Phóng viên chiến trường: Góc nhìn từ hai phía

Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, nhưng góc nhìn cuộc chiến dưới con mắt các phóng viên chiến trường ra sao, quan điểm của người cầm máy 2 phía thế nào vừa được những người trong cuộc gợi mở một phần...


Ông Đoàn Công Tính (tác giả tấm hình Nụ cười thành cổ 1972) và ông Nick Út (tác giả tấm hình Em bé Napalm) gặp nhau tại Sài Gòn.

Không thể bấm máy do quá bạo liệt

Bên lề Triển lãm phóng viên chiến trường đang được tổ chức tại Hà Nội (từ 14/4 đến 10/5), Hội thảo "Phóng viên chiến trường: Những góc nhìn chéo" cũng được tổ chức. Lí giải những bức ảnh chưa một lần được công bố, những tấm ảnh dù được dựng lại nhưng vẫn khiến người xem xúc động, chấp nhận; có cả những tấm ảnh được họ lưu trữ cá nhân và mãi mãi không bao giờ xuất hiện trên mặt báo. Hoàn cảnh bấm máy; những suy nghĩ của họ; bối cảnh ra đời những tấm ảnh đã trở thành biểu tượng của chiến tranh Việt Nam được chia sẻ tại hội thảo khiến người nghe không khỏi... lặng người.

Theo nhiếp ảnh Đoàn Công Tính, nguyên phóng viên Báo Quân đội Nhân dân: Khoảnh khắc bấm máy nơi tuyến lửa ngoài chiến trường diễn ra nhanh lắm. Không có thời gian cho sự chần chừ, chẳng có cơ hội cho người ta chụp lại. Chiến tranh là vô cùng khắc nghiệt, nó không phải là sân khấu đời thường để - những người được chụp hay vô tình lọt vào ống kính phóng viên - có thể "diễn" lại trước ống kính. Có những người vừa lọt vào khuôn hình, chỉ vài phút sau đã nằm xuống. Trong khi phóng viên chiến trường, muốn có ảnh là phải lao vào cuộc chiến để chụp...

Được biết, các phóng viên miền Bắc vào chiến trường khi ấy thường dùng máy Pratica (Đông Đức), Kiev (Liên Xô); phim thì của Liên Xô và Đông Đức như Orwo, Tasma… Phần lớn ống kính (lens) đi theo máy đều không có tele và góc rộng, nên muốn có những bức ảnh chân thực, phóng viên chiến trường phải chụp gần, chấp nhận trả giá bằng mạng sống của họ. Ông Tính kể, không thể nhớ hết những lần ông bị vùi lấp cùng với một vài người lính vì bom pháo, khi tự bới đất ngoi lên và nhìn thấy những người bị thương vong của cả hai phía, ông bàng hoàng trước hình ảnh thảm khốc. Những xác chết nằm la liệt. Ban đầu định không chụp, nhưng rồi vẫn phải bấm máy ghi lại bởi nó là hình ảnh chân thực nhất của chiến tranh. Nhiệm vụ của phóng viên chiến trường là phải ghi lại sự thật dù không mong muốn điều đó xảy ra. Nhưng cũng có những cảnh quá bạo liệt, thảm khốc ông đã không thể bấm máy!

Đồng quan điểm, ông Chu Chí Thành, nguyên phóng viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam cho biết: Năm 1973, khi chụp ảnh trao trả tù binh bên bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị), tôi tình cờ được gặp những phóng viên phía bên kia và được xem những tấm hình lính Mỹ ôm đầu, bị thương, chết dưới chiến hào. Ban đầu với góc nhìn hạn hẹp tôi nghĩ, anh này chắc chụp ảnh vì tiền, bởi những phóng viên miền Bắc khi vào chiến trường đều được nhắc: không chụp những cảnh bi lụy, chết chóc, gục đầu, nước mắt... bởi chúng ta chiến đấu bằng tinh thần. "Sau này tôi hiểu rằng, không phải chỉ phóng viên chúng tôi chụp ảnh vì đất nước của mình, những phóng viên bên kia họ cũng chụp ảnh vì nhiều lí do. Trước hết là vì cái nghiệp; kế đến là tinh thần phản chiến và vì chính nước Mỹ. Họ muốn đưa cái nhìn chân thực nhất của cuộc chiến, để người Mỹ hiểu và không đưa con em họ sang Việt Nam nữa", ông Thành nói.

Ở phía "bên kia" chiến tuyến, nhiếp ảnh Patrick Chauvel người Pháp từng có mặt tại miền Nam Việt Nam cho biết: Chiến tranh Việt Nam được coi là bước ngoặt của tự do báo chí thế giới. Phía Nam vĩ tuyến 17, các phóng viên được tự do tác nghiệp, nhưng chính những bức ảnh phơi bày tổn thất, chết chóc của lính Mỹ đã khiến Nhà Trắng đau đầu. Từ chính các hình ảnh bạo lực, đẫm máu tại Việt Nam, phong trào phản chiến tại nước Mỹ lan rộng và nhiều người biết đến Việt Nam, ủng hộ Việt Nam hơn. "Chiến tranh là một điều gì đó đau buồn cho bất cứ ai bị "ném" vào cuộc chiến dù vì lí do gì. Có mặt ở những điểm nóng nhất của cuộc chiến nên tôi đã ghi lại những khoảnh khắc khốc liệt nhất mà không phải ai cũng có cơ hội. Đơn cử, chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, tôi là phóng viên duy nhất bám trụ tại "cối xay thịt" này...", ông Tính bồi hồi nhớ lại.

