Khẳng định một thương hiệu của giới báo chí Việt Nam
Mùa giải Báo chí Quốc gia lần thứ VIII- 2013 vừa kết thúc với 1.665 tác phẩm tham dự, 115 tác phẩm được lựa chọn trao giải, trong đó có 8 giải A, 27 Giải B, 41 Giải C và 39 Giải Khuyến khích. Đồng chí Hà Minh Huệ- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia- đã có bài viết nhìn nhận về mùa giải này. Báo NB& CL xin giới thiệu cùng độc giả.
Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia (BCQG) năm 2014 đã hoàn thành chấm chung khảo, xác định chủ nhân 11 loại giải, là những tác phẩm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử xuất sắc nhất năm 2013, tuyển chọn từ hàng vạn tác phẩm báo chí đăng tải trên các phương tiện thông tin của cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Đọc, xem, nghe tất cả 183 tác phẩm thuộc 4 loại hình vào chung khảo thôi cũng hình dung được bức tranh toàn cảnh báo chí, tình hình đất nước, xã hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Chính phủ, thấy rõ những thành tựu, các vấn đề của xã hội. Đó là thành quả, công sức lao động sáng tạo miệt mài của hơn 20.000 hội viên- nhà báo trong cả nước.
Giải BCQG năm nay có những con số đáng chú ý: 1.665 tác phẩm được các cấp Hội tuyển chọn gửi lên Hội đồng Giải BCQG, với sự tham gia của hầu hết tổ chức Hội trong toàn quốc. Đây là con số cao nhất từ trước tới nay. Điều này cho thấy ý thức trách nhiệm cao, sự hưởng ứng nhiệt thành của hội viên Hội Nhà báo đối với Giải BCQG mỗi năm tổ chức một lần. Chính sự tham gia mạnh mẽ đó, chất lượng của Giải cũng tăng lên. Lần đầu tiên, Hội đồng Giải BCQG xác định được 8 tác phẩm báo chí xuất sắc trong 11 loại Giải để trao Giải A- mức cao nhất từ trước đến nay. Trước đây, mức cao nhất cũng chỉ dừng lại ở con số 3- 4. Cao ở đây chắc chắn không phải do Hội đồng năm nay dễ dãi hơn năm trước, mà do chất lượng tác phẩm cao hơn. 8 Giải A là những tác phẩm xuất sắc nhất xét về vấn đề, chủ đề, nội dung phản ánh, kỹ thuật trình bày. Đó là những tác phẩm viết về các vấn đề chính trị, kinh tế, chủ quyền biển đảo, những vấn đề lớn và nóng, có cách trình bày súc tích, hấp dẫn và có sức thuyết phục. Năm nay có 3 loại Giải không có Giải A, là ảnh báo chí, phim tài liệu truyền hình, và thể loại phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép thuộc loại hình báo điện tử. Lý do chính là chất lượng không cao, và phần nào thể hiện đúng thực tiễn.
Tổng số Giải năm nay khá cao, gồm 8 Giải A, 27 Giải B; 41 Giải C và 39 Giải Khuyến khích. Tuy nhiên, giống như những năm trước, Hội đồng vẫn mong đợi có những tác phẩm xuất sắc hơn, có tính phát hiện sắc sảo hơn, sâu sắc hơn trong lý giải và mới mẻ hơn trong cách thể hiện. Hy vọng tình hình năm sau sẽ được cải thiện.
Có thể nói, kết quả tổng thể của Giải đã phản ánh tương đối xác thực tình hình báo chí năm 2013. Theo đó, các cơ quan báo chí, các nhà báo đã nỗ lực hết mình, đi, tìm tòi, phát hiện, phản ánh mọi khía cạnh của cuộc sống, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tập trung tuyên truyền, cổ cũ thực hiện chủ trương và đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, phanh phui và phê phán các hiện tượng tiêu cực, chống tham nhũng, chống các luận điệu sai trái thù địch, thực hiện chức năng phản biện xã hội, là diễn đàn của nhân dân. Loại trừ một vài sai sót khi tác nghiệp, yếu kém về nghiệp vụ mà chính giới báo chí cũng đã nhận thức được, thì về cơ bản, đội ngũ báo chí đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần vào thành công chung trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo nhận xét chung của 39 thành viên Hội đồng chung khảo, là những nhà báo có thâm niên và kinh nghiệm thì mặt bằng chung về chất lượng các tác phẩm báo chí năm nay được nâng cao, đi vào chiều sâu. Và có lẽ do vào cuộc mạnh mẽ hơn với chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nên đã có nhiều tác phẩm viết về những tấm gương điển hình trên các mặt trận, từ lao động, sản xuất đến đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là một nét mới trong Giải báo chí năm nay.
