Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Chủ nhật, ngày 19/05/2024

Nguyên Bộ trưởng Đỗ Trung Tá: Người tiên đoán điện thoại di động sẽ như... “cơm bình dân”

30/03/2015 12:41 CH
“Nghỉ nhưng không hưu”

Vào tháng 12 năm nay, ông Đỗ Trung Tá tròn 70 tuổi. Ông sinh năm Ất Dậu (1945). Theo Phật giáo thì người tuổi Dậu được Hư Không Tàng Bồ Tát ban trí tuệ nên thông minh sáng dạ, có chí khí kiên cường, cứng cỏi, có lòng bác ái, luôn mong giúp đỡ người khó, chịu khó học hành, biết phân biệt phải - trái…

Ngồi với ông vào một sáng chủ nhật cuối tháng 3 này, không hiểu sao câu chuyện của chúng tôi lại được bắt đầu về những lá số tử vi. Rồi từ chuyện tử vi quay về những chuyện thời sự của ngành thông tin - truyền thông. Nói về những biến động của ngành thông tin - truyền thông hiện thời ông tỏ ra từ tốn, chừng mực, nhưng đầy nhiệt huyết.

Nhìn ông, nghe ông tôi bỗng nhớ cách đây 8 năm, vào cái ngày ông chính thức bàn giao ghế Bộ trưởng cho người kế nhiệm mình là ông Lê Doãn Hợp (8.2007) sau một nhiệm kỳ 5 năm, ông phát biểu: “Hơn 40 năm học tập và cống hiến cho ngành bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin, nay đến tuổi nghỉ hưu, tôi thực sự đã rất thanh thản! Tuy nghỉ, nhưng tôi xin hứa rằng trách nhiệm của mình đối với sự phát triển Thông tin và Truyền thông thì không hề suy giảm”.

Ông nói vậy và ông đã làm như vậy. Hơn 4 tháng sau ngày rời nhiệm sở Bộ Thông tin và Truyền thông, GS-TSKH Đỗ Trung Tá được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm làm Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về công nghệ thông tin (12.2007), đồng thời kiêm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ quốc gia. Ông đảm nhiệm các cương vị này và làm hết sức mình, như ông đã hứa, cho đến ngày 1.1.2012 thì mới chính thức nghỉ hưu.

Ông bảo, ông “nghỉ nhưng không hưu”, hàng ngày ông vẫn thực hiện chế độ, giờ giấc làm việc như thời còn là phái viên Thủ tướng, chỉ có điều không đến công sở. Vẫn đọc sách, báo, nghiên cứu tài liệu; đi giảng bài, diễn thuyết, dự hội thảo; ngồi các hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ về CNTT, Hội đồng xét duyệt chức danh Phó giáo sư, Giáo sư…

Điện thoại di động như… “cơm bình dân”

Cho đến tận bây giờ, khi ông Đỗ Trung Tá đã rời ghế Bộ trưởng khá lâu, thì vẫn có không ít người nghĩ rằng ông hợp với vai trò của một giáo sư đứng trên giảng đường đại học hơn là một Bộ trưởng - chính khách, mặc dù, ai cũng biết ông là một chuyên gia tài ba trong lĩnh vực của mình. Trong Chính phủ khi ấy, ông từng là một trong số hiếm hoi những Bộ trưởng được đào tạo chính quy tại một trường đại học kỹ thuật danh tiếng hàng đầu thế giới với bằng tiến sĩ khoa học.

Tuy nhiên, lại có không ít người cho rằng, nếu ông không là người đứng đầu ngành viễn thông ở một trong những giai đoạn nhiều biến cố nhất của đất nước thời mở cửa thì chắc gì những thành tựu của viễn thông Việt Nam đã được như hôm nay. Dẫu có nghĩ thế này hay thế khác thì cũng phải thừa nhận rằng, viễn thông Việt Nam có được những bước tiến thần kỳ như hôm nay có đóng góp không nhỏ của cựu Bộ trưởng Đỗ Trung Tá.

Trong giới bưu chính - viễn thông Việt Nam, nếu người ta coi ông Mai Liêm Trực (với vai trò là Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện) là người có công lớn đưa internet vào Việt Nam thì ông Đỗ Trung Tá (trên cương vị Bộ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông, sau là Bộ Thông tin và Truyền thông) là người góp phần không nhỏ đưa điện thoại di động vào Việt Nam. Ngày nay, không ít người Việt Nam đã không còn dùng tới điện thoại cố định nữa mà mỗi người đã có một, thậm chí là vài chiếc điện thoại di động. Cái ước mơ của cựu Bộ trưởng Đỗ Trung Tá biến điện thoại di động thành “cơm bình dân” từ cái thuở điện thoại di động còn là món hàng xa xỉ thậm chí là với cả các doanh nhân cỡ đại gia thì nay đã trở thành hiện thực. MobiFone, VinaFone, Viettel… đã là những cái tên quen thuộc với mỗi người Việt Nam.

Nói thì đơn giản như vậy, nhưng để làm được điều đó là cả một cuộc “vật lộn” không hề đơn giản. “Từ đầu những năm 1990, ngành bưu điện bắt đầu thử nghiệm hệ thống điện thoại GSM ở Hà Nội. Để làm được điều này, lãnh đạo Tổng cục Bưu điện xác định rằng tự chúng ta đứng ra để làm sẽ vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi. Vì vậy cần phải thành lập một doanh nghiệp độc lập để có thể liên doanh, liên kết được với nước ngoài. Tuy nhiên mọi việc thật không đơn giản.

