Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ sáu, ngày 17/05/2024

“VNPT là thương hiệu mạnh quốc gia”

18/06/2014 13:13 CH

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thủy Nguyên/ VnMedia)

Chiều 17/6, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị thông báo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son chủ trì hội nghị.
 
 
VNPT là mô hình Tập đoàn thí điểm thành công
 
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã đánh giá lại một số thành tựu nổi bật đã đạt được của VNPT trong thời gian thực hiện thí điểm mô hình Tập đoàn. Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam ra đời trên cơ sở Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Ngoài VNPT, có nhiều mô hình Tập đoàn được thí điểm triển khai trong thời gian qua, tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng thành công, có những tập đoàn đã giải thể thành tổng công ty.
 
“Riêng mô hình thí điểm của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã thành công. Tập đoàn VNPT đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Trong quá trình xây dựng và phát triển, VNPT là một Tập đoàn chủ lực, hàng đầu của đất nước trong lĩnh vực viễn thông và CNTT, giữ vững và duy trì trong nhiều năm qua” - Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đánh giá.

VNPT là một thương hiệu lớn, thương hiệu quốc gia, thậm chí còn lan tỏa ra thị trường quốc tế. Tập đoàn VNPT đã phát huy tốt thế mạnh trong lĩnh vực hạ tầng viễn thông và CNTT. Trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn, VNPT vẫn duy trì được tốc độ phát triển bền vững. Doanh thu tăng trưởng tốt. Từ năm 2008 đến năm 2012, bình quân doanh thu của Tập đoàn tăng trưởng 21,5%.
 
VNPT là một trong những Tập đoàn viễn thông, CNTT có hạ tầng mạng lưới rộng khắp và tốt nhất hiện nay. Hạ tầng mạng lưới viễn thông, CNTT được đầu tư và không ngừng mở rộng, tối ưu hóa như hạ tầng băng rộng, IP… Với việc đầu tư xây dựng hai vệ tinh Vinasat, đã góp phần giúp Việt Nam làm chủ chủ quyền trên không gian. Việc kinh doanh hai vệ tinh đang rất tốt, sẽ sớm thu hồi vốn trong thời gian tới.
 
Theo Bộ trưởng, VNPT cũng đã thường xuyên quan tâm tới đổi mới kinh doanh, đồng thời sớm tách bạch các hoạt động công ích, hoạt động kinh doanh. VNPT đã hoàn thành việc tách Bưu chính ra khỏi Viễn thông, hợp với quy luật phát triển...
 
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, trong giai đoạn mới, VNPT cần phải đổi mới để tăng sức mạnh cạnh tranh, tiếp tục phát triển mạnh mẽ và khẳng định thương hiệu quốc gia, do đó, ngày 11/6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giai đoạn 2014 - 2015 nhằm phát triển VNPT giữ vai trò chủ lực trong ngành viễn thông Việt Nam; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.  
 
Những nhiệm vụ cần thực hiện khi tái cơ cấu
 
 
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng đã cho biết, mục tiêu của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và Tập đoàn VNPT là phấn đấu từ 1/1/2015 sẽ triển khai hoạt động theo mô hình mới trong Đề án Tái cơ cấu VNPT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phải thực hiện 8 nhiệm vụ nhằm chỉ đạo VNPT tiến hành tái cơ cấu. Mục tiêu của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và Tập đoàn VNPT là phấn đấu từ 1/1/2015 sẽ triển khai hoạt động theo mô hình mới trong Đề án Tái cơ cấu VNPT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, trong quý III năm 2014, Bộ Thông tin và Truyền thông phải trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức vốn điều lệ; kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển các năm 2014-2015; chiến lược phát triển Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; Thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ Viễn thông (VNPT - Vinaphone) và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Truyền thông (VNPT - Media) để tổ chức thực hiện.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ thực hiện việc tiếp nhận các đơn vị gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thông tin Di động VMS (Mobifone): Bưu điện Trung ương; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông theo đúng quy định hiện hành. Chỉ đạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông hoạt động bảo đảm cân đối thu chi, không sử dụng ngân sách nhà nước.

Trong năm 2014, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thông tin di động VMS (Mobifone) để tổ chức triển khai; Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tổ chức lại Bưu điện Trung ương; cơ chế tổ chức hoạt động kinh doanh của hệ thống vệ tinh Vinasat 1, Vinasat 2; Chỉ đạo việc tổ chức lại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cáp quang FOCAL và Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp Bưu chính viễn thông (VNPT - Technology) theo quy định của pháp luật.
 
Về phía VNPT, 7 nhiệm vụ cần thực hiện để tái cơ cấu Tập đoàn đó là: Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông mức vốn điều lệ của VNPT; Xây dựng Đề án thành lập Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Viễn thông (VNPT-VinaPhone) và Công ty TNHH một thành viên Truyền thông (VNPT -Media), báo cáo để Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Thực hiện bàn giao các đơn vị theo quyết định; Triển khai phương án tổ chức lại sản xuất kinh doanh, sắp xếp các đơn vị thành viên và xử lý các tồn tại về tài chính phù hợp với nội dung Đề án đã được phê duyệt; xây dựng, báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông cơ chế tổ chức hoạt động kinh doanh của hệ thống vệ tinh Vinasat 1,2 để Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng Chính phủ; Định kỳ báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp kết quả thực hiện Đề án này.