Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ sáu, ngày 17/05/2024

Tái cơ cấu VNPT: Cơ hội bứt phá

14/07/2014 12:59 CH

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh MobiFone Nguyễn Chí Thanh - Hà Nội.

Công ty thành tổng công ty "Nhiệm vụ đầu tiên của Mobifone là bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, hiệu quả ngay từ khi tách ra, không để bị gián đoạn". Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Bắc Son trong cuộc họp công bố Quyết định chuyển quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại Mobifone từ VNPT về Bộ TTTT. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết: Mobifone là một trong những doanh nghiệp (DN) lớn nhất nước ta, với mức vốn điều lệ lên tới 12.600 tỷ đồng, doanh thu hằng năm đạt 39.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Mobifone sở hữu hình thức quản trị rất tiên tiến, mạng lưới dịch vụ và bán hàng rộng khắp, luôn hoạt động hiệu quả và có mức lợi nhuận cao... Chính vì thế, việc tổ chức lại Mobifone thành Tổng công ty (TCT) Mobifone sẽ mang đến một tầm vóc mới tương xứng với quy mô cho DN. Đồng thời, nâng cao giá trị cho Mobifone khi tiến hành cổ phần hóa (CPH), tạo nên sự cạnh tranh bình đẳng trong tương lai, khi đối thủ chính của Mobifone là các tập đoàn lớn khác như VNPT, Viettel...
 
Quyết định 888/QĐ-TTg dường như quá ưu đãi Mobifone, khi được tách ra với đầy đủ "của hồi môn" mà không phải đeo theo bất kỳ gánh nặng nào. Cùng với việc được tổ chức lại thành TCT kinh doanh nhiều loại hình dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) hoàn chỉnh.., Mobifone đang đứng trước một cơ hội chưa từng có để phát triển trở thành một tập đoàn viễn thông mạnh. Vấn đề cần quan tâm là sẽ tiến hành CPH như thế nào để vừa thúc đẩy được sự phát triển của Mobifone trong tương lai, vừa bảo đảm được lợi ích của các bên, trong đó có việc thu hồi đầy đủ vốn Nhà nước. TS Mai Liêm Trực bày tỏ: Mobifone là công ty lớn nhất được đưa ra CPH từ trước đến nay ở nước ta. Vì thế, nó sẽ ảnh hưởng rộng khắp, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ không những của các cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư mà còn của toàn xã hội. Bộ TTTT cũng như Mobifone trong quá trình CPH chắc chắn phải thành lập ban chỉ đạo, để xác định rõ những nội dung quan trọng như: vốn điều lệ công ty cổ phần, giá trị tài sản DN (cả vô hình và hữu hình), cơ cấu và giá phát hành cổ phiếu lần đầu tiên cũng như việc xác định và lựa chọn cổ đông chiến lược...

Theo TS Mai Liêm Trực, riêng việc lựa chọn cổ đông chiến lược sẽ là hạng mục quan trọng nhất, vì nó quyết định đến phần lớn sự phát triển của Mobifone trong tương lai. Một nhà cổ đông chiến lược có năng lực kinh tế hùng hậu, năng lực quản trị hiệu quả và tiên tiến,... sẽ là cầu nối vững chắc nhất đưa Mobifone đến với thành công. Vì vậy, trước hết cần xác định rõ những tiêu chí, yêu cầu đối với một cổ đông chiến lược. Ở đây nên để các công ty tư vấn độc lập nước ngoài đánh giá, thẩm định năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm quản lý kinh doanh,... để đưa ra được đánh giá công minh, chính xác nhất về các "ứng cử viên"... Trong quá trình đàm phán, ngoài việc bảo đảm lợi ích của Nhà nước cũng cần hiểu và cảm thông với những khó khăn và rủi ro của cổ đông chiến lược. Phải có tầm nhìn dài hạn, thì đàm phán mới nhanh chóng đi đến thống nhất, tạo đà cho việc tiếp tục triển khai, xúc tiến những hạng mục quan trọng khác của quá trình CPH. Nên lựa chọn từ một đến hai cổ đông chiến lược, trong đó có thể có một DN nước ngoài, vì Mobifone đã có 10 năm kinh nghiệm trong hoạt động liên doanh cùng Comvik của Thụy Điển, rất chuyên nghiệp và đạt hiệu quả tốt.
Nhưng quan trọng hơn hết, quá trình CPH phải có sự chỉ đạo và giám sát chặt chẽ của các cơ quan hữu quan, để bảo đảm đầy đủ tính công khai, minh bạch và khẩn trương cần thiết.
 
