Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ hai, ngày 29/04/2024

Bị dựng dậy lúc nửa đêm vì tin “rác”

11/08/2014 16:52 CH

Nhiều người dùng Viber ngơ ngác vì bị cho vào một nhóm không quen biết và bị dồn dập nhận tin nhắn rác (Ảnh: Chí Cường/ Gia đình.net)

“Tấn công” mọi thời điểm
 
Không ít khách hàng than thở họ thường xuyên bị dựng dậy bởi những tin nhắn “rác”, phiền toái nhất là nó được chuyển đến lúc nửa đêm. Những tin nhắn này xuất hiện ở tất cả các OTT (dịch vụ tin nhắn, điện thoại miễn phí) quen thuộc như Viber, Zalo, Line, Kakao Talk…
 
Chị Nguyễn Thị Bình (khu đô thị Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) ức chế: “Khoảng nửa tháng nay tôi thường xuyên bị dựng dậy lúc12h đêm. Lúc thì từ mạng chính thống, lúc thì ở mạng miễn phí. Nhiều lúc cũng đoán là tin “rác” nhưng không xem thì sợ có chuyện gì gấp mình không biết. Trong khi đó, tôi rất khó ngủ đã bị dựng dậy là gần như không ngủ lại được”. Cũng theo lời chị Bình thì chị đang sử dụng dịch vụ Zalo nghe gọi miễn phí, vui vì có thể chát, nói chuyện với bạn, người thân cả ngày mà không bị mất thêm tiền nhưng lại chịu phiền toái nhiều lúc quá sức chịu đựng. Vì chị đi làm cả ngày, chỉ sau 11h đêm mới được đặt lưng xuống giường nhưng hay bị dựng dậy bởi những tin nhắn vô bổ.
 
Chị Lê Thị Quỳnh Trang (Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi cài dịch vụ Viber và thấy phát phiền với tin nhắn “rác”. Một ngày thường nhận đến ngót chục cái tin nhắn, lúc thì giảm giá quần áo, bán chăn ga gối đệm, sim số đẹp, dịch vụ làm đẹp đến bán bất động sản, thông báo trúng thưởng… Mới đây thì bị cho vào một nhóm của Viber mà hỏi các thành viên không biết ai thành lập sau đó thì liên tục nhận được tin rác, ai vào đó cũng kêu trời vì bị “tra tấn” quá nhiều”.

Anh Trịnh Hải Nam (phố Lãn Ông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bức xúc: “Có hôm đang lái xe trên đường nghe thấy điện thoại 4 lần đổ chuông rồi tin nhắn liên tiếp. Tưởng ở nhà hoặc công ty có việc gì gấp hoặc việc quan trọng cần trao đổi nên tôi rất sốt ruột. Đi một đoạn đường dài mới có chỗ cho phép dừng đỗ, tôi táp lại bên đường xem điện thoại thì có 2 cuộc nhà gọi, hai cuộc của người xa lạ từ Viber còn các tin nhắn thì toàn quảng cáo bán sim số đẹp, tải game hot nhất, bán mật ong, giày dép giảm giá…”. Cũng theo anh Nam thì anh còn nhận được khá nhiều tin “nhạy cảm” đến vào lúc 2h sáng như “muốn nghe chuyện XXX lần đầu của em không, em khó ngủ nên muốn kể lại”; Hay “Em đang muốn “tặng quà” cho anh đêm nay”...
 
Điều đáng nói là vì dùng dịch vụ OTT nên người cùng mạng dễ dàng nhận biết chủ thuê bao điện thoại đó là nam hay nữ nếu có ảnh avatar nên chuyện nhận được những tin nhắn gợi dục từ dịch vụ OTT không còn là chuyện hiếm.
 
Bị “móc túi” chỉ biết kêu trời

Đối với những tin nhắn quảng cáo, mời gọi mua hàng, thường khách chỉ bị làm phiền, không dễ bị “móc túi” nhưng những tin nhắn quảng cáo tải game, tải nhạc, tin nhắn “mùi mẫn” gợi dục… thì đã có không ít khách hàng bị “móc túi” mà chỉ biết kêu trời.
 
Anh Nguyễn Văn Sĩ (trú tại phố Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Ngoài thời gian làm việc ở cơ quan, tôi muốn giải thoát khỏi chiếc điện thoại vì sợ bị làm phiền. Vừa rồi tôi tá hỏa vì không hiểu sao tiền cước điện thoại lại tăng vượt trội tới 1,2 triệu đồng/tháng. Tôi gọi tổng đài thì được biết, tôi đã nhắn tin cài đặt game. Về tra thì con trai thừa nhận và số tiền cước cứ thế nhân lên. May mà đó là vào dịp cuối tháng và tôi đã kịp chặn, không thì rỗng túi”.
 
 “Hiện nay có nhiều đối tượng sử dụng phần mềm để rút tài khoản của khách hàng sử dụng điện thoại di động qua mạng Internet. Chẳng hạn, khi nhận được tin nhắn quảng cáo mà khách hàng tò mò kích vào, hệ thống sẽ tự động đăng nhập và tính phí cả tháng mà khách hàng không thể hủy được dịch vụ. Có không ít trường hợp khách hàng phải thực hiện việc khóa hai chiều sau đó kích hoạt lại thì mới hủy được dịch vụ “móc túi”. Một kiểu móc túi nữa là khi khách hàng cần tra cứu kết quả xổ số, kết quả trận đấu… nhưng có những đầu số khách hàng nhắn tin đến là bị “chém” tới 15.000- 30.000 đồng/tin, trong khi mức giá thông thường là 5.000 đồng/tin”, ông Lý Bá Tân - Giám đốc Công ty Tin học và ứng dụng BMV cảnh báo.
 
Nhà mạng vẫn “bất lực”?
 
Có không ít khách hàng bức xúc vì thường xuyên bị tấn công bởi tin nhắn “rác” và gọi đến Trung tâm Chăm sóc khách hàng của các nhà mạng để cầu cứu. Sau khi phản ánh, khách hàng đều được nhân viên Tổng đài tư vấn cách này hay cách khác nhưng thông tin mà chúng tôi nhận được từ cuộc khảo sát bỏ túi thì chưa khách hàng nào được hỗ trợ hiệu quả trong việc ngăn chặn tin nhắn “rác” từ các nhà mạng.

Ông Nguyễn Thanh Hòa - Giám đốc điều hành Công ty Wala (đơn vị cung cấp dịch vụ Wala) thừa nhận ứng dụng OTT nào cũng bị “rác” tấn công. “Vì số lượng người dùng những dịch vụ này không ngừng gia tăng nên những kẻ lừa đảo tận dụng tối đa ưu thế miễn phí để tìm bạn của các ứng dụng này. Người dùng dễ dàng nhận online thường xuyên nhờ kết nối 3G hoặc WiFi. Wala cũng đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật và đã hạn chế rất nhiều, nhưng vẫn chưa loại bỏ hoàn toàn được”, ông Hòa nói.
 
Ông Trần Vũ Hà - Giám đốc Trung tâm Thông tin (Bộ TT&TT) cũng cho biết, tình trạng tin nhắn rác OTT đang diễn ra phức tạp và chưa có quy định quản lý cũng như chế tài xử phạt nên người dùng liên tục bị tin nhắn “ rác” tra tấn. Nhất là với các OTT có máy chủ đặt ở nước ngoài như Viber, Line thì rất khó để quản lý cũng như ra quy định.