Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ sáu, ngày 17/05/2024

Viettel xin giảm cước,VinaPhone-MobiFone bí mật giữ chiêu

11/07/2014 14:36 CH

Hiện cả Vinaphone và MobiFone vẫn đang bí mật về bước đi trước đòn hạ giá cước ngoại mạng của Viettel

Theo thông tin trên tờ Dân trí, sau đề nghị của Viettel muốn giảm giá cước di động ngoại mạng xuống mức ngang bằng với cước nội mạng, hai nhà mạng VinaPhone và MobiFone chưa cho biết liệu có điều chỉnh giá cước nhằm giữ chân khách hàng “chạy” hay không.
 
Đại diện của VinaPhone cho rằng mỗi doanh nghiệp sẽ có từng chiến lược riêng trong kinh doanh. Việc Viettel đề xuất giảm giá cước cũng là một chiến lược riêng của họ.
 
Tuy nhiên, VNPT và VinaPhone sẽ theo cung cầu của thị trường, và nếu Bộ TT&TT đồng ý để Viettel giảm cước thì VinaPhone, trực thuộc VNPT, dưới sự quản lý của Bộ TT&TT cũng sẽ xem xét đến việc điều chỉnh giá cước di động.

Trong khi đó, nhà mạng MobiFone tỏ ra thận trọng trong kế hoạch sắp tới của mình. Đại diện MobiFone cho biết đây là vấn đề quan trọng nên hãng sẽ phải bàn tính kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định của mình.
 
Theo một chuyên gia trong ngành viễn thông chia sẻ trên Dân trí, việc Viettel đưa ra đề xuất trong bối cảnh cả MobiFone, VinaPhone và tất cả các mạng nhỏ khác đều đang gặp khó khăn trong nền kinh tế hiện nay thực chất là một “đòn đánh” trực diện vào cả những doanh nghiệp lớn và cả doanh nghiệp nhỏ. Đánh giá khách quan thì Viettel giảm cước không hoàn toàn vì quan điểm có lợi cho khách hàng.
 
"Nếu làm một phép toán chi tiết về lưu lượng cuộc gọi ngoại mạng và nội mạng giữa 3 nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone và VinaPhone thì không khó để nhận thấy, số cuộc gọi ngoại mạng từ 56 triệu thuê bao Viettel là thấp nhất trong số 3 ông lớn. Do đó, doanh thu khi giá cước ngoại mạng giảm sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của hãng. Trong khi đó, VinaPhone với 21 triệu thuê bao và MobiFone 40 triệu thuê bao sẽ phải chịu giảm một khoản doanh thu không nhỏ", vị chuyên gia này nói.
 
Song đứng ở góc độ khác thì nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đây mới thực sự là kinh tế thị trường. Tức là trong cuộc cạnh tranh lành mạnh, dịch vụ nào tốt sẽ tồn tại và đương nhiên trong cuộc chơi đó người tiêu dùng có quyền lựa chọn.
Theo TS Lê Đăng Doanh, nếu để nói về kinh tế thị trường thì thị trường viễn thông đang đi đầu và đã có những biểu hiện rõ rệt. Chính sự cạnh tranh mới giúp người tiêu dùng hiện nay cầm cái điện thoại di động trên tay mà không phải đắn đo quá nhiều mỗi khi bấm gọi hay xem đó là thứ dịch vụ xa xỉ nữa.

"Nếu tất cả các thị trường khác như điện, xăng dầu đều làm được điều này thì mới thực sự là kinh tế thị trường", TS lê Đăng Doanh nói.