc đấu trên thị trường OTT Việt hiện nay chỉ còn lại 2 đối thủ "tám lạng - nửa cân" Zalo - Viber

Nhìn con số, luận “anh hào”

Trong cuộc “đại chiến” OTT 2012-2013 không phải là không có “kẻ nằm xuống”. Đó là Wala. Thậm chí, “kẻ nằm xuống” tại thị trường Việt Nam không chỉ có các ứng dụng Việt mà cả KakaoTalk – một ứng dụng đến từ Hàn Quốc, cũng buộc phải rút lui sau cuộc đấu căng thẳng và tốn kém. 

Dịch vụ, sản phẩm Việt thường “thua trên sân nhà”, trong đó có không ít những người đi trước Zalo. Đơn cử mạng xã hội Zing Me – một “người anh” của Zalo, từng lớn mạnh rất nhanh nhưng rồi bị blog Yahoo!360 làm nghiêng ngã, song đáng nói nhất là bị Facebook cạnh tranh mất chỗ đứng. Có lẽ VNG rút ra được bài học xương máu từ đó cho nên khi cho ra đời Zalo, họ đã phải dù hi sinh nhiều thứ trong đó có mảng thương mại điện tử, để giữ cho bằng được vị thế trên thị trường ứng dụng OTT.

Trong 20 triệu người dùng Zalo, có nước mắt đau đớn của Wala non trẻ và quá lành về thương trường, có nỗi uất hận của KakaoTalk khi không thể làm gì khác là phải rút lui khỏi thị trường Việt Nam, có nỗi đắng cay của LINE khi tiền bỏ ra nhiều mà không thể lấy được người dùng như mong muốn, thậm chí có cả một Viber lơ là chủ quan “tọa sơn quan hổ đấu” nhưng bây giờ bật ngửa vì lượng người dùng giẫm chân tại chỗ trong khi Zalo tăng trưởng tự nhiên hai con số một cách ổn định.

Nói theo ngôn ngữ…kiếm hiệp thì Zalo đã là một “anh hào” trong số các OTT tại thị trường Việt trong cuộc chiến “tam phân” với LINE và KakaoTalk trước đây, và cũng là “anh hào” ngang ngửa vai vế so với Viber hiện tại. Vấn đề đáng lưu ý là, trên thị trường OTT Việt hiện nay, chỉ Zalo là còn có tiếng nói và khả năng cạnh tranh với các OTT nước ngoài tràn vào.

Thoát nỗi nhục “thua trên sân nhà”

Với con số 20 triệu người dùng, Zalo bằng tất cả các OTT ngoại là Viber, LINE, BeeTalk…cộng lại. Có một câu hỏi đặt ngược lại là: Nếu năm 2012 VNG không ra mắt ứng dụng OTT Việt Zalo thì sao? Và quan trọng hơn là nếu VNG không đầu tư mạnh để quyết giành lấy thị trường thì sẽ như thế nào?

Thời điểm tháng 8.2012 khi Zalo ra mắt phiên bản thử nghiệm đầu tiên, WeChat đã được biết đến nhiều tại Việt Nam, LINE và KakaoTalk mới đặt chân đến thị trường Việt và bung hàng triệu đôla để quảng bá thu hút người dùng, còn Viber thì chễnh chệ thế ông lớn không cần quan tâm chăm sóc người dùng Việt vì họ chẳng cần làm thị trường thì cũng đã có hàng triệu người dùng.

Như vậy nếu Zalo không xuất hiện, thì thế “tam phân” trên thị trường có lẽ là 3 OTT ngoại Viber-LINE-KakaoTalk. Và thị trường OTT hiện nay sau khi Wala thất bại, Btalkcòn im lìm, thì nghiễm nhiên nằm trong tay các ứng dụng OTT nước ngoài, và nỗi nhục “thua trên sân nhà” tiếp tục dai dẳng bám đuổi các OTT Việt.

Nhưng Zalo đã thay đổi thực tế đó, đánh bạt LINE và KakaoTalk, sau đó trực tiếp cạnh tranh với Viber khiến Viber phải bung tiền làm quảng bá từ đầu năm 2014 đến nay. Thị trường OTT Việt thoát nỗi nhục “thua trên sân nhà” đã đành, mà ngành OTT Việt cũng “mát mặt” khi còn có đại diện không chỉ trụ được mà còn lớn mạnh với lượng người dùng bằng tất cả các OTT ngoại cộng lại.

Thị trường Việt không có nhiều trường hợp sản phẩm, dịch vụ làm được như Zalo trước sự cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ cùng chủng loại của nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ lại càng hiếm. Zalo giúp giữ thế cân bằng trên thị trường OTT Việt và cũng có thể giúp người dùng tránh được nguy cơ bị các OTT ngoại mặc sức thao túng lái người dùng Việt theo ý đồ của họ giống như Yahoo! một thời và Google, Facebook hiện nay đang làm.

Tháng 1.2014, khi Viber chính thức mở văn phòng tại TPHCM, nhiều ý kiến cho rằng OTT này sẽ tiếp tục chiếm thế áp đảo về số người dùng (xem video clip). Tuy nhiên đến nay, số người dùng Viber đã đứng sau Zalo.