Giải năm nay ghi nhận một hiện tượng tích cực, thể hiện tính đa dạng, đa phương tiện và chất lượng hoạt động của một cơ quan báo chí. Đó là Đài Tiếng nói Việt Nam. Liên Chi hội của Đài đã gửi tác phẩm dự thi cả 4 loại hình báo chí, và đạt kỷ lục về số lượng tác phẩm lọt vào vòng chung khảo: 15 tác phẩm, chưa kể 2 tác phẩm khác của Cơ quan đại diện khu vực, đứng tên Hội Nhà báo tỉnh. Đơn vị này đã giành được 2 Giải A (báo nói), 2 Giải B (báo in, báo điện tử), 2 Giải C (báo nói, báo điện tử) và 1 Giải Khuyến khích (báo nói). Một tác phẩm khác của Đài ở khu vực đoạt Giải B. Đây là thành tích cao, hiệu quả rất đáng trân trọng.
Các đơn vị thông tin chủ lực, các cơ quan báo chí lớn tiếp tục khẳng định “vị thế trung ương” do lĩnh vực hoạt động được phân công và năng lực chuyên môn truyền thống. Đó là Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, các cơ quan báo chí các bộ, ngành Công an, Đoàn Thanh niên, Mặt trận v.v... Trong Giải năm nay, báo Nhân Dân và Đài Truyền hình Việt Nam, mỗi đơn vị đoạt 2 Giải A và một số Giải B, C. Thông tấn xã là đơn vị có nhiều tác phẩm vào chung khảo, có chất lượng đồng đều.
Trong khi đó, các cơ quan báo chí địa phương cũng tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, đã có những đơn vị liên tục giành được giải cao như Bình Thuận, Nghệ An, Đồng Nai, báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ …, xóa đi cái gọi là tâm lý tự ti, cho rằng các cơ quan báo chí lớn có nhiều ưu thế, thường chiếm hết giải thưởng. Trong hai mùa Giải gần đây, các Tiểu ban chấm sơ khảo, Hội đồng chung khảo đều đánh giá rằng đến thời điểm hiện nay báo chí địa phương “ngang ngửa” với báo chí Trung ương về nhiều phương diện, chất lượng được nâng cao. Theo số liệu thống kê của Ban Thư ký Giải năm nay, có tới 33 trong 58 Hội địa phương dự thi có từ 1 đến 4 tác phẩm lọt vào chung khảo. Trong 8 giải A thì HNB Nghệ An và báo Thanh Niên, mỗi đơn vị giành 1 Giải. Đài truyền hình Bình Thuận năm ngoái được Giải A, năm nay tiếp tục giành giải B. Trong tổng số 27 giải B thì 11 giải thuộc về HNB tỉnh, thành phố, số còn lại thuộc về các báo ngành, đoàn thể. Trong 41 giải C, đa phần thuộc về các báo ngành, các HNB địa phương.
Chúng tôi chia sẻ với những tổ chức Hội, cơ quan báo chí tham gia Giải nhưng không có tác phẩm vào chung khảo, không được Giải hoặc chưa được Giải cao. Lý do duy nhất là số lượng Giải trao có hạn. Hội đồng Giải trân trọng mọi đóng góp, mọi loại Giải cao, thấp, kể cả Khuyến khích. Vấn đề quan trọng là ở chỗ, dẫu sao số lượng tác phẩm gửi dự thi năm sau đều cao hơn năm trước, chất lượng cũng thế, chứng tỏ các cấp Hội, hội viên vẫn quyết tâm thi đua, quyết tâm giành giải.
Hội đồng GBCQG cũng đã nhận thấy những bất cập, yếu kém cần khắc phục, từ khâu hướng dẫn dự thi đến khâu tuyển chọn từ cơ sở và khâu chấm cuối cùng để nâng cao chất lượng Giải. Hướng dẫn của Thường trực Hội đồng Giải cần cụ thể hơn, rõ ràng hơn. Về phía mình, các cấp Hội phải thực hiện đúng hướng dẫn đó để không bỏ lọt, sót những tác phẩm hay, phân loại chính xác tác phẩm gửi dự thi, không để nhầm thể loại. Các cấp Hội ít quan tâm tới cả thể loại tin, chỉ thích chọn, ghép 6- 10 tác phẩm đăng rải rác vào chùm bài. Một số báo điện tử thì ỷ vào lợi thế của phương tiện không hạn chế về số trang, chọn những tác phẩm dài 20- 30 trang in. Khâu chấm sơ khảo ở Trung ương cũng có ý kiến theo hướng cải tiến, nâng cao chất lượng, chọn những thành viên giỏi, sâu về chuyên môn. Hội đồng sơ khảo đã và đang được cải tiến, nhưng có một thực tế khó khăn, bất cập khó khắc phục là Tiểu ban sơ khảo rất vất vả, chấm tới 400 tác phẩm báo in, 100 tác phẩm báo hình một kỳ.
