Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ ba, ngày 07/05/2024

Nên chọn đối tác chiến lược nào cho MobiFone?

12/08/2014 12:49 CH

Cổ phần hóa MobiFone sẽ thúc đẩy thị trường viễn thông phát triển và thúc đẩy cạnh tranh bền vững theo hướng minh bạch hơn.

Theo ông Mai Liêm Trực, cổ phần hóa MobiFone sẽ tạo ra luồng gió mới cho công ty lâu nay vẫn chiếm 100% vốn Nhà nước, và các cổ đông chiến lược sẽ có tiếng nói về chiến lược, tầm nhìn. Đương nhiên, cổ phần hóa một công ty lớn của nhà nước như vậy thì sẽ có rất nhiều yếu tố mà không thể một hai người đánh giá chủ quan được mà phải thuê bên thứ ba đánh giá tài sản, cho đến việc chào cổ đông chiến lược… Thêm vào đó sẽ phải sử dụng cơ chế đấu thầu về cổ phiếu của MobiFone ngoài các cổ đông chiến lược.

Trả lời câu hỏi của ICTnews nên chọn đối tác chiến lược nào cho MobiFone khi mạng di động này cổ phần hóa? Ông Mai Liêm Trực cho rằng, việc chọn đối tác chiến lược đã có kinh nghiệm từ rất nhiều nước. Đối với những công ty lớn, những cổ đông lớn là đối tác lớn sẽ có trách nhiệm, có quyền. Những cổ đông nhỏ lẻ thì họ thường chỉ tham gia một phần, họ hưởng lợi tức chứ những đóng góp cho chiến lược, tầm nhìn, cơ chế hoạt động thì phải cổ đông lớn tham gia vào thì mới đủ sức đưa công ty lớn như vậy theo tầm nhìn, chiến lược tốt.
 
Còn việc tìm cổ đông chiến lược thì đương nhiên là MobiFone phải mời các cổ đông chiến lược và phải nhờ các công ty thẩm định các đối tác có thể trở thành cổ đông chiến lược. Khi các công ty muốn trở thành cổ đông chiến lược thì họ phải cạnh tranh với nhau, sau đó sẽ có quá trình rà soát rất tỉ mỉ, từ đó mới chọn ra một cổ đông chiến lược cho công ty. Đó là quy trình mà các nước đã sử dụng trong khi cổ phần hóa các công ty lớn. “Việc chọn đối tác chiến lược cho MobiFone phải được thẩm định tốt và quá trình đàm phán với các đối tác chiến lược tiềm năng để tìm đúng một đối tác phù hợp nhất”, ông Trực nhấn mạnh.
 
Trước đó, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) khẳng định, cổ phần hóa MobiFone sẽ thúc đẩy thị trường viễn thông phát triển và thúc đẩy cạnh tranh bền vững theo hướng minh bạch hơn. Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO thì cổ phần của doanh nghiệp nước ngoài trong các doanh nghiệp hạ tầng của Việt Nam có thể chiếm đến 49% cổ phần mà viễn thông cũng là hạ tầng.
 
Từ năm 2006, việc cổ phần hóa MobiFone cũng đã được Chính phủ công bố. Tuy nhiên, do nhiều lý do trong đó về cơ bản do VNPT không sẵn sàng cho việc cổ phần hóa mạng di động này. Tại thời điểm năm 2006, khi Chính phủ công bố sẽ cổ phần hóa MobiFone thì đã có 9 tập đoàn tài chính, ngân hàng nước ngoài như Credit Suisse (Thuỵ Sỹ), Deutsche Bank (Đức), Goldman Sachs (Mỹ), Morgan Stanley (Mỹ), Rothschild (Đức) và UBS (Mỹ)... nộp hồ sơ thầu tư vấn về cổ phần hoá cho MobiFone. Nhà thầu tư vấn sẽ cùng với MobiFone định giá tài sản, lựa chọn đối tác chiến lược cũng như hoạch định các bước tiến hành cổ phần hoá mạng di động này. Sau đó Credit Suisse đã trúng thầu. Cũng tại thời điểm đó có rất nhiều hãng viễn thông nước ngoài như SingTel, Telenor, Comvik, T-Mobile, Vodafone… đổ bộ vào Việt Nam để tìm kiếm vị trí đối tác chiến lược với MobiFone. Tuy nhiên, sau một thời gian dài chờ đợi, những hãng viễn thông này đã không còn kiên nhẫn chờ đợi việc cổ phần hóa MobiFone và rút khỏi Việt Nam.
 
Nhưng sau khi Chính phủ khẳng định sẽ sớm cổ phần hóa MobiFone thì một số đối tác đã bắt đầu quay trở lại. Mới đây, ông M. A Zaman, Chủ tịch công ty Comvik International Vietnam AB đã có buổi làm việc với Bộ TT&TT để bày tỏ mong muốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt rất quan tâm đến việc đầu tư vào MobiFone. Ông Zaman cho biết công ty Comvik đã cùng cam kết xây dựng và phát triển mạng MobiFone từ năm 1990 đến năm 2005. Là một công ty tiên phong từ sớm, cả MobiFone và Comvik đều đã dành rất nhiều thời gian để xây dựng nên hệ thống MobiFone. Tuy nhiên, đến năm 2005, Comvik đã tạm ngừng làm việc với MobiFone. Ông Zaman cho biết, quá trình hợp tác và đầu tư lâu dài tại Việt Nam đã giúp ông hiểu biết nhiều về Việt Nam cũng như xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, lâu dài. Chính vì thế, ông Zaman tin rằng Comvik và cá nhân ông có cơ hội và khả năng thành công tốt hơn để đầu tư vào MobiFone so với các nhà đầu tư nước ngoài khác.