Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ ba, ngày 21/05/2024

CT-IN sát cánh cùng nhà mạng, doanh nghiệp và người dân

07/06/2012 10:57 SA
Chuỗi bán lẻ VNPT 5G hút khách

Từ kết quả SXKD khả quan đạt được năm 2011

 Theo báo báo của HĐQT Công ty Cổ phần Viễn thông - Tin học Bưu điện (CT-IN) tại Đại hội cổ đông thường niên vừa tổ chức, doanh thu năm 2011 của công ty đạt 1.464 tỷ đồng, tăng 39,45% so với kế hoạch năm và tăng 66% so với năm trước đó. Lợi nhuận trước thuế đạt 86 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 64,5 tỷ, EPS năm 2011 đạt 4.113 đồng/cp, cổ tức 18%.

Trong cơ cấu doanh thu năm 2011 của Công ty, lĩnh vực kinh doanh truyền thống đạt trên 900 tỷ đồng (chiếm gần 62%); trong đó kinh doanh hàng hóa đạt gần 732 tỷ (tăng 90 tỷ so với năm 2010), vượt xa mảng doanh thu dịch vụ - chỉ đạt gần 172 tỷ (giảm 48 tỷ so với năm 2010).

Và, trong mảng kinh doanh hàng hóa thì bán lẻ điện thoại đạt 529 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 36%; trong khi năm 2010 Công ty chưa có khoản doanh thu này. Điều đó cho thấy việc mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực bán lẻ của công ty CT-IN là một hướng đi hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế và thị trường.

 

Thách thức và cơ hội phát triển mạnh mẽ hoạt động kinh doanh bán lẻ

Theo xu thế, thị trường viễn thông và CNTT đang thay đổi “chóng mặt” với những đặc thù mới. Đó là sự lấn át ngày càng rõ rệt của các nhà cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng, chia sẻ nội dung, mạng xã hội, giải trí như Facebook, Google…; các nhà khai thác viễn thông nếu chậm đổi mới có thể dần trở thành những nhà cung cấp kết nối thuần túy. Thực tế cho thấy doanh thu dịch vụ thoại thuần túy ngày càng giảm, đã có sự xuất hiện của những phương thức gọi mới rẻ tiền (thậm chí miễn phí, thực chất là thu lợi qua hình thức khác) như Skype, Viber... Cùng đó, sự ra đời các dòng điện thoại di động đa chức năng và máy tính bảng, với các hệ điều hành đa dạng như iOS, Android & Windows, cùng với hàng triệu ứng dụng trên nền điện toán đám mây... khiến người dùng có thêm nhiều lựa chọn, thay vì phụ thuộc vào các nhà mạng như trước.

Năm 2012 nền kinh tế vĩ mô sẽ còn gặp nhiều khó khăn và nhu cầu thị trường tiếp tục bị suy giảm, ngưng trệ, sức mua ở mức thấp nhưng với xu thế phát triển, CT-IN vẫn đặt kế hoạch doanh thu 4.100 tỷ đồng, gấp gần 3 lần doanh thu thực hiện được năm 2011; trong đó doanh số từ điện thoại và các sản phẩm khác tối thiểu đạt 2.100 tỷ. Những con số này cho thấy việc chuyển hướng và đẩy mạnh kinh doanh sang lĩnh vực bán lẻ đang là lợi thế, và cũng là thời cơ cho CT-IN hiện nay.

Năm 2011, CT-IN đã hoàn thành việc thành lập và đưa vào hoạt động Công ty CT-IN Trading với chuỗi bán lẻ VNPT 5G trên phạm vi toàn quốc. Định hướng này cho thấy triển vọng và cơ hội khai thác các dịch vụ tiện ích của Công ty ra thị trường đã đáp ứng được nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Chuỗi bán lẻ VNPT 5G chính thức ra thị trường từ quý 4/2011, với hệ thống phân phối điện thoại di động nằm trong các điểm bán hàng của VNPT (Shop in Shop), ban đầu được triển khai và thực hiện tại các địa bàn trọng điểm rồi tỏa rộng dần đến khắp vùng miền. CT-IN chủ trì trong việc nhập hàng, thực hiện bundle gói cước của các nhà mạng Vinaphone và Mobifone, rồi phối hợp với các Viễn thông tỉnh thành để phân phối bộ sản phẩm trên hệ thống bán lẻ VNPT 5G.

Phân khúc thị trường bán lẻ, kết hợp với truyền thống và lợi thế vốn có của CT-IN đã giúp Công ty tiếp cận trực tiếp với thị trường  tiêu dùng cá nhân. Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc CT-IN, ông Nguyễn Trí Dũng cho biết, thị trường viễn thông đã bắt đầu bão hòa, doanh thu lĩnh vực kinh doanh truyền thống của CT-IN chỉ khoảng 1.000 tỷ đồng. Do vậy, Công ty xác định mở rộng ra thị trường bán lẻ để thích nghi với xu thế kinh doanh trong thời kỳ mới.

Với định hướng chiến lược trở thành công ty công nghệ sáng tạo hàng đầu Việt Nam, CT-IN đang không ngừng hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn viễn thông và CNTT đa quốc gia, giúp các nhà khai thác viễn thông xây dựng được hạ tầng mạng và dịch vụ chất lượng cao. Công ty vẫn đang tiếp tục sát cánh với các nhà khai thác bưu chính, viễn thông, dịch vụ giá trị gia tăng và các công ty sản xuất đầu cuối nhằm nghiên cứu, thiết kế và tổ chức kinh doanh ngày càng nhiều các gói sản phẩm đi kèm dịch vụ tiện ích, linh hoạt và thân thiện nhất cho người tiêu dùng.