Như đã nói ở trên, trong cơ cấu Giải vẫn thấy thiếu vắng các tác phẩm tin; Tin có giá trị ở chỗ tính phát hiện cao, mang tính thời sự, lối thể hiện ngắn gọn, sắc sảo, nhanh nhạy. Ảnh báo chí vẫn là khâu yếu kém nhiều năm nay, liên tục không có Giải A, thậm chí có năm không có cả đến giải B. Có lẽ đây là hậu quả của quan điểm dùng ảnh làm minh họa cho bài viết, chứ không làm tác phẩm báo chí. Mấy năm nay mảng tin quốc tế rất hiếm trong tác phẩm được tuyển chọn dự thi, do vậy không có Giải. Thể loại bình luận, xã luận cũng có rất ít tác phẩm hay. Chất lượng các tác phẩm phát thanh của Đài địa phương chưa cao. Phải chăng đó là thực tế của báo chí chúng ta hiện nay? Hay lý do nằm ở khâu tuyển chọn, khâu chấm ?! Tất cả những vấn đề này được nêu ra để các cấp Hội cùng suy nghĩ và đề ra giải pháp để khắc phục.
Hội Nhà báo Việt Nam đã hoàn thành quá trình xây dựng và chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng Giải BCQG để Giải có chất lượng hơn, uy tín hơn, nhằm tôn vinh đúng, đủ những tác giả, tác phẩm báo chí thực sự xuất sắc, có hiệu quả xã hội cao. Giải Báo chí Quốc gia đã trở thành thương hiệu, mỗi năm đến dịp kỷ niệm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6) là giới báo chí chờ đợi.
TS. Nguyễn Thế Kỷ - phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, phó Chủ tịch Hội đồng giải BCQG: “Chất lượng tác phẩm thuộc thể loại xã luận, bình luận có nhiều nổi trội”
Giải năm nay có nhiều bước tiến so với năm trước, đây là điều rất đáng mừng. Một điều đáng ghi nhận là số tác phẩm của báo chí địa phương được lọt vào Chung khảo tăng hơn. Bên cạnh đó, mảng bài thuộc thể loại xã luận, bình luận tôi thấy có nhiều nổi trội. Tuy nhiên, ở Giải lần thứ VIII này để tìm tác phẩm thực sự tạo một ấn tượng mạnh thì có lẽ cũng chưa thấy. Ví dụ như không ít tác phẩm truyền hình thuộc thể loại Phim Tài liệu, phóng sự- từ trước đến nay vốn có thế mạnh, thì vẫn chưa đạt được điều ấy- thậm chí còn làm theo lối đơn giản.
GS.TS. Vũ Văn Hiền – phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư: “Các tác phẩm đã phản ánh nhiều khía cạnh của đời sống xã hội”
Giải BCQG đã trở thành một thương hiệu và năm nay tiếp tục có sự khởi sắc. Thứ nhất, mặc dù vẫn chưa có tác phẩm quá xuất sắc nhưng chất lượng thì được nâng lên ở mức đồng đều (giữa báo chí địa phương và T.Ư) … và đây là một điều rất mừng. Thứ hai, các tác phẩm đã đi vào phản ánh rất nhiều khía cạnh của đời sống xã hội. Thứ ba, về mặt tác nghiệp, cách thể hiện bài viết có vẻ khá hơn. Có không ít tác phẩm tôi có cảm nhận là của những nhà báo còn rất trẻ nhưng bút pháp thể hiện tương đối tốt… Tuy nhiên, ở Giải có những vấn đề chưa được đề cập nhiều đó là vấn đề văn hoá, xã hội và việc quản lý xã hội. Cần phải làm gì để xã hội tốt đẹp lên, từng con người tốt đẹp hơn thì đấy là điều báo chí mà chúng ta sắp tới cần hướng tới.
Nhà báo Hoàng Hữu Lượng – Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin & Truyền thông): “Tôi hài lòng về chất lượng của Giải Báo chí Quốc gia năm nay”
Tác phẩm lọt vào chung khảo có thể coi là những tác phẩm tiêu biểu, phản ánh toàn bộ bức tranh của đất nước trong năm 2013- là năm đầy khó khăn mà toàn Đảng, toàn dân chúng ta đã và đang quyết tâm vươn lên… Những gương điển hình tiên tiến cũng được phản ánh tương đối tốt, những mặt trái của xã hội cũng đã được phản ánh một cách có chọn lọc. Cùng với đó, còn có rất nhiều bài viết mang tính phản biện xã hội. Mong muốn thì rất nhiều, nhưng bản thân tôi tương đối hài lòng về chất lượng của Giải BCQG năm nay.
