Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ ba, ngày 30/04/2024

VNPT sẽ ra sao khi không còn MobiFone?

12/08/2014 11:50 SA

Với tình hình kinh doanh của VNPT hiện nay, Tập đoàn vẫn đảm bảo thu nhập của người lao động không bị ảnh hưởng.

Khoảng trống mang tên MobiFone
 
Ông Phạm Long Trận, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT cho biết, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu VNPT. Chính phủ đã đưa ra rất nhiều nhiệm vụ, trong đó VNPT phải khắc phục, thay đổi để phát triển. Từ 1/7/2014, VNPT bàn giao nguyên trạng MobiFone về Bộ TT&TT quản lý, sau đó chuyển sang quá trình cổ phần hóa mạng di động này.

Cũng theo ông Phạm Long Trận, rõ ràng việc tách MobiFone ra bước đầu sẽ có những khó khăn cho VNPT vì mạng di động này đang là lực lượng chủ lực, tiên phong của VNPT. MobiFone đang chiếm phần lớn lợi nhuận của VNPT, bây giờ tách ra, rõ ràng VNPT sẽ bị trống trải. Thế nhưng, như chúng ta thấy trong đời sống hàng ngày, càng khó khăn thì càng phải cố gắng. Khi MobiFone tách ra, VNPT có thể thua thiệt về lợi nhuận, nhưng có khi khó khăn VNPT mới vươn lên được. “Không phải thời điểm này VNPT mới tiến hành tái cơ cấu, mà trước đó VNPT đã tách Bưu chính ra khỏi Tập đoàn này. Việc tách MobiFone cũng giống như là một truyền thống của dân tộc khi chọn đứa con ra ở riêng sẽ phải là đứa con có điều kiện mạnh khỏe để trong tương lai, kể cả VNPT hay MobiFone sẽ có điều kiện phát triển hơn, năng động hơn, khắc phục những yếu kém”, ông Phạm Long Trận nói.
 
Theo ông Phan Hoàng Đức, Phó Tổng giám đốc thường trực Tập đoàn VNPT, tách MobiFone đương nhiên ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động SX-KD của VNPT. MobiFone có hơn 40 triệu thuê bao, chiếm tỷ trọng doanh thu rất lớn của Tập đoàn. Khi tách MobiFone từ 1/7, VNPT đã phải điều chỉnh kế hoạch doanh thu và lợi nhuận. Kế hoạch đầu năm 2014 của VNPT (có cả doanh thu của MobiFone) dự kiến đạt hơn 120.000 tỷ đồng, nay VNPT đã điều chỉnh xuống còn 86.000 tỷ đồng, lợi nhuận giảm xuống còn 2.600 tỷ đồng.
 
Ông Phan Hoàng Đức cũng khẳng định, khi MobiFone tách ra sẽ đảm bảo tách nguyên trạng cơ cấu tổ chức, tài chính, cơ sở hạ tầng mạng lưới và các dự án đầu tư của MobiFone. Do đó, quyền lợi của người lao động không bị ảnh hưởng, việc sản xuất kinh doanh của MobiFone cũng không có vấn đề gì đáng lo ngại. VNPT và MobiFone cam kết quá trình tái cơ cấu sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng chục triệu khách hàng của cả VNPT và MobiFone trong tất cả các dịch vụ đang cung cấp như thông tin di động, cố định, Internet…
 
Khoảng trống vẫn có thể được lấp đầy

Đề cập đến vấn đề MobiFone tách ra khỏi VNPT, ông Mai Liêm Trực đã thẳng thắn phân tích: “Bản thân tôi nếu ở cương vị VNPT, tôi không muốn tách anh nào hết, tôi muốn để cả 2 vì MobiFone cũng là công sức của VNPT bao nhiêu năm nay, gây dựng nó lên thành đứa con cả trong nhà VNPT, đứa con làm ăn tốt nhất, chiếm tới khoảng 70% lợi nhuận của VNPT. Phải nói rằng đứng về tâm lý mà nói thì VNPT không muốn tách ra, mà tách ra là một thiệt thòi cho VNPT. Tất nhiên là của Nhà nước cả, nhưng phải nói rằng đấy là công sức của VNPT, cho nên vạn bất đắc dĩ mới tách ra. Nếu tách ra thì VNPT đương nhiên khó khăn. Đó là thực tế”.
 
Tuy nhiên, ông Mai Liêm Trực cũng cho rằng, khi cổ phần hóa MobiFone, VNPT sẽ nắm một phần cổ phần trong đấy. Tất nhiên, trong một, hai năm đầu VNPT sẽ rất khó khăn. Thế nhưng VNPT vẫn còn thế mạnh về mạng lưới và thương hiệu. Sức mạnh về tài chính sau khi tách MobiFone có thể bị giảm đi một nửa, nhưng VNPT có thể dùng sức mạnh hiện có để tạo ra sức mạnh tài chính mới.
 
Tỏ ra khá lạc quan sau khi MobiFone tách khỏi VNPT, ông Trần Mạnh Hùng, Tổng giám đốc VNPT cho rằng, điều quan trọng là thu nhập gồm lương và thưởng của người lao động trong VNPT có tăng lên sau khi tiến hành tái cơ cấu hay không. Với tình hình kinh doanh của VNPT hiện nay, Tập đoàn vẫn đảm bảo thu nhập, đời sống của người lao động không bị ảnh hưởng.

Ông Trần Mạnh Hùng cũng cho biết, từ năm 2010 đến nay phần lợi nhuận của MobiFone nộp về hầu như không có quay trở lại đầu tư cho Tập đoàn mà phải nộp vốn điều lệ cho Tổng công ty Bưu điện sau khi tách khỏi VNPT. “Khi MobiFone tách ra, VNPT vẫn có quỹ đầu tư phát triển vì hiện nay vốn đầu tư phát triển của Tập đoàn là gần 10.000 tỷ đồng, trong khi đó kế hoạch đầu tư năm nay chỉ khoảng 9.000 tỷ đồng. Thế nên việc tách MobiFone ra hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc hoạt động và đầu tư của VNPT. Tất nhiên, nếu MobiFone nằm trong VNPT thì Tập đoàn sẽ có nhiều tiền hơn để đầu tư vào các dự án lớn”, ông Trần Mạnh Hùng nói.
 
 Ông Mai Văn Bình, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch MobiFone cho biết, mặc dù tách ra khỏi VNPT nhưng khi MobiFone cổ phần hóa, VNPT sẽ đề xuất được sở hữu tối đa 20% trong MobiFone. Đồng thời, hai bên vẫn coi nhau là đối tác, là anh em, hợp tác để tạo bước đột phá cùng phát triển. Ông Bình cũng khẳng định, sau khi cổ phần hóa MobiFone sẽ hoạt động tốt hơn do tối ưu hóa được khâu quản trị và chắc chắn là hoạt động hiệu quả hơn. Sau khi tách ra, MobiFone sẽ coi Tập đoàn là đối tác chiến lược, hỗ trợ nhau cùng phát triển, cùng tạo ra những lợi ích cho nền kinh tế nói chung.