Biến khó khăn thành lợi thế Trong khi tái cơ cấu đang mang lại cơ hội vàng cho Mobifone, thì nhiều chuyên gia lại cho rằng, VNPT sẽ lâm vào tình trạng khó khăn. Theo TS Mai Liêm Trực, Mobifone luôn chiếm hơn một nửa doanh thu và lợi nhuận của toàn Tập đoàn, đồng nghĩa với việc VNPT sẽ gặp khó khăn lớn về tài chính khi Mobifone tách ra, ít nhất là trong vài năm đầu. Tuy nhiên, chính những khó khăn đó sẽ biến thành động lực, thời cơ để VNPT tự vươn lên, làm mới mình và tiếp tục phát triển vững mạnh. VNPT có những sức mạnh nội tại mà bấy lâu nay chưa được tận dụng một cách đúng mức như VNPT hiện đang sở hữu mạng lưới điện thoại cố định mạnh, mạng di động với đầy đủ băng tần, cùng với hệ thống kinh doanh bán hàng rộng khắp cả nước. Tiếp đó, đội ngũ cán bộ, công nhân viên, kỹ thuật viên, nghiệp vụ điều hành viên... của VNPT rất hùng hậu, chuyên nghiệp, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ. Thêm nữa, VNPT là một thương hiệu có uy tín.
 
Cuối cùng, vốn luôn là tập đoàn kinh doanh có lãi cho nên dù mất đi phần thu từ Mobifone, nhưng với khả năng tài chính sẵn có, cộng thêm nguồn vốn có được qua quá trình CPH Mobifone và thoái vốn từ các đơn vị khác, VNPT sẽ có đủ "lực" cho quá trình phát triển và cho cuộc đua tranh quyết liệt trong tương lai.
 
Vậy vấn đề cốt lõi là làm sao để phát huy một cách cao nhất những sức mạnh đó? TS Mai Liêm Trực cho rằng: Nhiều thế mạnh như vậy mà lâu nay chưa phát huy được triệt để, nguyên nhân chính là do vấn đề nhận thức của cán bộ, công nhân viên, do cơ chế hoạt động lạc hậu của tập đoàn, trong đó có cơ chế về lao động, tuyển chọn và sử dụng cán bộ, cơ chế tài chính và tiền lương, đầu tư, điều hành kỹ thuật nghiệp vụ và tổ chức... Do vậy, cần có sự thay đổi mạnh mẽ về tổ chức và nhân sự, phải chọn những người giỏi và tâm huyết vào các vị trí đứng đầu các đơn vị.
 
Đây cũng là dịp để lãnh đạo VNPT và các đơn vị nên công khai, minh bạch những khó khăn của tập đoàn, để tạo nên ý chí thống nhất chung, cùng nhau lập tức bắt tay đối mặt giải quyết những khó khăn...
 
Đồng tình với ý kiến trên, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định: VNPT là một trong những tập đoàn lớn của nước ta, góp phần rất lớn vào công cuộc xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an toàn an ninh quốc phòng. "Vì vậy, tôi tin rằng, tuy sẽ khó khăn về tài chính trong một vài năm đầu, nhưng nếu VNPT phát huy được các thế mạnh sẵn có của mình; với quyết tâm mới, sáng tạo mới, biến khó khăn thành lợi thế để gượng dậy, VNPT sẽ ngày càng lớn mạnh và tiếp tục giữ vững vị trí chủ lực của ngành viễn thông và CNTT của nước ta trong tương lai", Bộ trưởng Son nhấn mạnh.