Sai phạm, xúc phạm danh dự, nhân phẩm trên báo chí - nhìn từ góc độ đạo đức nghề báo

Thời gian vừa qua, kinh tế thị trường ở nước ta đã tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới toàn bộ hoạt động báo chí và các cơ quan báo chí. Báo chí hoạt động trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã và đang năng động hơn, gắn với nhu cầu của công chúng hơn, đa dạng hơn. Tuy nhiên, mặt trái của sự tác động này là một số nhà báo, một số cơ quan báo chí chạy theo xu hướng thương mại hóa báo chí, xa rời tôn chỉ mục đích, sai phạm, thậm chí vi phạm pháp luật, tác động xấu đến đời sống xã hội, làm xấu đi hình ảnh của nhà báo chân chính.

 

20180118-l6.jpg

 

Báo chí đóng góp rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe nhân dân

 Nhận diện những sai phạm lớn

Thực tế đáng phải suy nghĩ là, trong một nền báo chí phát triển như hiện nay, bên cạnh những thành tựu to lớn, vẫn còn những bất cập, những lỗi không đáng có, thậm chí những sai phạm “không thể chấp nhận”, làm phiền lòng người dân, làm phức tạp dư luận xã hội, làm hoen ố hình ảnh nhà báo cách mạng… Những ngày gần đây, dư luận xã hội cũng như trong báo giới thực sự ngỡ ngàng, thậm chí xấu hổ trước việc một người làm trong một cơ quan báo chí viết trên trang cá nhân của mình những lời lẽ xúc phạm lãnh tụ Cu ba Fidel Castro…

Hoặc cách đây 3 năm, phóng viên Nguyễn Chu Trinh bịa tin giật gân câu khách một cách thiếu hiểu biết về y văn và thiếu nhân văn với câu chuyện “Bố chồng dính chặt nàng dâu” ở Tiền Giang (đăng báo điện tử Vov.vn). Sau đó, một báo điện tử khác “ăn theo”cũng đã bịa ra câu chuyện phỏng vấn người hàng xóm của nhân vật về chuyện này. Tương tự có báo khai thác thiếu khách quan thông tin nước ngoài “ăn bưởi có thể gây ung thư” làm thiệt hại không thể tính được cho người dân trồng bưởi ở Nam bộ, v.v…

Theo đó, những sai phạm của các cơ quan báo chí đã được gọi tên, nêu địa chỉ như: Tình trạng bán giấy phép xuất bản; Vi phạm những quy định trong Giấy phép xuất bản, xa rời tôn chỉ, mục đích của tờ báo; Thiếu trách nhiệm trong việc trả lời các tổ chức, cá nhân; Cơ quan báo chí thiếu kiểm tra, thiếu quản lý các văn phòng đại diện, cơ quan thường trú.

Nhiều cơ quan chủ quản báo chí chưa quan tâm quản lý báo chí. Vì vậy, vai trò của Tổng biên tập là rất lớn, không ai thay được. Những sai phạm phổ biến của báo chí lien quan đến đạo đức nghề nghiệp của người làm báo là: Thông tin sai sự thật; Lộ bí mật quốc gia; Đưa tin gây thất thiệt cho người dân, cho đất nước; Đưa tin kích dục, kích dâm, vi phạm thuần phong, mĩ tục, làm hỏng tuổi trẻ; Xâm phạm bí mật đời tư của công dân; Thiếu tôn trọng độc giả, khán - thính giả… Theo thống kê, trên thực tế đã có tới hàng trăm vụ kiện dân sự (báo bị khiếu kiện).

Một dẫn chứng khác, tháng 3/2011, hàng triệu khán giả truyền hình, nhiều nhà hảo tâm và dư luận xã hội bất bình về chuyện bị một cô gái bịa ra cả một quá khứ bất hạnh để lừa khán giả truyền hình, trong câu chuyện “Đời cô Lượm” được phát trên sóng truyền hình quốc gia.

Qua sự việc nêu trên cho thấy, từ những lỗi nhỏ đến những sai phạm lớn, không thể tách rời trách nhiệm chính từ những người phụ trách cơ quan báo chí, trước hết là Tổng biên tập, với vấn đề đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm của nhà báo đối với xã hội trong việc thu thập thông tin, kiểm chứng thông tin trước khi đưa tin.

 

Đi tìm nguyên nhân của tình trạng trên

 

Trước hết là những nguyên nhân thiếu hiểu biết luật pháp hoặc không chấp hành luật pháp, không tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo và quy định của Đảng về công tác tuyên truyền, báo chí. Nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm Luật Báo chí là tình trạng thiếu hiểu biết Luật Báo chí. Thậm chí, có những vi phạm là do biết luật nhưng không thực hiện (cả phía báo chí và cả phía các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác).

Các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí chưa làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về báo chí. Trong cơ quan báo chí cũng không làm thường xuyên. Ở đây có vai trò chính của các cấp Hội Nhà báo. Tuy nhiên cũng phải khẳng định việc vi phạm Luật Báo chí trước hết là do bản thân nhà báo - hội viên, vì nhà báo trước hết là một công dân. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.