Nhiều người, thậm chí lãnh đạo cấp cao phản đối vì hệ thống di động khi đó quá xa xỉ và nhạy cảm, nhất là lo sợ dễ lộ bí mật, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Hơn nữa việc liên kết, liên doanh với nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực viễn thông di động chưa hề có tiền lệ” - ông Đỗ Trung Tá nhớ lại. Tuy nhiên vừa thử nghiệm, vừa kiên trì thuyết phục, giải thích, cuối cùng, năm 1993, VMS-MobiFone cũng được ra đời và đến năm 1995, VMS-MobiFone đã hợp tác với Comvik (Thụy Điển).

Ngồi với Giáo sư Đỗ Trung Tá và cùng ông nhớ lại thời kỳ ấy, tôi đã hỏi ông rằng, ông có bất ngờ không khi cái ước mơ biến điện thoại di động thành “cơm bình dân” của ông lại đến sớm như vậy, ông cười: “Sau khi MobiFone hợp tác với đối tác Comvik và quyết định cho Viettel kinh doanh di động, lãnh đạo ngành Bưu điện đã phán đoán được sự phát triển của di động ở Việt Nam. Từ năm 2005, tôi đã nghĩ đến là sẽ có ngày “nông dân có điện thoại dắt cạp quần”. Ngay sau đó, chỉ sau một mùa vải ở Bắc Giang, những người nông dân ra gốc vải đã mang theo điện thoại trong túi. Cho nên, dù di động phát triển nhanh gây ra không ít sự ngạc nhiên nhưng không đến mức đột ngột, hay “không tưởng tượng được” với những người từng lãnh đạo ngành”.

“Cha đẻ” Bưu điện Văn hoá xã

Có thể nói, một trong những “đứa con đẻ” mang đậm dấu ấn của GS- TSKH Đỗ Trung Tá là “Bưu điện - Văn hóa xã”. Tuy nhiên cái ý tưởng xây dựng điểm Bưu điện văn hóa xã lại xuất hiện trong ông hết sức tình cờ. Năm 1995, khi đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị VNPT, về thăm quê (Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Tây, nay là Hà Nội), ông có tặng ông Chủ tịch xã đã về hưu một gói mực khô, quà ông đi Quảng Ninh về. Ông cựu Chủ tịch xã bỏ mực ra, vuốt cẩn thận lại tờ báo bọc mực để cất đi, hỏi ra mới biết ở làng không có báo đọc nên ông mới quý tờ báo như vậy.

Thế là mỗi lần về quê thăm nhà, ông đều biếu sách báo cũ cho bà bán quán nước gần nhà. Mấy tháng sau đó mới lại về thăm quê nhà, ông Tá về vẫn thấy sách báo còn đó. Bà chủ quán bảo để đó cho mọi người đọc bởi ở đây đâu có sách báo gì. Ông nghĩ: “Tại Hà Tây mà người dân còn thiệt thòi về thông tin như vậy thì trên các vùng sâu vùng xa khác, bà con nông dân còn bị thiệt thòi đến mức nào?”.

Sau đó, ông về triệu tập cuộc họp và bàn với Ban cán sự Đảng Tổng cục Bưu điện lúc đó thành lập các điểm Bưu điện - Văn hóa xã trên toàn quốc, đặc biệt tại các xã khó khăn giúp cho người dân có thể được đọc sách, báo, tạp chí, tra cứu các văn bản miễn phí. Bưu điện văn hóa xã cũng là nơi tập trung các sinh hoạt văn hóa của dân cư tại xã, đồng thời cung cấp các dịch vụ bưu chính viễn thông phục vụ người dân.

Cũng nhờ có bưu điện - văn hóa xã mà một thời cuộc sống tinh thần của người dân nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa được nâng lên đáng kể.

Người đàn ông lịch lãm

Trong cuộc sống ông Tá là người đàn ông lịch lãm lại dễ gần, trí tuệ, nhưng có đôi chút cả tin. Trong công việc ông quyết đoán, nhưng thận trọng. Cả cuộc đời hoạt động của ông gần như gắn với những thăng trầm của ngành bưu chính - viễn thông. Trưởng thành từ một nhà giáo lên đến Bộ trưởng. Cho tới hôm nay có thể khẳng định rằng những đóng góp của ông cho ngành bưu chính - viễn thông của nước nhà là không hề nhỏ. Chặng đường hoạt động của ông là sự phấn đấu bền bỉ, không mệt mỏi. Tuy nhiên không phải mọi chuyện bao giờ cũng thuận buồm xuôi gió.

Tôi từng chứng kiến những ngày sóng gió nhất trong cuộc đời của ông: “Sự kiện VNPT” những năm 2003 - 2004. Báo chí đăng tràn lan những thông tin lọt ra không có đầu có đuôi từ “Kết luận thanh tra” và cả những điều võ đoán, thêm thắt. Đến tư dinh của ông nằm nép mình bên con hẻm của đường Láng Hạ (Hà Nội) thấy ông thẫn thờ, tuy dáng vẻ vẫn điềm tĩnh.

Ai cũng hiểu, trong giai đoạn chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, nhiều khi cơ chế, chính sách không theo kịp những chuyển động của cuộc sống. Làm người đứng đầu một ngành công nghệ nhanh nhạy như viễn thông quả là khó thật, mặc dù về chuyên môn, những người khó tính nhất của ngành viễn thông đều phải thừa nhận ông là bậc thầy!

Trong những ngày sóng gió ấy ông vẫn điềm tĩnh, tự tin, không than vãn về những sóng gió quanh mình, không trách cứ ai. Hôm ấy ông vẫn nói nhiều về những bước đi mới của ngành viễn thông: Về điện thoại, internet không dây, về những ngôi nhà thông minh, về mong muốn làm sao để những người nông dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có báo để đọc…

Vâng, đấy là ông Đỗ Trung Tá, Bộ trưởng Đỗ Trung Tá.