Ông Vũ Quốc Khánh – Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam: “Giải năm sau nên chú trọng nhiều đến mảng tin ảnh”
Năm nay BTC đã tạo điều kiện tốt nhất cho các phóng viên ảnh, nghệ sỹ chủ động gửi ảnh dự thi cá nhân, đó là một thuận lợi lớn. Tuy nhiên, tôi thấy một số vấn đề cần rút kinh nghiệm cho Giải năm sau.
Đó là các tác phẩm ảnh đơn năm nay không nhiều, vào chung khảo chỉ có 2 bức. Điều đó không thể hiện được sự đa dạng, phong phú của đời sống, cũng như không phản ánh hết thực tiễn ảnh sử dụng trên mặt báo năm qua. Tôi nghĩ, phóng viên năm tới nên gửi nhiều ảnh đơn, tin ảnh hơn, đó mới là đặc trưng của thể loại ảnh báo chí. Trong khi đó, ảnh bộ, phóng sự ảnh năm nay có vẻ nhiều hơn nhưng chất lượng chưa cao. Chất lượng ảnh còn trùng lặp và chưa thực sự ấn tượng. Ảnh bộ sắp xếp chưa có sự liên kết thống nhất, mới chỉ mang tính chất ghép ảnh chứ chưa có sự kết nối thành những câu chuyện thu hút độc giả.
Nhà báo Nguyễn Quý Hòa – Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM: “Số lượng giải thưởng dành cho báo hình còn quá ít”
Riêng về báo hình, số lượng dự thi rất nhiều, chất lượng cũng khá cao nhưng số lượng Giải thưởng dành cho loại hình này quả thực vẫn còn ít. Theo tôi, số lượng tác phẩm tăng lên thì số lượng giải cũng nên tăng thêm để việc biểu dương những người làm báo được nhiều hơn. Ví dụ, nên có thêm giải A, giải B hơn nữa. Thứ hai, là các thể loại truyền hình, phát thanh thực sự vẫn còn ít kênh phân phối tới công chúng. Vì vậy, trong Giải BCQG, chúng ta cần đẩy mạnh truyền thông về các tác phẩm phát thanh, truyền hình đoạt giải để tăng sức lan tỏa của giải thưởng. Bên cạnh đó, các tác phẩm dự thi Giải BCQG năm sau nên có những tiêu chí rõ ràng, cụ thể hơn về mặt tư tưởng cũng như chất lượng tác phẩm. Theo đó, trong báo cáo nhận xét của Hội đồng sơ khảo cần phải cụ thể hơn để việc chấm Giải ở Hội đồng chung khảo sát thực hơn, việc nhận định, xét giải sẽ thuận lợi hơn…
Nhà báo Phạm Huy Hoàn – Tổng Biên tập Báo điện tử Dân Trí: “Báo điện tử nên phối hợp cả clip, âm thanh, text…”
Tôi thấy rằng tổng số tỷ lệ giải dành cho giải báo điện tử còn khiêm tốn. Tỷ lệ giải thưởng trên số bài được vào chung khảo của báo hình, báo in thì trên 60% nhưng báo điện tử chỉ có 40%. Còn về chất lượng thì báo điện tử quả thực không thua kém gì báo hình, báo in. Vì vậy, để nâng cao chất lượng Giải, tôi nghĩ từ các mùa Giải sau, các bài báo điện tử dự thi nên có sự phối hợp cả clip, âm thanh, text…Vì đó là xu hướng đa phương tiện, phù hợp với tình hình mới của làng báo. Và do vậy, những người trong Hội đồng chấm giải thể loại này (từ sơ khảo đến chung khảo) cũng cần phải nâng cao nghiệp vụ, hiểu biết về cả báo in, báo hình, phát thanh mới đủ trình độ thẩm định những tác phẩm này.
Nhà báo Lê Duy Truyền – phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam: "Giải thiếu những tác phẩm thông tin quốc tế đối nội”
Điều tôi trăn trở là trong các tác phẩm vào chung khảo vẫn thiếu vắng một số loại hình thông tin, một số chủ đề. Ví dụ, Giải BCQG mà không có tác phẩm nào ở thể loại Tin và về thông tin quốc tế đối nội lọt vào chung khảo. Cùng với đó là sự trăn trở về chất lượng các tác phẩm ảnh báo chí tham dự năm nay. Lâu nay tôi thấy chúng ta chọn ảnh dự Giải mang tính nghệ thuật nhiều hơn là tính báo chí. Vì đây là Giải Báo chí nên tác phẩm ảnh là vô cùng quan trọng. Có những thông tin nếu không có ảnh thì không có tác dụng gì hết. Và cũng có thông tin chỉ cần một cái ảnh thôi, thậm chí không cần chú thích nhưng cũng có hết thông tin, nên phải quan tâm hơn nữa đến thông tin bằng ảnh.