Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ sáu, ngày 17/05/2024

Quản lý chặt sim "rác"

21/11/2014 12:12 CH

Người tiêu dùng có thể dễ dàng mua được sim"rác" ở bất cứ nơi nào

Hậu quả lớn từ chiếc sim nhỏ

Về Việt Nam thăm gia đình, anh Nguyễn Anh Tú, một Việt kiều sinh sống tại CHLB Ðức rất ngạc nhiên vì có thể mua sim DÐTT tại đại lý sim gần nhà mà không cần làm bất kỳ thủ tục đăng ký nào. Ban đầu tuy thấy việc này thật tiện lợi, nhưng sau khi ngẫm lại, anh Tú thắc mắc: Ở Ðức, khi một ai đó muốn sở hữu một số thuê bao di động đều phải tiến hành thủ tục đăng ký rất rườm rà và tốn thời gian. Nhưng Chính phủ cũng như các nhà mạng của Ðức đã khuyến cáo, quá trình này giúp bảo đảm sự chặt chẽ trong việc quản lý thông tin các thuê bao di động, tránh việc kẻ xấu lợi dụng điện thoại di động để phạm pháp. Nhưng ở Việt Nam, nếu cứ mua sim mà không cần lưu lại tên tuổi, nhỡ chẳng may có người sử dụng các số này để gọi điện tống tiền, lừa đảo,... thì biết truy, tra thế nào?

Thực tế, ở nước ta cũng đã có quy định rất rõ về thủ tục cho việc đăng ký thuê bao DÐTT. Thông tư 04/2012/TT-BTTTT về quản lý thuê bao DÐTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định, chủ thuê bao mua sim mới để sử dụng dịch vụ DÐTT, chủ thuê bao đang sử dụng dịch vụ DÐTT nhưng chưa đăng ký thông tin thuê bao hay chủ thuê bao thay đổi thông tin thuê bao phải đến đăng ký trực tiếp tại điểm đăng ký để cung cấp số thuê bao, xuất trình chứng minh nhân dân (CMND) hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng cho nhân viên hoặc chủ điểm đăng ký thông tin thuê bao; điền thông tin đăng ký vào "Bản khai thông tin thuê bao di động trả trước" theo mẫu thống nhất do doanh nghiệp ban hành... Tuy nhiên, vì muốn nhanh chóng mở rộng thị phần và thu lợi, các nhà mạng đã cố tình làm ngơ, cho phép các đại lý thoải mái thực hiện việc đăng ký "ảo" cho sim DÐTT. Kết quả của đợt Thanh tra diện rộng quản lý thuê bao DÐTT tại các doanh nghiệp và gần 30 nghìn điểm đăng ký trên cả nước do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đã phát hiện rất nhiều câu chuyện "bi hài". Ngoài việc các thuê bao đăng ký với tên "không tưởng" như AADS, asd, Khong Chinh Chu, A B C... vẫn được kích hoạt, cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều ảnh CMND lưu trên hệ thống của nhiều thuê bao DÐTT là ảnh diễn viên điện ảnh, người uống bia, ảnh em bé, hay tờ giấy trắng,...

Và hậu quả, kẻ xấu có thể tha hồ sử dụng những chiếc sim "ảo" này để thực hiện các hành vi phạm pháp, như lừa khách hàng gọi lại vào đầu số 1900xxxxxx để trục lợi, gửi tin nhắn "rác" hay nghiêm trọng hơn là lừa đảo, bắt cóc tống tiền... Còn các cơ quan chức năng vì không có thông tin chính xác, sẽ gặp muôn vàn khó khăn trong việc truy tìm và xác định thủ phạm.

Thiếu tính răn đe

Thực tế cho thấy, sau những hành động quyết liệt của Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm chấn chỉnh nạn sim "rác", tình hình đã có những chuyển biến tích cực. Nhất là từ khi Thông tư 14/2012/TT-BTTTT về quy định giá cước dịch vụ thông tin di động mặt đất ra đời và có hiệu lực, buộc các nhà mạng phải thu phí hòa mạng (25 nghìn đồng/sim trả trước), đồng thời cấm nhà mạng nạp tiền sẵn vào các sim thuê bao đang lưu thông hoặc chưa hòa mạng,... đã "phanh" rất hiệu quả sự phát triển tràn lan của sim "rác". Trước đây, mua sim với giá khoảng 50 nghìn đồng là khách hàng có ngay 150 nghìn đồng khuyến mãi trong tài khoản. Hiện nay, việc mua một sim "rác" mới vừa tốn tiền hòa mạng, vừa không có khuyến mãi một, hai trăm nghìn đồng như trước, nên chẳng còn mấy ai thiết tha với thói quen "mua sim thay thẻ cào". Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, sim có đăng ký "ảo" vẫn được bán tràn lan trên thị trường. Trưởng phòng cơ sở hạ tầng kết nối, Cục Viễn thông ( Bộ Thông tin và Truyền thông) Giang Văn Thắng nhận định: Một giải pháp hiệu quả để giải quyết triệt để nạn sim "rác" là việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc này đã được Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì triển khai. Khi hệ thống được hoàn thành trong nay mai, sẽ giúp cơ quan quản lý và các nhà mạng dễ dàng đối soát thông tin khi phát sinh đăng ký thuê bao di động mới và tất nhiên, việc kích hoạt thuê bao chỉ được thực hiện khi thông tin đăng ký chính xác.
 
Mặc dù vậy, các đại lý bán sim vẫn có trăm nghìn cách để đối phó với việc thanh, kiểm tra. Lâm Văn Vượng, chủ một đại lý bán sim trên đường Lạc Long Quân bật mí: Muốn đăng ký sim "ảo" mà không bị phát hiện rất đơn giản. Những tập thông tin cá nhân với đầy đủ tên, tuổi, bản sao CMND,... được bán đầy trên mạng với giá rẻ như bèo. Mua về, dùng để đăng ký cho sim "rác", cơ quan chức năng có kiểm tra cũng khó có thể phát hiện sai phạm. Ðể giải quyết vấn đề này, cần xử lý mạnh tay hơn với các trường hợp sai phạm. Hiện nay, hình thức xử phạt còn quá nhẹ, không đủ tính răn đe cho nên các đại lý bán sim có hiện tượng "nhờn luật". Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, các nhà mạng cần xem xét việc thu hẹp diện phụ trách đăng ký. Theo thống kê, mỗi đại lý sim trung bình hằng năm có thể bán ra từ vài trăm đến vài nghìn sim thuê bao DÐTT, đồng nghĩa với việc họ đang lưu giữ thông tin của hàng nghìn khách hàng. Việc chỉ cho phép các phòng giao dịch, chăm sóc khách hàng,... của nhà mạng mới có quyền thực hiện đăng ký thuê bao di động mới không chỉ giúp giải quyết nạn đăng ký "ảo", mà còn bảo mật tốt hơn thông tin cá nhân của khách hàng. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, để mỗi người dân đều ý thức rõ tính đúng đắn cũng như quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc đăng ký đầy đủ thông tin thuê bao di động.

Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông vừa kiểm tra trực tiếp trên địa bàn ba tỉnh Khánh Hòa, Bạc Liêu, Sơn La. Kết quả kiểm tra trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cho thấy, tất cả các điểm đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước bị kiểm tra đều có niêm yết quy trình đăng ký thông tin, có hợp đồng ủy quyền đăng ký thông tin thuê bao; nhưng không có máy scan hoặc phô-tô cóp-pi, không treo biển hiệu điểm đăng ký thông tin thuê bao, nhân viên không thao tác thực hiện đăng ký thông tin thuê bao được.