Góc nhìn về cuộc chiến và đồng nghiệp

Theo ông Tính, bất cứ phóng viên ảnh miền Bắc nào cũng đều mang trong mình tính chính trị rất cao. "Dù chỉ là sĩ quan cấp thấp trong quân đội, tôi rất quan tâm đến chính trị vì hiểu rằng chính trị quyết định đến số phận của dân tộc và tôi tự hào là người sống có lý tưởng. Lý tưởng đó là phụng sự hòa bình, tự do cho Việt Nam", ông Tính nói. Tuy nhiên, khi được hỏi ông muốn người khác nhìn nhận về mình là một người lính cầm máy ảnh hay là một phóng viên ảnh? Ông Tính không ngần ngại nói: "Tôi luôn luôn được nhìn nhận và tự nhận là người lính cầm máy ảnh. Tôi coi máy ảnh là thứ vũ khí đắc dụng giúp tôi thực hiện lý tưởng sống của mình".

Khác với ông Tính, hầu hết những người cầm máy phía bên kia là phóng viên của các hãng thông tấn lớn của thế giới và báo chí Việt Nam Cộng hòa. Khi được hỏi về những người cầm máy phía bên kia như Nick Út (tác giả tấm hình Em bé Napalm) -  phóng viên hãng AP, ông Tính cho biết: Với Nick Út và các phóng viên phương Tây trong chiến tranh Việt Nam, tôi không có dịp gặp họ vì chúng tôi ở hai đầu chiến tuyến khác nhau. Phải tới tận 35 năm sau chiến tranh tôi với Nick Út mới được gặp nhau tại Sài Gòn. Dù không quen biết từ trước, nhưng gặp nhau chúng tôi coi như những người bạn thân thiết. Sau những khác biệt, giờ chúng tôi có những góc nhìn chung về chiến tranh và mong muốn Việt Nam không bao giờ có cuộc chiến tương tàn nào nữa.

Theo Patrick Chauvel, để duy trì được sự đúng mực của cá nhân và quan điểm khách quan khi bấm máy với chúng tôi dễ dàng hơn các phóng viên Việt Nam. Mỗi phía có mục đích riêng khi cầm máy, nhưng chúng tôi có một điểm chung: Trước những cảnh khốc liệt, tang thương của chiến tranh chúng tôi đều cầu nguyện mong sao cuộc chiến này sớm chấm dứt và những sai lầm của của chiến tranh không bao giờ lặp lại ở bất cứ nơi đâu trên hành tinh này... 40 năm sau cuộc chiến, cái nhìn về một phía của những phóng viên chiến trường; góc nhìn xuyên thấu và rõ ràng nhất của hai phía đã cùng hướng về phía trước, cho một Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ và cường thịnh...

Chiến tranh đã có thể kết thúc sớm hơn
 
Dưới ống kính của mình, ông Chu Chí Thành chia sẻ: Đợt trao trả tù binh ngày 9/3/1973 (đây là đợt trao trả tù binh lớn nhất trong lịch sử sau Hiệp định Paris 1973) được diễn ra ngay bên bờ sông Thạch Hãn.
 
"Khi tôi bấm máy, những người lính Bắc Việt cởi trần chạy bộ lội sông về phía đồng đội, phía sau họ là lá cờ của Việt Nam Cộng hòa và những người Việt máu đỏ da vàng bên kia chiến tuyến chúng tôi cứ ngỡ chiến tranh đã kết thúc. Lúc nói chuyện với những người lính phía Nam, họ nói với tôi ngay từ những năm 70 đã muốn buông súng. Nhưng phải mất hơn 2 năm sau, cả hai miền phải đổ bằng máu của hàng triệu người mới có ngày thống nhất. Nhiều người nói, chúng ta phải trả giá cho tự do quá đắt. Với riêng tôi, độc lập tự do không phải là món hàng, nó vô cùng thiêng liêng. Không thể nói giá của nó, bởi nó là vô giá", ông Thành nhấn mạnh.

Ông Đoàn Công Tính cho biết, ông từng mang theo súng ngắn K.59 để tự vệ nhưng chưa có dịp dùng tới. "Ngay khi ở chiến trường tôi đã nghĩ: Nếu cần bắn tôi sẽ không bắn mà dùng máy ảnh để chụp, vì đối với tôi chụp ảnh quan trọng hơn", ông Tính nói. Đồng quan điểm này, ông Chu Chí Thành chia sẻ: Với người lính cầm súng, họ có 2 chiến tuyến. Với nhiếp ảnh chỉ có sự thật và không có chiến tuyến. Nếu gặp phải đối phương, thay vì cầm súng lên thì giơ chiếc máy ảnh lên để chụp vừa là công việc, vừa là sự lựa chọn khôn ngoan. Tuy nhiên, hơn 100 phóng viên miền Bắc nằm lại chiến trường đã nói lên sự khốc liệt của cuộc chiến", ông Thành nói.
 
Việt Hoàng (InFonet)