Mặt khác, trong đào tạo, có môn học luật pháp về báo chí, nhưng chưa sâu, chưa gắn với thực tiễn; Việc bổ nhiệm chức danh lãnh đạo báo chí có nơi chưa chú trọng tiêu chuẩn; Phổ biến tình trạng coi Luật Báo chí chỉ là của riêng giới báo chí; Nhiều cơ quan, tổ chức… tùy tiện đòi nhà báo phải xuất trình các giấy tờ khác ngoài thẻ nhà báo.

Những sai phạm do cơ quan báo không chấp hành sự chỉ đạo tuyên truyền, càng cho thấy nguyên nhân chính, nguyên nhân quan trọng là từ nhận thức chính trị của lãnh đạo báo.

Thứ hai là những nguyên nhân thuộc về văn hóa ứng xử của người lãnh đạo cơ quan báo chí và của nhà báo. Tình trạng báo chí sai nhưng không xin lỗi đối tượng hoặc xin lỗi không thỏa đáng, theo nhiều người, nguyên nhân chính là thái độ “cửa quyền trong báo chí”. Sự cửa quyền này, trách nhiệm trước hết thuộc về Tổng biên tập.

Nhà báo Đinh Phong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội nhà báo TP. HCM, trong một bài viết đã từng chạm tới vấn đề này, khi ông đề cập: “Trước hết các Ban biên tập phải điều hành cơ quan báo chí của mình một cách có văn hóa. Đó là việc dẫn dắt cơ quan báo chí đi đúng tôn chỉ, mục đích, tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo và những quy định của Đảng, không bán măng-set, tờ báo cho những người buôn bán báo chí. Một người lãnh đạo báo chí đúng đắn, có văn hóa là phải biết sống và làm việc theo pháp luật, tuân thủ quy định về tuyên truyền và phải luôn nghĩ đến tác động của các bài báo đối với xã hội. Có thể có lúc có ý kiến khác với sự chỉ đạo, song những người lãnh đạo cơ quan báo chí không thể xé rào dùng báo, đài làm diễn đàn công khai để đưa ra sự thiếu tập trung trong Đảng… Điều đáng xấu hổ hơn là khi nói sai, xúc phạm đến công dân lại không dám thẳng thắn tự phê bình, xin lỗi, cho người phê bình được nói lại cho đúng trên báo, đài hoặc thẳng thắn khắc phục sai sót do mình gây ra…Có một số tòa soạn tìm cách nói lòng vòng, “nói lại cho rõ”, “nói thêm”, che giấu việc làm sai trái. Có một tờ báo ở TP.HCM đăng tin hai nghệ sĩ bị bắt vì đánh bài. Các nghệ sĩ kiện vì không có việc đó. Đáng lẽ phải xin lỗi, thì tờ báo đó lại đăng tiếp một bài cho rằng mình nói không sai, bởi một người có đánh bài từ mấy năm trước và một người có bị bắt vì tội vượt biên…Làm như vậy là thiếu văn hóa. Báo đài nào cũng có thể sai sót khi thông tin, song chỉ có thành tâm và thẳng thắn nhận sai sót mới được nhân dân yêu quý, tín nhiệm”…

Thứ ba là những nguyên nhân thuộc về tri thức văn hóa, tầm hiểu biết hay cách gọi khác là “phông văn hóa” của người lãnh đạo cơ quan báo chí và của nhà báo. Một nhà báo đưa tin vi phạm pháp luật hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, tổ chức hoặc tờ báo có quá nhiều lỗi về kiến thức văn hóa, về lỗi diễn đạt, về sử dụng tiếng Việt, phong cách tiếng Việt, vi phạm thuần phong, mĩ tục… thì không thể nói khác nguyên nhân là từ những người phụ trách biên tập, từ Tổng biên tập. Nhưng, nếu bản thân nhà báo - hội viên thiếu tư cách đạo đức trong tác nghiệp, thì không lãnh đạo cơ quan báo chí nào có thể kiểm soát hết được. Mà thiếu đạo đức trong hoạt động nghề nghiệp cũng có phần nguyên nhân sâu xa từ “phông văn hóa” của người làm báo.

Đưa tin chuyện phòng the, chuyện tình dục, không hẳn là xấu. Khai thác chuyện bản năng của con người, cũng có thể coi là một cách khám phá những bí ẩn của con người. Tuy nhiên khai thác đến mức độ nào, tiếp cận ở góc độ nào, phản ánh nó như thế nào,…lại là vấn đề văn hóa. Mong muốn thỏa mãn nhu cầu tò mò (của bản thân và cho người khác - đối với nhà báo là cho công chúng), là phạm trù bản năng của con người. Song, giữa bản năng và văn hóa thì "văn hóa là sự chế ngự bản năng" (4). Đối với mỗi con người - nhất là người làm báo, người mà xã hội thường nhìn nhận, kì vọng như một nhà văn hóa - thì yếu tố văn hóa phải là cái chủ đạo, cái dẫn dắt bản năng và hành vi, đặc biệt là hành vi sáng tạo tác phẩm báo chí. Bịa câu chuyện li kì về “bố chồng - nàng dâu” như trên, vừa là sự thiếu hiểu biết về y văn, vừa là trượt khỏi ranh giới văn hóa.

Thứ tư là nguyên nhân từ sự thiếu chuyên nghiệp trong nghiệp vụ khai thác và xử lý thông tin của người lãnh đạo báo và trong hoạt động tác nghiệp của mỗi nhà báo. Ở đâu người lãnh đạo báo không có nghiệp vụ báo chí (do quy trình bổ nhiệm hoặc lý do khác), hoặc không quan tâm đến nghiệp vụ, ở đó tính chuyên nghiệp của tờ báo chắc chắn không cao. Biểu hiện rõ nhất là thiếu một quy trình biên tập xuất bản báo một cách chuyên nghiệp, khoa học, hiệu quả, từ việc lập kế hoạch, tổ chức thu thập thông tin, thẩm định nguồn tin, công bố thông tin. Vẫn có không ít những tít tin, bài ngô nghê hoặc thiếu chính xác, ngay trên trang nhất một tờ báo; hoặc bài viết không có lượng thông tin, yếu về nghiệp vụ thể hiện, gây lãng phí cho báo và cho bạn đọc, cho xã hội. Nếu làm báo một cách chuyên nghiệp, hiểu biết và chấp hành pháp luật, chắc hẳn không có chuyện báo chí, nhất là báo điện tử, tự do phơi bày thông tin cá nhân của công dân trên báo chí như hiện nay. Trách nhiệm ở đây, rõ ràng cũng là của người lãnh đạo cơ quan báo chí.

 

Cần nâng cao đạo đức nghề nghiệp để chống sai phạm, xúc phạm danh dự, nhân phẩm trên báo chí

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi công tác cán bộ là “công việc gốc” của Đảng. Trong hoạt động báo chí cũng vậy, công tác cán bộ, hay đúng hơn là việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí có ý nghĩa quyết định sự thành bại đối với sự nghiệp báo chí.

Trong Bài nói tại Đại hội lần thứ hai của Hội Nhà báo Việt Nam (1959), Người từng nêu yêu cầu: “Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”. Tại Đại hội lần thứ ba của Hội (1962), Bác lại nói: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”.

Bác cho rằng: “Báo cũng là một ngành kinh tế” và “Một tờ báo không được đại đa số (dân chúng) ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo”, nhưng Bác luôn luôn dạy báo chí không được vì lợi ích kinh tế mà xa rời mục đích, tôn chỉ.

Thực tế, chúng ta nói nhiều về những yếu kém của báo chí như xa rời tôn chỉ mục đích, sa vào giật gân, câu khách, chạy theo lợi ích kinh tế thuần túy, sao nhãng biểu dương người tốt việc tốt, nặng thông tin mặt tiêu cực, mặt trái xã hội, làm “nóng” một số vấn đề kinh tế - xã hội đất nước một cách không đáng có... Điều này ai cũng thấy, cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí; cơ quan chủ quản thấy, cơ quan báo chí và mỗi cán bộ, phóng viên đều thấy; dư luận bạn đọc cũng thấy rõ và phản ánh nhiều lần. Vậy vì sao chúng ta không giải quyết, không khắc phục được một cách cơ bản? Cùng với tuân thủ pháp luật theo tiêu chí đúng/sai, cơ quan báo chí do Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo, quản lý còn có một tiêu chí khác không kém phần quan trọng là: nên hay không nên. Để thực hiện tiêu chí này, rất cần nhãn quan chính trị đúng đắn, sự nhạy cảm và tinh thần trách nhiệm cao của người làm báo, nhất là cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí.

Trên thế giới, việc nhà báo tuân thủ các quy tắc ứng xử đạo đức nghề báo bao giờ cũng gắn liền với những quy định cụ thể, rõ ràng, dễ thực hiện, về việc ứng xử với nguồn tin, xử lý thông tin.

Tuyên ngôn của Liên đoàn Nhà báo quốc tế đượcthông qua tại Đại hội thế giới của Liên đoàn Nhà báo quốc tế năm 1954 (bổ sung năm 1986) có 11 điều quy tắc ứng xử đạo đức. Trong đó có ghi: “Nhà báo chỉ viết bài theo những thông tin mà bản thân biết rõ nguồn gốc. Nhà báo không được lấp liếm những thông tin thiết yếu hoặc làm sai lệch tài liệu” (Điều 3); “Nhà báo cần coi những việc sau đây là những vi phạm nghề nghiệp nghiêm trọng: Đạo văn, bóp méo sự thật có ác ý, vu khống, bôi nhọ, buộc tội vô căn cứ, nhận hối lộ dưới bất kỳ hình thức nào để đăng hoặc lấp liếm thông tin” (Điều 8).

Với vai trò của mình, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức thường xuyên các Hội thảo, tập huấn về bồi dưỡng đạo đức nghề báo, xem xét từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau về đạo đức nghề nghiệp: quy trình khai thác, xử lí thông tin, quy trình tổ chức bản thảo, BT, xuất bản; công tác cán bộ báo chí, công tác quản lý phóng viên, v.v...

TS. Trần Bá Dung